Sui gia chung tổ ấm

Sui gia chung tổ ấm

Nhiều đôi vợ chồng chọn cách đưa cả hai bà sui gia về sống cùng để tiện chăm sóc. Dù có tấm lòng, nhưng những va chạm vẫn xảy ra. Liệu hai bà mẹ có chung sống hòa bình được với nhau?

Nhiều đôi vợ chồng chọn cách đưa cả hai bà sui gia về sống cùng để tiện chăm sóc. Dù có tấm lòng, nhưng những va chạm vẫn xảy ra. Liệu hai bà mẹ có chung sống hòa bình được với nhau?

Lập gia đình rồi, ai mà chẳng muốn được tận hưởng sự tự do của một mái ấm chỉ có tân lang và tân nương. Tuy nhiên, qua thời vợ chồng son, nhiều người tình nguyện đón cả mẹ vợ, mẹ chồng về ở chung một nhà. Những đôi vợ chồng chọn cách sống này thường cả hai người đều là con một, hoặc gia đình neo người.

suigia-081023.jpg

Để các bà mẹ chung sống hòa thuận cần sự khéo léo của hai vợ chồng trẻ - Ảnh minh họa

Đây là một giải pháp được cho là sáng suốt, công bằng và trọn tình trọn nghĩa với gia đình. Tuy nhiên, chuyện "chung đụng" sẽ xảy ra do những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thói quen...

Liệu các gia đình kiểu sui gia chung tổ ấm có vượt qua được thử thách để giữ cho tổ ấm của họ luôn hạnh phúc?

Mẹ em, mẹ anh chung một mái nhà

Bà Minh ngồi thần người trên chiếc ghế dựa khá lâu sau khi nghe đứa con gái của mình thỏ thẻ bên tai: "Bọn con mời cụ ngoài quê vào sống chung với nhà mình để tiện việc chăm sóc, mẹ thấy sao?".

Bà cụ ngoài quê là mẹ chồng của con gái bà. Bình là con một, chị Hồng cũng là con duy nhất nhưng vì sự nghiệp chung của hai con, trước khi cưới, hai bà mẹ đã thỏa thuận anh Bình sẽ về ở rể nhà vợ. Từ ấy, lòng bà Minh như mở cờ vì cảnh nhà sẽ đông đủ, gả con gái không bị mất con mà còn lời thêm chàng rể.

Anh Bình vì sự nghiệp và vì yêu vợ nên đồng ý đề nghị trên, nhưng lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cho mẹ già góa bụa, côi cút một mình ở quê, có con dâu mà chẳng được nhờ.

Hiểu được nỗi lòng của con rể, bà Minh "bật đèn xanh" để Bình đón mẹ vào sống chung.

Câu chuyện người Nam, kẻ Bắc

Một tháng sau, hai mẹ con chàng rể từ Bắc đã đến nhà bà Minh. Căn nhà không rộng nhưng cũng đủ phòng cho hai bà mẹ. Bữa cơm đầu tiên khá thân mật.

Bà cụ người Nam Định, vốn chất ruộng đồng xởi lởi, vồn vã, kể chuyện râm ran trong bữa ăn. Bà Minh, mẹ chị Hồng, từng là giáo viên nên lời ăn tiếng nói có vẻ khẽ khàng, kín tiếng hơn, nhưng không vì thế mà bà Minh kiệm lời với mẹ chồng của con gái.

Sau hai tuần sui gia chung sống vui vẻ, đến tuần thứ ba xảy ra xích mích. Bà Minh vốn tính gọn gàng, quét trước, dọn sau sạch sẽ, ngăn nắp. Còn bà cụ nhà anh Bình, do gốc quê nên sống tuềnh toàng, đôi khi luộm thuộm. Nước chấm còn dư, bà cho luôn vào tủ lạnh. Sợ tủ có mùi, bà Minh lén lấy chén nước chấm ra, để chỗ khác. Bà cụ có tính hay quên, dép trong toilet lại cứ mang ra phòng khách. Bà Minh không dám nhắc, đi chợ mua đôi dép mới cho bà sui mang trong nhà.

Nhiều lần bà sui từ trong nhà vệ sinh ra, lập tức bà Minh lại chạy vào, dội nước và lau chùi toilet. Bà sui thích nhai trầu bỏm bẻm, có khi nhổ toẹt một vệt đỏ xuống nền nhà, báo hại bà Minh xách cây lau chùi cả buổi.

