Qua một cuộc thi ca nhạc, U.L đã trở thành thần tượng của không ít người hâm mộ. Từ khán giả trẻ tuổi cho đến trung niên... đều mê mẩn và luôn dõi theo từng bước đi của thần tượng. Vợ tôi là một trong những fan cuồng nhiệt đó. Ðiều đáng nói là sự hâm mộ thần tượng thái quá đã ảnh hưởng không ít đến hạnh phúc gia đình.
![]() |
Sau chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 tại Nhà hát Sao Mai (TP Tuy Hòa), nhiều người hâm mộ chụp hình lưu niệm cùng thần tượng - Ảnh: M.NGUYỆT |
BỎ NGỦ BỎ ĂN VÌ THẦN TƯỢNG
Vợ tôi năm nay 40 tuổi, là một trí thức, am hiểu khá nhiều lĩnh vực. Riêng về âm nhạc, nàng biết và nghe nhiều dòng nhạc khác nhau: từ nhạc tiền chiến đến dòng nhạc mang âm hưởng dân ca, nhạc trữ tình, nhạc cách mạng… do nhiều ca sĩ hàng đầu trong nước cũng như ở nước ngoài thể hiện. Song, từ khi nghe “thần tượng” hát, nàng gần như không còn bình phẩm gì về những ca sĩ trước đây nàng vẫn thích. Thay vào đó, tiếng hát U.L luôn tràn ngập căn nhà. Nàng nghe say mê, nhìn say đắm. Nàng hát theo. Nàng nhảy nhót, múa may. Nàng cười ngặt nghẽo khi nghe ban giám khảo bình chọn một cách quá đà… Với nàng, đó là niềm hạnh phúc. Nhưng với tôi, nó là một cực hình, một kiểu khủng bố tinh thần…
Nghe nhạc là để giải trí, để xả stress sau những giờ lao động đầu óc mệt nhoài. Vậy mà nàng xem đó như món ăn trong ngày không thể thiếu. Đến nỗi thằng con tám tuổi của tôi phải thốt lên: “Mọi người biết không, mẹ mê U.L dữ lắm! Mở mắt dậy là nghe suốt từ sáng sớm cho đến tận khuya…”. Còn đứa con gái bảy tuổi thì lúc nào cũng kè kè bên mẹ đòi nghe bài Đường cong để nhảy theo cho bằng được. Thật nguy hiểm vô cùng!
Từ sau cuộc thi ca nhạc đó, một sự phá vỡ “cấu trúc sinh học” hết sức nguy hại đã xảy ra. Lịch ăn học, ngủ nghỉ của mấy đứa nhỏ vốn đâu đó nề nếp đàng hoàng: Buổi tối thường 21 giờ là phải vô mùng. Song thời gian gần đây, tụi nhỏ đi ngủ lúc 12 giờ đêm cũng không còn là chuyện lạ. Sáng ra, cô giáo gọi điện về báo: “Không hiểu sao mấy cháu ngày nào cũng ngủ gục ngủ gà trên bàn học”. Hỡi ơi, cứ cái đà này thì tôi e có ngày gia đình tôi sẽ rơi vào khủng hoảng.
ÐẾN NGUY CƠ ÐỔ VỠ GIA ÐÌNH
Trước đây, cứ mỗi độ tết đến xuân về, hay tiếng cuốc gọi hè, tiếng ve hát vang trên cành phượng đỏ… thì tôi liền đề nghị: “Mình coi thu xếp cho các con về quê thăm ông bà một chuyến”. Không chút suy nghĩ, nàng liền bàn trớt với đủ lý do: nào là bận bịu công việc làm, nào là tết nhất vé tàu xe đăng ký khó khăn, ra đường không khéo bị nhà xe chặt chém, nào đang khó khăn về tài chánh; nào đi hết bỏ nhà bỏ cửa không ai trông… Vậy mà khi chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 diễn ra tại Nhà hát Sao Mai (TP Tuy Hòa) thì nàng liền bỏ hết mọi công việc, lên tàu đi suốt đêm chỉ để xem U.L hát. Chưa hết, cách đây vài tuần, nàng vội vội vàng vàng ra mua vé xe, ngồi non cả ngày trời lên tận Tây Nguyên cũng chỉ để xem U.L hát trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 24. Nhịn hết nổi, tôi lên tiếng: “Mình còn có gia đình, còn con nhỏ, mỗi khi em muốn làm gì, đi đâu cũng phải bàn qua với anh một tiếng. Em làm vậy coi có được không? Mê gì cũng mê vừa vừa thôi!”.
Tôi vừa dứt câu, nàng liền đáp trả: “Phép năm của tôi có, tôi có quyền dùng nó vào bất cứ việc gì tôi thích. Anh không có quyền can thiệp! Tôi mê thần tượng là chuyện của tôi! Còn anh, suốt ngày ngồi cắm đầu vào bàn viết lách, sao không giỏi nói đi?”. Đến nước này, thật tình tôi không còn gì để nói.
Xin lỗi! Nói thế không phải tôi có ý trách móc hay xúc phạm gì thần tượng. Lại càng không nghĩ, thần tượng đã đem đến nỗi bất hạnh cho gia đình tôi. Thần tượng hoàn toàn vô can trong câu chuyện của mỗi gia đình…
Sống trên đời, ai cũng có niềm say mê, cũng có thần tượng để mình yêu thích. Nó vốn bộc phát từ trái tim và bản chất sẵn có trong mỗi con người. Nhưng say mê làm sao, sùng bái làm sao đừng để ảnh hưởng đến gia đình. Để đến khi hạnh phúc vỡ tan, chính mình và con cái là những người trực tiếp lãnh lấy hậu quả. Còn thần tượng ư? Vẫn mãi mãi ở một nơi còn xa hơn chị Hằng, chú Cuội…
BÙI VĂN TUẤN