“Ai là người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình?” - với một thiểu số người thì đó là “một câu hỏi lớn không lời đáp”.
![]() |
Ảnh minh họa
|
“
Xung quanh chiếc két sắt
Vợ chồng Kim - Loan có một cửa hàng bán chén bát, ly tách, nồi niêu ở quận 8 (TP.HCM). Cửa hàng tạo lập đã lâu, khách quen nhiều, mối ruột lắm, nên từ một cửa hàng nhỏ nay đã khuếch trương thành một cửa hàng lớn, chuyên cung cấp hàng sỉ cho các mối đi tỉnh. Hàng vô hàng ra càng nhiều thì tiền vào tiền ra càng lắm, Loan đã phải sắm cả một chiếc két sắt to để trong buồng ngủ cất giữ tiền cho an toàn.
Công việc buôn bán của vợ phát triển quá, Kim nghỉ luôn việc ở một cơ quan nhà nước, về làm chân lái taxi tải và chân giao hàng cho vợ. Cứ Loan nhận điện thoại đặt hàng của bạn hàng, thì Kim lái xe chở hàng giao tận nơi cho họ rồi về, tiền bạc không cần biết đến. Cuối tuần, Loan rảo một vòng, thu tiền về, cộng cộng trừ trừ xong xuôi tống vô két sắt.
Mọi nhu cầu vật chất, Kim được vợ lo lắng chu đáo, kiểu “cơm ngày ba bữa, quần áo mặc tối ngày”, còn thêm tiền dằn túi cà phê thuốc lá hằng ngày. Ngoài ra, mọi chuyện chi tiêu cho nhà cửa, con cái, nội ngoại đã có Loan tính toán quán xuyến, không thất thố với bất cứ ai. Ngoài công việc hằng ngày ra, Kim cứ việc “kê cao gối mà ngủ”, chẳng phải lo âu suy tính gì, nhà cửa xe cộ tiêu pha, Loan không để anh phải kém cạnh ai.
Kim hài lòng với cuộc sống hiện tại và tự hào về người vợ giỏi giang, cho đến khi anh thuật lại với gia đình mình những lời bạn bè anh so bì tị nạnh với anh. Khi đó, mẹ anh mới sắm bộ mặt rầu rầu, nói với anh đại ý: bấy lâu nay má buồn chuyện con mà không nói. Vợ chồng với nhau mà tiền bạc nó quản hết, lời lỗ ra sao con không hay, vốn liếng hiện nay ít nhiều con không biết. Con sống với nó như vậy, khác nào con làm công cho nó, nó nuôi cơm. Mấy đứa làm công kia cho nó còn được trả lương, được tự quản lý định đoạt đồng tiền của mình. Còn con kìa, con ngó lại mình coi, trên dưới lục hoài không có nổi dăm trăm bạc. Ba má mà có bề gì ngã xuống đây, con có muốn thuốc thang chạy chữa báo hiếu cho ba má, thì cũng đành nhắm mắt ngó lơ chớ tiền đâu mà móc ra.
Kim chống chế: thứ nhất, chuyện tiền bạc buôn bán là việc của Loan cả mười năm nay, bạn hàng giá cả thu chi ràng rịt như mạng nhện, anh biết đâu mà nhìn ngó. Thứ hai, anh thấy Loan trước giờ vẫn là dâu thảo, luôn chu toàn bổn phận với cha mẹ chồng và việc nhà chồng, đâu có thói keo kiết trọng tiền hơn trọng người như thiên hạ mà má phải lo. Thứ ba, làm thằng đàn ông mà được thong dong sung sướng, không phải bù đầu long gối chạy tiền lo cơm áo thuốc thang cho vợ con đã là phước lắm.
Nghe anh “biện hộ”, bà chị dâu trề môi: “ Sống cảnh như chú, chú thấy sướng mà má thấy lo là tại chú nhìn gần mà không nhìn xa. Tiền bạc bi nhiêu nó quản hết, chú chỉ biết cơm ngày ba bữa, mai chiều đây, đàn bà lòng nó bạc như lòng vôi, nó quay ra ưa thằng khác, nó đá chú ra đường, thì nhà cửa tiền bạc tài sản nó nắm, đứng tên nó hết, chú chỉ có bịch quần áo cũ với cái xe tàng chạy về với má thôi. Hồi đó thì nhà mình người ta ở, vợ mình người ta xài, con mình người ta sai...”.
Những lời sắc như dao cứa của bà chị dâu chạy thẳng vào óc Kim, làm anh ớn lạnh. Từ đó, anh đâm ra trầm ngâm, hết thấy hài lòng, hết thấy thong dong. Anh quay ra... đề cao cảnh giác với vợ.
Nghi ngờ và mâu thuẫn
Bắt đầu là lơ là công việc, gắt gỏng và sau đó đòi hỏi vợ công khai tài chính, từ tiền thu chi vô ra hằng ngày, lời lỗ thế nào đến những khoản tiền tích lũy. Khi Loan cho anh hay không có tiền tích lũy, vì mối hằng ngày càng lớn nên lời bao nhiêu Loan đắp thêm vô vốn bấy nhiêu, thì Kim không tin và cho là cô... tẩu tán tài sản. Kết luận: người giữ chìa khóa két sắt phải là anh.
Trước cơn “trở chứng” của chồng, Loan lúc đầu ngạc nhiên sau chuyển sang nghi ngờ chồng có bồ, toan tính “đổi trâu lấy nghé” nên dọn đường trước để khi ly dị thì anh ta “không đến nỗi thiệt thòi”.
Thế là không chỉ tranh chấp về việc ai quản lý công việc làm ăn, tranh chấp về việc ai giữ chìa khóa két sắt, mà mỗi người trong họ quay ra người này nghi kỵ, đề phòng người kia. Tranh chấp cứ kéo dài nên thành ra cãi cọ liên miên. Mỗi khi như thế, Kim lại nói như đinh đóng cột: “Mỗi nhà chỉ có một cái nóc. Và các nóc đó đương nhiên phải là thằng đàn ông.”
Đến nay, chuyện nhà có mấy cái nóc và cái nóc đó là ai vẫn còn là câu chuyện sự của vợ chồng Kim - Loan.
Theo Thư Anh (Thanh Niên)