Với khoản lương ít ỏi, đôi vợ chồng trẻ khó lòng xây tổ ấm riêng. Tuy nhiên nếu biết cách chèo chống, bạn vẫn có thể làm được. "Mình làm đám cưới nghen em!", Hồng Minh, 27 tuổi, công nhân viên, thì thầm vào tai Thu Cúc, 26 tuổi, nhân viên kế toán.
Nghe người yêu nhắc hai từ "đám cưới", Thu Cúc giật mình lo sợ. Cô chống chế: "Khoan đã anh, em chưa chuẩn bị gì cả. Cưới rồi lại thuê nhà, nhiều khoản chi tiêu lắm, trong khi thời buổi này kiếm được đồng tiền đâu dễ dàng. Anh đợi em hai năm nữa nhé!".
![]() |
Người xưa có câu "liệu cơm gắp mắm" và đó cũng chính là lời khuyên cho những đôi vợ chồng trẻ muốn ra riêng - ảnh minh họa |
Hồng Minh chỉ còn biết thở dài. Thu Cúc và Hồng Minh yêu nhau đã năm năm. Đây là thời điểm tốt nhất để tiến đến hôn nhân nhưng họ cứ chần chừ.
Gia đình của hai người đều ở nông thôn. Minh và Cúc là nhân viên văn phòng, thu nhập tháng nào vừa đủ chi tiêu tháng đó. Nếu kết hôn, họ phải thuê nhà riêng, mua sắm mọi thứ để xây dựng tổ ấm đúng nghĩa. Những khoản ấy "ngốn" không ít tiền.
Giá cả leo thang nên phải sống ép mình
Hoàn cảnh của Minh và Cúc cũng như bao cặp trai gái thời nay. Khi tình yêu chín muồi, họ muốn tiến đến hôn nhân. Ngặt nỗi, đôi vợ chồng sắp cưới lại muốn sống riêng để được tự do, nhưng vật giá và bao nhu cầu khác trong cuộc sống không cho phép họ.
Nhiều đôi bạn trẻ sau khi cưới phải dắt nhau về sống cùng đại gia đình của một trong hai bên và phải đối mặt với nhiều chuyện cười ra nước mắt.
"Khi hai đứa tôi quyết định cưới, bạn bè nhiều người lo lắng lắm. Tôi làm tận Thủ Đức, còn cơ quan của vợ lại ở tít Bình Chánh".
"Lương mỗi đứa chưa đến hai triệu. Nếu thuê nhà, bọn tôi đâu còn tiền lo chi phí khác. Phân vân mãi, hai đứa quyết định về sống chung với vợ chồng dì ruột của vợ", anh Quang Thanh 27 tuổi, nhân viên kho của một công ty vận tải ở Q. Thủ Đức, TP. HCM, tâm sự.
Anh cho biết thêm: "Hàng ngày, vợ chồng tôi phải thức dậy từ bốn giờ sáng, vì khi ấy vợ chồng người dì đã thức dậy để dọn hàng ra chợ. Dì có hai con nhỏ nên chúng tôi phải thay nhau chăm chúng, rồi còn cơm nước, giặt giũ…cho cả nhà".
"Xong hết việc cũng đến bảy giờ, bọn tôi tranh thủ chở hai đứa nhỏ đến trường rồi mạnh ai nấy đến cơ quan. Đến bảy giờ tối, tôi mới từ Thủ Đức về nhà, nhưng vẫn chưa được nghỉ ngơi vì phải giúp vợ cơm nước và tắm rửa cho hai đứa nhỏ, mệt lử cả người".
Ròng rã một tháng trời, vợ chồng anh Thanh cố gồng mình trong vai trò người giúp việc. Thế nhưng, mỗi khi rượu vào, ông dượng của vợ Thanh cứ nói cạnh nói khoé đủ điều. Nhiều lần Thanh bàn với vợ ra riêng nhưng chị cứ bàn lùi. Dần dần Thanh cảm thấy cuộc sống hôn nhân còn tạm bợ và mệt mỏi hơn cả thời độc thân.
