Chồng gia trưởng - đó là nỗi khổ của các bà vợ, bởi họ rất hiếm khi nhận được sự chia sẻ, thông cảm. Sống trong gia đình mà mọi việc lớn bé đều do chồng phán quyết, nhiều lúc các bà vợ cảm thấy nghẹt thở.
![]() |
Tính gia trưởng rất dễ khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
|
KHỔ VÌ CHỒNG GIA TRƯỞNG
Mới lập gia đình chỉ hơn hai năm, nhưng rất nhiều khi chị K ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cảm thấy nghẹt thở. Ngày trước, biết anh H có tính gia trưởng, nhưng chị không thể mường tượng nổi anh lại độc đoán như vậy. Bây giờ chung sống, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do chồng quyết định, ý kiến của vợ không hề có “trọng lượng”. Từ việc gửi con ở nhà trẻ nào, các khoản chi tiêu hàng tháng ra sao đến đặt cái tủ lạnh mới mua ở đâu… cũng đều làm theo ý anh H. Những lúc như vậy, chị K có cảm giác mình như người thừa trong nhà. Ban đầu, dù rất khó chịu khi chồng không hề tham khảo ý kiến của mình, nhưng vì muốn gia đình hòa thuận nên chị nhất nhất làm theo. Nhưng rồi mọi chuyện cứ tiếp diễn khiến chị K cảm thấy vô cùng ngột ngạt.
Không thể chấp nhận tính gia trưởng, độc đoán, chị M (ở phường 3, TP Tuy Hòa) luôn “chống” lại những “mệnh lệnh” vô lý của chồng. Vì thế mà vợ chồng chị thường “cơm không lành, canh không ngọt”. M là mẫu phụ nữ hiện đại, có cá tính nên không “an phận” với vai trò nội trợ trong gia đình, trong khi anh B chồng chị chỉ thích vợ chu toàn việc nhà. Vì thế mà vợ chồng họ thường xuyên bất đồng quan điểm, xảy ra “chiến tranh lạnh”. Mới đây, cơ quan tổ chức hội thảo, chị M được giao báo cáo tham luận. Sau cuộc hội thảo, cơ quan liên hoan. Vì thế, 8 giờ tối, chị M mới trở về nhà. Dù trước đó đã gọi điện “xin phép” anh B, nhưng khi về nhà, chị đụng ngay vẻ mặt lạnh tanh của chồng: “Cô có còn xem đây là nhà nữa không? Vợ gì mà đến 8 giờ tối mới vác mặt về nhà! Cô có gia đình rồi mà vẫn thích đàn đúm như phụ nữ không chồng thế à?”. Nghe chồng đay nghiến, M tức nghẹn cổ, nhưng chị biết có tranh cãi cũng bằng thừa. Hơn nữa, chị cũng đã quá ngán ngẩm cảnh tranh luận không có hồi kết thúc của hai vợ chồng từ lâu.
GIỮ HẠNH PHÚC CÁCH NÀO?
Hơn hai năm chung sống với anh H, chị K không còn là chính mình khi lúc nào cũng răm rắp nghe lời chồng. Chính sự nín nhịn, tránh cho gia đình không xào xáo của chị càng khiến cho anh H nghĩ rằng những quyết định của mình là tối thượng. Chị K nhiều lần muốn phản kháng nhưng lại sợ trong nhà lục đục, người ngoài nhìn vào thì không hay. Hơn nữa, các con cần một môi trường gia đình yên ấm để học tập. Vì thế mà chị lại âm thầm nhẫn nhịn chồng mọi chuyện.
Điều mà chị K cũng như chị M cảm thấy buồn là càng ngày tình cảm yêu thương dành cho chồng càng phai nhạt.
Tính gia trưởng của người đàn ông bắt nguồn từ quan niệm “chồng chúa vợ tôi” từ thời phong kiến. Cho đến bây giờ, quan niệm vợ phải phục tùng chồng vẫn còn đeo bám trong ý nghĩ của không ít đàn ông. Chính lối sống ích kỷ này đã khiến cho người vợ của họ luôn chịu áp lực nặng nề khi không nhận được sự cảm thông, chia sẻ, động viên từ chồng mình. Và điều này là một trong những nguyên nhân tạo nên hố sâu ngăn cách tình cảm vợ chồng.
Theo các chuyên gia tâm lý: Tính gia trưởng một khi đã ăn sâu vào máu người đàn ông thì rất khó thay đổi trong ngày một ngày hai. Trường hợp người phụ nữ chẳng may chung sống với người đàn ông gia trưởng thì ngay từ đầu phải đấu tranh với tính cách ấy. Người vợ cần có chủ kiến cũng như cần phải thể hiện vai trò của mình. Nên khéo léo trò chuyện để cho chồng hiểu và tôn trọng vợ. Chẳng may chồng là người khó tính thì người vợ nên có cách ứng xử nhẹ nhàng khéo léo, nhưng không nên thái quá.
Và cũng không nên nghĩ rằng chỉ có nhẫn nhịn mới có thể làm cho gia đình yên ấm. Trong khi thực tế, điều này lại có tác dụng ngược. Nó chỉ càng làm cho tính chuyên quyền của chồng tăng lên mà thôi. Nếu vợ cam chịu thì chồng càng gia trưởng, độc đoán. Đến một lúc nào đó, nó sẽ làm rạn vỡ hạnh phúc gia đình.
THỦY VĂN