Bà Minh cứ nghĩ những hành động của mình rồi sẽ thuyết phục chị sui gọn gàng hơn.

Bà mẹ của Bình tuy xuề xòa nhưng lắm khi cũng để bụng vì những hành động của mẹ chị Hồng. Người này bày ra, người kia dọn nhưng lại không góp ý với nhau. Mâu thuẫn cứ thế như sóng ngầm, càng lúc càng dâng cao.

Cho đến một buổi tối, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm, mẹ Bình chợt lên tiếng: "Sáng mai Bình đưa mẹ ra bến xe về quê thôi! Có lẽ ở đây mẹ không hợp!".

Tối hôm đó, phòng của bà cụ như tách thành hai tổ ấm, bà Minh với con gái, bên kia là bà sui với con rể.

Anh Bình nghe mẹ thuật lại: "Bà ấy hay sửa lưng mẹ, không góp ý nhưng cứ dọn dẹp trước mặt mẹ như dạy đời vậy! Mẹ không sống chung được đâu, con ạ!".

Phía bên này, bà Minh cũng tỉ tê với con gái: "Mẹ của Bình sống lề mề quá, rồi lại đi lê la, tám chuyện với hàng xóm... nhưng làm sao mẹ dám lên án bà ấy được".

Hai bà mẹ ra sức lên án nhau với hai người con, vợ chồng Bình - Hồng hết lời an ủi, khuyên nhủ nhưng kiểu sống của người Nam, kẻ Bắc và những thói quen vùng miền đã không níu kéo được họ lại với nhau.

Thêm một tháng nữa sống chung, mọi chuyện đâu lại vào đấy, bà sui của bà Minh đành xách gói cáo từ để về quê. Bà Minh áy náy nhưng chẳng biết làm sao.

Do khác nhau về tính cách và nếp sống, những mâu thuẫn phát sinh dẫn đến rạn nứt cũng là điều tự nhiên. Tuy vậy, cũng có những bà sui tương đồng với nhau về nhiều thứ, nhưng vì thích chứng tỏ mình, can thiệp quá sâu vào chuyện của con cái khiến con cháu nhiều phen lận đận.

Một gia đình hai chiến tuyến

Cặp vợ chồng Hòa - Thương mới ngoài 30 tuổi, đang đứng trước bờ vực ly hôn vì sự bất đồng của hai bà mẹ, dù họ vẫn còn yêu nhau.

Mọi mâu thuẫn phát sinh giữa hai người bà đều xuất phát từ một mối: thằng cu Tít, con trai của Hòa và Thương.

Bà nội mê tít thằng bé vì nó là cháu đích tôn.

Cháu đến nhà bà ngoại chơi một ngày mà về, bà nhớ như cắt ruột. Cám cảnh đó, vợ chồng Hòa - Thương đưa hai bà về sống chung. Cả hai bà đều là dân trí thức nên chuyện "chung sống trong hòa bình" sẽ dễ dàng hơn. Hai vợ chồng Thương nghĩ vậy mà an tâm.

Thực tế không đơn giản như họ đã nghĩ.

Bà nội là giáo viên, quen chuyện gõ đầu trẻ nên thằng cháu mới được một tuổi, bà đã rèn cho cháu thói quen ăn ngủ đúng giờ.

Bà ngoại lại có chút ít chuyên môn trong ngành y, thấy cháu mình bị rèn vào khuôn phép quá, đâm ra bất mãn.

Bà thường nói khéo: "Trẻ con cứ để nó sống theo bản năng là trước hết, khóc, cười tự do. Rèn nó vào khuôn khổ quá lại đâm ra cầm tù, tội cho bọn trẻ!".

Bà nội trách bà ngoại sao lại nói bà cầm tù thằng cháu đít tôn. Cháu bị ốm, bà nội tức tốc đưa cháu đến bệnh viện. Bà ngoại đòi chăm cháu ở nhà vì trẻ con ốm vặt là chuyện bình thường. Bà trong nghề nên biết cách.

Nội ngoại suốt ngày cứ hục hặc nhau ngay cả trong chuyện ăn uống. Chủ đề quanh quẩn trong việc chọn rau nào, quả gì, liều lượng bao nhiêu. Cứ thế, hai bên "bất phân thắng bại".