Câu chuyện của vợ chồng Quang Thanh cũng là cảnh khổ của nhiều đôi vợ chồng có mức thu nhập trung bình trong xã hội thời nay. Với thu nhập mỗi tháng chi nhỉnh hơn hai triệu đồng, chuyện ăn uống đã khá chật vật, họ đâu dám mơ đến chuyện thuê nhà sống riêng.
Nhiều cặp vợ chồng đã cắn răng trên căn gác xép của gia đình chung cho qua ngày đoạn tháng, chỉ cần không phải trả tiền thuê, không phải mua sắm các tiện nghi trong nhà… Họ thà sống o ép không tốn kém còn hơn tự do mà mất khoản tiền lớn. Tuy nhiên, giữa sự chật hẹp đó, tình yêu của họ có đượm nồng được lâu?
Muốn ra riêng nhưng ngại tốn kém
Bên cạnh đó, không phải cặp vợ chồng mới cưới nào cũng chịu được cảnh "ngủ trong giường chiếu hẹp". Họ quyết tâm ra riêng nhưng túi tiền có thể chịu đựng được bao lâu lại là chuyện khác.
"Sau nửa năm sống riêng, cuối cùng chúng tôi đành phải quay về nhà bố mẹ chồng. Thời còn độc thân sống sao cũng được, nhưng khi đã là vợ chồng, mọi thứ phải tươm tất một chút".
"Quả thực, có quá nhiều chi phí phát sinh khiến cả hai gồng gánh trối chết! Lương tháng nào xào luôn tháng đó, chẳng dành dụm được đồng nào cả!", Ngọc Linh, 25 tuổi, nhân viên PR của một công ty mỹ phẩm Úc nổi tiếng, tâm sự một cách chán nản.
Yêu nhau ba năm, Linh kết hôn với Hoàng Linh, một anh bạn đồng nghiệp. Với tổng thu nhập hơn 10.000.000 đồng/tháng, vợ chồng Linh quyết định xây dựng tổ ấm riêng. Họ thuê một căn hộ cao cấp ở Q.7, TP. HCM.
"Vì căn hộ nằm trong khu phố sang trọng, an toàn nên vợ chồng tôi phải trả sáu triệu đồng mỗi tháng. Hai đứa rủ nhau khuân về căn hộ mới bao nhiêu thứ đắt tiền như: ti-vi màn hình tinh thể lỏng, máy nóng lạnh, bếp ăn cao cấp, tủ lạnh, máy điều hoà…"
"Những khi đi làm về, chỉ cần mở tủ lạnh, tôi có ngay thịt bò để làm món ăn hay trái cây để nhấm nháp. Muốn giải trí, chúng tôi mở ti-vi, đầu đĩa…Tất cả đều có sẵn nên vợ chồng tôi sống rất thoải mái. Cuối tuần, chúng tôi còn mở tiệc nướng ở khu vườn trước nhà, mời đồng nghiệp đến chung vui", Linh cho biết.
Chỉ đến cuối tháng, Linh mới toát mồ hôi hột khi nhận hoá đơn tiền điện, tiền Internet, tiền thuê nhà… tất cả cũng gần chục triệu đồng. Lương tháng của hai vợ chồng góp lại chưa đến 15 triệu đồng, chưa kể những khoản cưới xin, bạn bè, tân gia…
Từ ngày sống riêng, số tiền trong tài khoản tiết kiệm của cả hai cũng với đi. Linh và chồng cố gắng làm thêm đêm ngày để bù vào, nhưng càng làm càng đuối, lại không có thời gian dành cho nhau. Sau nửa năm, vợ chồng Linh đành trả nhà, thanh lý đồ đạc và xin về ở chung với bố mẹ chồng.
Liệu cơm gắp mắm để xây tổ ấm
Từ trước đến nay, ra riêng luôn là ước mơ của các đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, số người có thể tự mua nhà đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các đôi vợ chồng có nhà đứng tên mình đều nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình hai bên.
