Cha mẹ hãy cho con thông điệp yêu thương để trẻ sống tự tin, chan hòa trong gia đình và xã hội. Nhưng bên cạnh tình yêu đó, cách xử sự của cha mẹ cũng không kém phần quan trọng.
"Tớ đang ở Nha Trang. Cậu đang ở đâu? Tớ chán quá, muốn ở Sài Gòn chơi với các cậu nhưng “bố già” bắt tớ phải đi nè”... Trên chuyến xe du lịch ra Nha Trang, điện thoại di động (ĐTDĐ) của cô bé tuổi teen, đang học lớp 8 cứ liên tục reo lên và những đoạn đối đáp, chuyện trò diễn ra oang oang như thể cô bé đang ở nhà mình. Chiếc ĐTDĐ kiểu mới nhất hoặc được cô bé chơi game chán chê hoặc dùng để “tám” với bạn bè suốt chặng đường dài. Hết cô bạn này đến cậu bạn khác. Đủ thứ chuyện, khách trên xe không muốn nghe cũng phải nghe. Nào là chuyện đi shopping ở Sài Gòn, rủ nhau sang
Nuông chiều thái quá
Nhiều người trên chuyến xe ấy, dù bực mình đều không thể hiện ra mặt, bởi cô bé ấy là con của sếp phó giám đốc công ty, lại đang làm trưởng đoàn, dẫn CB-CNV đi nghỉ. Chắc đã quen với kiểu hành xử của con gái rượu nên ông bố chẳng hề nhắc nhở gì cô bé, thậm chí cứ luôn miệng dỗ dành khi cô bé nhăn mặt, chê bai, nào là quán này ăn dở quá, chỗ kia có gì đáng để tham quan (?)...
“Cưng chiều vô lối”, anh hướng dẫn viên của công ty du lịch tự nhủ. Làm nghề hướng dẫn viên, anh đưa biết bao nhiêu đoàn khách với đủ thành phần xuất thân, cũng có nhiều đoàn khách thượng lưu giàu có, cũng lắm cô chiêu cậu ấm được chăm sóc, nuông chiều, nhưng cử chỉ, hành vi hợm hĩnh như cô bé tuổi teen hôm ấy và cách ông bố chiều con kiểu đó, lại là quá đáng, khiến anh cũng phải bực mình.
Cách đây khá lâu, dư luận cả nước rộ lên chuyện chơi ngông của các quý tử. Cậu H. L, bố mẹ là giám đốc, ăn sáng kiểu khác người: Từ Sài Gòn, đánh xe ra tận Trảng Bàng, Tây Ninh làm tô bánh canh rồi về hoặc khuya nổi hứng rủ bạn đua xe ra Vũng Tàu. Rồi chuyện cậu C. đòi mẹ mua cho chiếc Mercedes 2 cửa đời mới nhất hơn 60.000 USD để “thiên hạ lác mắt” và đã được mẹ (một chủ doanh nghiệp) mua cho, dễ như người khác đi mua bó rau ngoài chợ.
Yêu thương, chia sẻ và giáo dục
Theo các nhà xã hội học, tâm lý học, thông điệp của cha mẹ gởi đến con cái là hãy cho con biết rằng chúng được yêu thương. Trẻ hiểu điều đó để sống tự tin, chan hòa trong gia đình và xã hội. Nhưng bên cạnh tình yêu đó, thì cách xử sự của cha mẹ càng rất quan trọng và yêu thương không có nghĩa là nuông chiều thái quá, đáp ứng tất cả mọi nhu cầu cá nhân của trẻ - nhất là những nhu cầu không phù hợp với lứa tuổi, dễ dẫn trẻ đi đến những hành vi sai trái, mà chính trẻ cũng không hề nhận biết, nhất là lứa tuổi mới lớn, chưa phân biệt tốt xấu, dễ đua đòi theo chúng bạn.
Cha mẹ nào mà chẳng yêu con và nuông chiều con là quyền của các bậc cha mẹ. Nhưng cách nuông chiều thái quá sẽ đưa đến những ảnh hưởng đáng lo khác. Sự hợm hĩnh trong tính cách, thiếu những tố chất nền để hình thành và giữ gìn nhân cách cũng như thiếu sự tự tin, tự lập và hòa nhập cộng đồng khi trẻ bước vào đời - một phần cũng bắt nguồn từ sự nuông chiều thái quá.
|
Đừng để con thành “gà công nghiệp”
Cũng vì được nuông chiều nên việc nhà chẳng biết, quen thói đỏng đảnh, sau khi lập gia đình, chị Hương đã khiến đức ông chồng bực bội nhiều phen. Cũng may chồng chị là người hiểu biết và độ lượng, chị cũng là người thương yêu chồng con và cầu tiến nên chị đã đi học nữ công gia chánh, tham khảo sách báo để chăm sóc, quán xuyến gia đình. Nay chị khoe, hai con đều ngoan, không phải là “gà công nghiệp” như chị ngày xưa, sau này chỉ khổ thân mình. Còn anh Long, một quý tử con nhà giàu khác, do quen được nuông chiều từ nhỏ nên anh ham chơi hơn ham học, bây giờ 35 tuổi rồi, nghề ngỗng chẳng ra gì, vợ ly hôn, con gởi ông bà nội nuôi, hết chạy taxi được vài tháng lại bỏ, ra ngồi vỉa hè đầu xóm đánh cờ tướng ăn tiền còm qua ngày.
(Theo NLĐ)