Giọt nước làm tràn ly

Vợ chồng Thương - Hòa phần đi làm về mệt mỏi, phần không biết cách dung hòa hai mối.

Hòa cho rằng mẹ mình làm như vậy là hợp lý, còn Thương khăng khăng mẹ mình đúng hơn. Mẹ nào cũng ỷ có con bênh nên cứ thế mà đọ mồm với nhau. Chuyện từ bé xé ra to.

Thằng cháu lớn thêm một tí, hai bà lại cãi nhau về chuyện có nên cho nó đi mẫu giáo hay chờ đến ba tuổi.

Nội bảo mình sẽ trông, nhưng ngoại cho rằng ở nhà cháu sẽ mè nheo, sợ sau này khó dạy, phải cho đi học từ hai tuổi.

Ức quá, bà nội thẳng thừng tuyên bố: "Cháu tao, tao nuôi, vợ mày với bà thông gia thật quá đáng. Biết thế, ngày xưa mày lấy cái Hoa thì giờ đâu phải cãi nhau!".

Chuyện đến tai Hòa, cô vừa tủi thân, vừa giận, nước mắt ngắn, dài với mẹ chồng: "Vậy là mẹ xúi chồng con bỏ con. Mẹ thật ác độc quá".

Tính nóng nảy của Thương lại bộc phát ngay lúc đó, anh giáng ngay mọt cái tát nảy lửa vào mặt Hòa.

Khi Thương hiểu ra sự nông nổi của mình, vợ anh đã bế con và đưa cả mẹ vợ về nhà. Thương vợ, thương con, nhưng biết rằng mâu thuẫn lần này khó giải quyết bởi còn liên quan đến mẹ vợ, Thương chỉ mong vợ mình suy nghĩ lại.

Cần một chiếc cầu nối vững chắc

Tỉ lệ những gia đình nội ngoại sống chung được vui vẻ, hạnh phúc lâu dài rất hiếm, nhưng không phải là không có.

Những trường hợp thành công là nhờ các cặp vợ chồng biết làm tốt vai trò của chiếc cầu nối tình cảm vững chắc giữa hai gia đình, nhất là hai bà thông gia.

Với các bà mẹ vợ, mẹ chồng, việc đồng ý sống chung với thông gia đã là mọt việc khó. Bản thân họ nhiều khi cũng không lường hết được những va chạm có thể xảy ra. Đã có tuổi, họ lại càng có nhu cầu được gần gũi con cháu và cũng để được con cái chăm sóc những khi trái gió trở trời.

Là người đứng giữa, con cái, ngoài tấm lòng chân thành, sự hiếu kính với bố mẹ hai bên, còn cần cư xử thật tâm lý và rất nhẫn nại.

Vì sao? Không phải tự nhiên mà người xưa lại nói rằng người già thường giống trẻ con. Khi đã lớn tuổi, các cụ càng dễ tủi thân, mau dỗi, nhưng những gì họ nói và làm đều xuất phát từ tình thương với con và cháu.

Tinh ý một chút, con cái sẽ biết cách hòa giải mọi mâu thuẫn giữa hai bên gia đình và tạo cho họ niềm tin tưởng vào hạnh phúc bền vững của đại gia đình.

Trước khi có ý định mời cả hai bên thông gia về sống chung, bạn và chồng cần phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ. Hãy đặt và trả lời những câu hỏi như:

Liệu mẹ anh có hợp với mẹ tôi? Liệu mẹ tôi có cảm thấy hụt hẫng, so đo khi nhìn thấy con gái của mình phải cơm bưng, nước rót cho mẹ chồng?

Nếu những câu hỏi được trả lời thỏa đáng, việc tiếp theo bạn và anh ấy phải làm là lập danh sách những thói quen, lối sống của cả hai gia đình, sau đó cũng phân tích để tìm giải pháp. Có như thế, bạn sẽ lường được một số tình huống có thể xảy ra trong quá trình sống chung với nhau.

Điều quan trọng nhất mà cả vợ chồng bạn cùng hai bên gia đình phải nhớ là lòng vị tha sẽ hóa giải được tất cả những khúc mắc trong cuộc sống. Hãy nghĩ đến tình yêu thương để hướng đến một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Theo Tiếp thị Gia đình

Từ khóa:

Ý kiến của bạn