Vì vậy, thuê nhà là giải pháp khả thi nhất khi điều kiện kinh tế không cho phép. Khoản chi phí này thường khá cao nên cũng khiến họ đau đầu.
Đặc biệt, trong tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay, các công ty đều cắt giảm phần nào lương, thưởng của nhân viên. Thu nhập giảm đáng kể càng khiến tổ ấm riêng của họ thêm lung lay.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các bạn trẻ hoàn toàn bó tay khi muốn ra riêng. Người xưa có câu "liệu cơm gắp mắm" và đó cũng chính là lời khuyên cho những đôi vợ chồng trẻ muốn ra riêng.
Trường hợp của Nguyên Phương và Hoàng Phong, 27 tuổi, cũng là phóng viên của một tờ báo, là một ví dụ. Phương bộc bạch: "Hai đứa vốn thích độc lập nên sau khi cưới, chúng tôi thống nhất sẽ tự lo cho tổ ấm thay vì vậy nhờ bố mẹ".
Giải pháp của vợ chồng Phương là "sống vừa đủ hai người". Vợ chồng cô tìm thuê nhà trọ ở ngoại ô thành phố với giá chỉ nhỉnh hơn một triệu đồng mỗi tháng.
"Ở ngoại ô vừa thoáng khí, không bị kẹt xe lại thích hợp với nghề thức đêm để viết của mình. Giá thuê vừa phải nhưng nhà văn rất tươm tất", Phương cho biết.
Để tiết kiệm, vợ chồng Phương tận dụng lại tất cả những thứ đã có từ thời độc thân như: bàn làm việc, tủ quần áo, chăn, màn…Họ chỉ mua thêm những thứ thật sự cần thiết như: bếp gas, nồi cơm điện, tủ lạnh nhỏ…
"Vợ chồng tôi cố gắng dành thời gian để đi chợ và chọn mua thực phẩm tươi ngon, giá dễ chịu. Nhà xa, để tiết kiệm tiền xăng, chúng tôi thường gửi xe ở cơ quan để đi tác nghiệp và về nhà bằng xe buýt", Phương bật mí.
Ra riêng, vợ chồng Phương giảm bớt thói quen la cà hàng quán. Cuối tuần họ mời bạn về nhà nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Nhờ khéo tính toán, dù sống riêng đã hơn một năm nhưng họ vẫn cảm thấy rất thoải mái và không bị áp lực tiền bạc đè nặng trên đôi vai.
Chọn cách nào khéo nhất?
Có thể thấy, thu nhập tuy quan trọng nhưng chính cách bạn chi tiêu như thế nào sẽ quyết định việc xây dựng tổ ấm riêng thành công hay không. Tất nhiên, ai cũng mong một cuộc sống đầy đủ tiện nghi nhưng đó không phải là tiêu chí quyết định cho một cuộc sống tự lập.
Hơn nữa, tiện nghi sẽ tăng dần khi thu nhập được cải thiện hay tiền dành dụm của bạn tăng lên, vì vậy, bạn không nên chạy theo tiện nghi rồi cảm thấy nản khi tài khoản tiết kiệm ngày một teo tóp.
Với các tiện nghi trong gia đình, bạn nên mua sắm vừa đủ. Hãy lập danh sách những món tối cần thiết như: bếp, chăn, màn, đèn bàn…để ưu tiên ngân sách cho chúng. Với các món xa xỉ hơn như ti-vi, máy giặt, tủ lạnh… bạn có thể mua sắm dần dần khi điều kiện kinh tế dễ thở hơn.
Ngoài ra, khi mua sắm các vật dụng, hãy lưu ý chọn những loại máy có chức năng tiết kiệm điện hoặc nước. Chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm phần nào chi phí sinh hoạt.
Dù tài chính eo hẹp, bạn đừng quên khoản tiền tích luỹ cố định, chúng giúp bạn chủ động hơn khi gặp sự cố bất ngờ.
Theo Tiếp Thị&Gia Đình