Dù không còn tình cảm, nhưng không ít cặp vợ chồng vẫn cố duy trì cuộc hôn nhân của mình vì nhiều lý do khác nhau. Những người trong cuộc hàng ngày cố gồng mình để duy trì cuộc hôn nhân không tình yêu ấy.
![]() |
Khi hôn nhân chỉ còn trên danh nghĩa, người trong cuộc không thể tìm thấy hạnh phúc. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
|
Không cay đắng, phũ phàng như Hoa, nhưng tình trạng hôn nhân của Lan cũng bi đát không kém. Trước khi kết hôn với Thái, Lan đã từng trải qua một mối tình khá sâu đậm với Đức, chàng sinh viên nghèo quê ở Thái Bình. Nhưng mối tình thời sinh viên ấy không có kết quả, vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ Lan. Họ không chấp nhận một người con rể “nghèo rớt mồng tơi” lại sống trong cảnh nhà mẹ góa con côi, không thể “môn đăng hộ đối” với gia đình danh giá của mình. Phải hơn 5 năm Lan mới bình tâm lại sau một thời gian đau đớn chia tay Đức. 2 năm sau, cô kết hôn với Thái theo sự sắp đặt của cha mẹ, nhưng cô không hề tìm thấy hạnh phúc.
Thái từng đeo đuổi Lan gần 8 năm nên biết rất rõ quá khứ trước đây của vợ. Dù rất yêu vợ, nhưng Thái lại có tính ghen tuông vô lối. Biết vợ bây giờ không còn liên lạc với người yêu cũ, nhưng trong lòng Thái lúc nào cũng hồ nghi vợ còn thương nhớ người cũ. Điều đáng nói là mỗi lần lửa hờn ghen bốc lên, anh lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với Lan và nói những lời rất khó nghe. Không chịu đựng nổi tính vũ phu của chồng, Lan chỉ muốn ly hôn, nhưng nghĩ đến cậu con trai nhỏ mới hơn 12 tháng tuổi sau này lớn lên trong cảnh không có cha, cô không đành lòng.
Không có quá nhiều nước mắt như Hoa và Lan, cuộc hôn nhân của Mai và Thanh được xây dựng trên nền tảng tình yêu hẳn hoi. Nhìn vào sự giàu sang, thành đạt của vợ chồng họ, khối người ganh tị. Thanh là giám đốc của một công ty tư nhân chuyên ngành xây dựng giao thông, còn Mai là trưởng phòng kinh doanh ở một công ty. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như cuộc sống vợ chồng họ giống như vẻ bề ngoài.
Thời gian yêu nhau, những khác biệt trong cách ứng xử, quan niệm sống với Mai và Thanh chẳng hề to tát. Nhưng đến khi lập gia đình, những khác biệt trong cách nuôi dạy con, cách cư xử với hai bên gia đình nội, ngoại… khiến cho cả hai luôn bất hòa. Những lần xảy ra xung đột, Mai và Thanh không ai nhường ai nên mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Cuối cùng là “chiến tranh lạnh” xảy ra, có khi kéo dài cả tháng trời. Những lần chia sẻ, trò chuyện giữa vợ chồng họ thưa thớt dần. Cũng từ đó, cả hai cảm thấy mỗi ngày một xa cách “một nửa” của mình. Càng ngày, vợ chồng họ càng cảm thấy có một hố sâu ngăn cách tình cảm mà không thể nào lấp đầy. Lâu dần, cả hai san sẻ chuyện tình cảm riêng tư, gia đình không phải với vợ (chồng) mình mà với người ở cơ quan.
Bề ngoài nhìn vào cuộc sống vợ chồng họ vẫn bình yên và hạnh phúc, nhưng bên trong là sự lạnh giá giữa hai con người xa lạ. Họ không muốn ly hôn, một phần vì con cái, một phần vì danh dự bản thân. Họ không muốn sự xáo trộn trong cuộc sống riêng tư ảnh hưởng đến sự nghiệp, không muốn trở thành đề tài cho mọi người bàn tán. Mai tặc lưỡi: “Thôi cứ sống như vậy, đến khi nào không chịu đựng được nổi thì tính tiếp”.
Hiện có không ít cuộc hôn nhân không còn tình cảm, nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội”, vì “không muốn vạch áo cho người xem lưng”.
Ai đó nói rằng, hôn nhân là sự ràng buộc giữa hai người và chính nó lột tả tất cả về người trong cuộc. Vì vậy, đôi khi chung sống với nhau một thời gian, người trong cuộc không còn tha thiết với người bạn đồng hành của mình. Trong trường hợp đó, có người tìm được hướng giải quyết, có người thì làm rạn nứt tình cảm của nhau và có những người thì cố gồng mình để duy trì cuộc hôn nhân đó. Nhiều cuộc hôn nhân không còn ý nghĩa, nhưng vì ràng buộc con cái, sự nghiệp khiến họ không muốn phá vỡ cái vỏ bọc hạnh phúc. Theo các nhà tâm lý học, nếu hôn nhân rơi vào những trường hợp bi đát ấy, vợ chồng nên nói chuyện với nhau để cải thiện tình trạng này. Nếu cả hai không làm được thì hãy nhờ tới một người tin cậy như bạn bè hay người thân trong gia đình để giúp mái ấm của mình khi chưa quá muộn.
THỦY VĂN