Nỗi niềm ở nhà vợ

Nỗi niềm ở nhà vợ

Đàn ông bất đắc dĩ lắm mới chấp nhận cảnh ở rể, sống nhờ nhà vợ. Ngày nay, tuy quan niệm của xã hội về vấn đề này đã nhẹ nhàng hơn nhiều, nhưng mặc cảm sống dựa dẫm vào gia đình vợ luôn đè nặng lên tinh thần các chàng rể...

Đàn ông bất đắc dĩ lắm mới chấp nhận cảnh ở rể, sống nhờ nhà vợ. Ngày nay, tuy quan niệm của xã hội về vấn đề này đã nhẹ nhàng hơn nhiều, nhưng mặc cảm sống dựa dẫm vào gia đình vợ luôn đè nặng lên tinh thần các chàng rể...

conre.jpg

Nếu chàng rể và cha mẹ vợ cư xử đúng mực thì mọi chuyện trong gia đình luôn êm thấm - Ảnh: vietnamnet

Hải quê ở Nam Định vào Phú Yên lập nghiệp đã hơn 5 năm. Tại đây, anh gặp và yêu Mai, nữ đồng nghiệp làm cùng công ty. Cưới Mai, nhiều người nói anh “bắt được vàng” vì Mai xinh đẹp, gia đình thuộc diện khá giả ở TP Tuy Hòa. Dù không nói ra, nhưng Hải thực sự e ngại khi phải về sống cùng gia đình bên vợ.

Cha mẹ Mai chỉ có hai cô con gái, chị gái Mai sau khi kết hôn theo chồng vào Nam lập nghiệp, vì vậy Mai phải sống cùng cha mẹ để cận kề sớm hôm chăm sóc. Chuyện sẽ không có gì phức tạp nếu như mẹ Mai không quá khó tính, luôn xét nét con rể từng ly từng tý. Từ khi về ở nhà vợ, Hải luôn cảm thấy gò bó, mất tự do. Hầu như chiều nào sau giờ tan sở anh cũng chạy thẳng về nhà để làm vừa lòng “nhạc mẫu”. Thi thoảng, công ty anh tổ chức liên hoan, hay lâu ngày gặp lại một vài người bạn thân “lai rai” về hơi muộn một chút là mẹ vợ càm ràm ngay. Đó là chưa kể chuyện gì trong nhà cũng do bà quyết định mà không hề hỏi đến ý kiến của con rể.

Chuyện ở rể của anh Lân ở Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) xem ra còn “bi kịch” hơn. Sau khi kết hôn, điều kiện kinh tế quá khó khăn, vợ chồng anh Lân không thể ra riêng. Thấy gia đình bên chị Hằng- vợ anh lại neo người, nên anh Lân về bên nhà vợ ở. Trước khi về ở, anh Lân biết cha vợ là người rất khó tính, nhưng anh nghĩ bản thân mình chỉ cần nín nhịn một chút là mọi chuyện sẽ êm thấm. Nhưng chuyện lại không như anh Lân nghĩ. Dù anh có cố gắng chu toàn mọi việc trong gia đình đến đâu cũng không làm vừa lòng ông già vợ. Đôi lúc anh Lân không chịu được ấm ức, lên tiếng phản kháng, thì ngay lập tức ông già vợ lớn tiếng nhắc đến thân phận “ăn nhờ ở đậu” của anh. Anh Lân bộc bạch: “Nhiều lúc tôi muốn ra ở riêng, hàng ngày không phải mệt mỏi, căng thẳng xung đột với cha vợ. Nhưng ngặt nỗi bao nhiêu tiền bạc dành dụm, vợ chồng tôi đều góp vào để sửa lại nhà. Bây giờ, ra đi tay trắng thì biết lấy gì để gây dựng lại”.

Thật ra, không phải chàng rể nào cũng bị ức chế khi ở rể. Anh Minh ở phường 9 (TP Tuy Hòa) là một trong số ấy. Cha mẹ vợ Minh chỉ có một cô con gái- vợ của Minh hiện giờ, nên ngay từ đầu ông bà nhạc quý con rể như con đẻ. Thậm chí những lúc vợ chồng Minh bất đồng quan điểm, ông bà nhạc còn có ý bênh vực chàng rể. Nhưng không vì thế mà Minh lên mặt với vợ để lấy “uy” và cũng không vì thế mà tỏ ra thiếu lễ phép, hay “nhờn” mặt cha mẹ vợ. Anh Minh thổ lộ: “Tôi thật may mắn vì được sống cùng cha mẹ vợ rất tâm lý. Hễ có việc gì lớn trong gia đình, mọi người đều bàn bạc để đưa ra quyết định đúng nhất. Và chưa bao giờ, gia đình vợ để tôi rơi vào mặc cảm thân phận “ăn nhờ ở đậu” như một số chàng rể khác”.

Chuyện ở rể ngày nay không còn quá nặng nề như quan niệm của các cụ ngày xưa. Tuy nhiên, phần đông các chàng rể đều bị ức chế tâm lý vì mặc cảm phụ thuộc, sống dựa dẫm vào gia đình vợ, vừa mất tự do, vừa mất đi bản lĩnh đàn ông. Vì thế, có không ít chàng rể dù không có nhà ở, dù điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, nhưng vẫn đi thuê nhà bên ngoài, chứ nhất quyết không ở nhà cha mẹ vợ. Vấn đề đặt ra ở đây là thái độ và cách cư xử giữa gia đình vợ với chàng rể. Nếu cả hai bên đều cư xử đúng mực, tôn trọng, yêu thương và nhường nhịn nhau thì mọi chuyện đều êm đẹp. Mặt khác, vai trò người vợ ở đây vô cùng quan trọng, nếu họ không biết cách chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ “một nửa” của mình giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, thì hạnh phúc gia đình rất dễ đổ vỡ.

THỦY VĂN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn