Vừa đi từ ngoài vào cửa, Thư đã nghe tiếng con trai ríu rít với bà ngoại: "Ngoại ơi ngoại, con mặc áo này, đeo khẩu súng này, có giống bố con không hả ngoại?".
Nhìn vào trong bếp, Thư thấy con trai mắt đang ngời sáng đứng nghiêm khoe với bà mấy món quà mà nội nó vừa mua cho. Sa sầm mặt mày, chị chạy tới, giật khẩu súng nhựa trên tay con và rít lên nho nhỏ: "Mẹ cấm con chơi những món đồ bạo lực này. Con không bao giờ được nói là con muốn làm nghề của bố nghe chưa. Mẹ không muốn làm con lớn lên làm cái nghề... đáng ghét ấy!".
Bị mắng oan ức mà không hiểu vì sao, bé Nam ngước lên nhìn mẹ, nước mắt lưng tròng. Sau đó, ánh mắt nó từ từ chuyển sang nhìn phía sau lưng của mẹ. Chị Thư quay lại và đứng sững, không nói nên lời. Bà nội thằng Nam đang đứng đó nhìn chị với ánh mắt rất nhiều ý nghĩa.
![]() |
Đừng bao giờ đối xử không công bằng với hai bên gia đình nội, ngoại - Ảnh minh họa |
Chẳng phải lúc nào cũng có thể nhập gia tùy tục
Trước khi cô bạn gái thân của mình đi lấy chồng, chị Thư đã từng dặn dò: "Người ta bảo "lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống". Nhưng cái "Tông" của nhà chồng mày thế nào, mày cũng phải xem cho kỹ, kẻo rồi lại như tao thỉ khổ".
Cái khổ của chị Thư là tất cả gia đình chồng chị đều là công an, cái nghề mà chị vốn hoàn toàn không thích chút nào. Sinh ra từ một gia đình có đến tới ba đời ông bà, cha mẹ làm nghề luật, chị rất tự hào với truyền thống có vẻ "quý tộc cao sang" của mình. Còn nghề của "gia đình bên ấy" thì theo chị có vẻ "thô và cứng" quá. Có nhiều lần chị than thở với bạn bè: "Vợ chồng đúng là duyên nợ. Chẳng hiểu sao chồng mình lại không giống công an lắm. Chứ còn mỗi lần đến chơi nhà chồng, mình thật phát... điên".
Chị Thư vốn là người phụ nữ rất xinh đẹp, thời trang. Trong khi mẹ chồng, các em chồng, chị chồng thì quanh năm chỉ có sắc phục, ngoài đời thường cũng chỉ sơmi, quần tây. Họ luôn xầm xì với nhau về những bộ trang phục rất mode, rất sexy và luôn luôn thay đổi của chị. Chị thì ăn nói bạo dạn, phóng khoáng, còn gia đình chồng thì ăn nói nghiêm cẩn, đúng đường, đúng lối.
Mọi chuyện bùng lên lớn nhất là khi cha chồng chị mất. Những thủ tục lễ nghi ma chay rườm rà của gia đình chồng khiến chị gần như phát điên và phát... mắc cỡ với bạn bè, hàng xóm. Thế là chị trốn biệt trên lầu. Đến khi chồng chị nhắc chị nhẹ nhàng: "Em ơi mẹ bảo..." thì bị bùng phát phản ứng.
Tất cả những điều ấy khiến chị Thư cảm thấy không bao giờ có thể hòa hợp được với gia đình chồng. Chị thẳng thừng tuyên bố với chồng: "Em không tình cảm với gia đình anh được, anh cứ để cho em cư xử đúng đạo lý thôi được không? Anh đừng đòi hỏi em điều gì hơn".
Nỗi ấm ức của người chồng
Sống cùng gia đình vợ, anh Hùng chồng chị Thư cũng chẳng mấy dễ chịu gì. Vốn quen với tác phong sống giản dị, có phần kỷ luật nghiêm khắc của gia đình quân đội, anh Hùng nhiều lần mỉa mai tác phong sống "quý tộc rởm" của gia đình vợ. Những bữa tiệc tùng, picnic, những kiểu mua sắm ăn mặc, những đề tài trò chuyện tao nhã của gia đình vợ đôi khi cũng làm anh rơi vào cảnh lạc lõng, bơ vơ ngay trong tổ ấm của mình. Nhưng buồn nhất với anh vẫn là thái độ chẳng mấy yêu thương, kính trọng của vợ đối với những người đã sinh đẻ ra anh.
Có lần 8/3, thấy vợ mua quà cho mẹ đẻ, anh nhắc khéo: "Em nhớ mua quà cho mẹ anh nhé". Chị ngồi thừ ra nghĩ: "Trời ơi, biết mua quà gì cho mẹ anh đây! Quần áo, giày dép của mẹ y như từ thời chiến, chỉ một kiểu duy nhất. Ăn uống thì lúc nào cũng chỉ thích rau muống, cà pháo mắm tôm... Em biết mua gì?".
Cuối cùng, anh thấy chị xách về một xếp vải, đưa cho anh. Anh lại bảo: "Hay em sang tư vấn cho mẹ may kiểu gì luôn". Chị trề môi: "Mẹ anh thì có một kiểu đó, cần gì đến em tư vấn". Nghe vợ nói, anh Hùng buồn tê tái trong lòng.
Mà anh biết vợ anh vốn chẳng phải là người phụ nữ bất hiếu. Sống chung trong nhà, anh thấy chị chăm sóc cho mẹ cho cha mình từng chiếc áo, từng viên thuốc. Có lúc anh phải chạnh lòng: "Mình là con trai cả trong nhà, thế mà bây giờ về đây phụ vợ chăm sóc cha mẹ vợ. Còn mẹ mình thì giao cho các em trông nom. Hóa ra mình vì vợ mà bỏ bố mẹ hay sao?".
Sống với con gái và con rể, nhưng mẹ anh Hùng cũng vốn là người có những suy nghĩ nề cổ. Nghe họ hàng bạn bè to nhỏ, bà suy nghĩ rồi nói với anh Hùng: "Mẹ muốn ở với con. Cha mẹ già rồi ở với con trai chứ có ai lại ở với con rể bao giờ. Phải để con dâu nó hầu hạ mình chứ".
Chẳng biết làm sao, anh Hùng đành về nói lại với vợ ý kiến của mẹ mình. Lúc ấy chị Thư lăn đùng ra khóc: "Em là con gái út. Nhà chỉ có một mình, các anh chị đều đi xa hết, ba mẹ em phải ở với em chứ. Bà nói thế thì em phải bỏ ba mẹ em à? Anh cũng phải tự hiểu điều ấy chứ". Trong nhà kể từ ấy, lúc nào cũng u ám như có chuyện buồn vậy.
Đừng nhất bên trọng, nhất bên khinh
Chuyện gia đình của anh Hùng chị Thư chỉ là một ví dụ điển hình về mối xung khắc bất hòa của hai vợ chồng nảy sinh vì cách đối xử "Nhất bên trọng, nhất bên khinh" của một trong hai người vợ hay chồng hoặc cả hai.
Vốn sống cùng gia đình vợ, anh Hoài, một nhân viên thiết kế rất buồn chuyện mình thường xuyên bị chính gia đình mình trách móc rằng: "Con trai nuôi lớn, giờ ở rể, chỉ biết có gia đình vợ". Vốn là người ở quê lên thành phố học, rồi lấy vợ, anh đã một lần về quê bán đất cha mẹ cho để góp vào xây dựng nhà cửa của gia đình vợ.
Vợ anh vốn coi gia đình nông dân của chồng chẳng ra gì, mỗi lần anh buồn về chuyện phải bán đất hương hỏa, chị lại trề môi: "Tiền đó chỉ đủ xây... cái toilet nhà mình. Anh tiếc gì. Lên thành phố có nhà em, anh mới được ở nhà cao cửa rộng..." Nỗi đau của anh vốn đã có ngày càng bị khoét sâu. Anh kể: "Mình đi công tác nước ngoài về. Cô ấy mở banh valy, chọn hết mọi thứ chia cho khắp lượt nhà cô ấy, chẳng thèm hỏi đến các em, các chị, thậm chí không để cả quà cho ba mẹ mình. Hỏi đến, cô ấy bảo ở quê biết gì mấy thứ đó mà xài. Phí đi".
Thế nhưng nỗi buồn về những chuyện ấy của mọi người chỉ mới là nỗi buồn của cách xử sự không khéo léo. Còn nỗi buồn của anh Nhân, một biên tập viên của một tờ báo lớn còn nặng nề hơn. Một hôm anh đến tòa soạn với vẻ mặt rất buồn. Anh than thở: "Hôm qua mình mới đánh vợ một bạt tai", thấy giọng anh buồn, mọi người trêu: "Giờ ân hận à?". Anh im lặng một lúc rồi trả lời: "Không ân hận gì cả".
Nói rồi anh kể, hôm qua con anh sang nhà bạn chơi, rồi nó dại, thích một món đồ chơi nho nhỏ nên lấy về. Nhà hàng xóm sang đòi. Hai vợ chồng cãi nhau. Chuyện trẻ con đáng ra không có gì khi hai vợ chồng cùng bàn bạc. Nhưng lại thành ra cãi cọ nhau về cách giáo dục. Thế là vợ anh văng ra một câu: "Gia đình tôi bao đời nay không có cái giống ăn cắp bao giờ". Anh biết ngay vợ lại xách mé chuyện cha anh từng bị dính líu vào một vụ án kinh tế khá lớn, chịu không nổi anh xáng cho vợ một bạt tai. Thế là chị lăn ra trù ẻo đủ chuyện về gia đình anh mà toàn bằng những lời cay nghiệt "dòng này, dòng kia".
Cách chì chiết, đay nghiến ấy của vợ anh đã từng phải chịu đựng nhiều lần và nhiểu kiểu cách. Thế nên chuyện cãi nhau hôm nay đã kết thúc bằng lá đơn ly hôn. Kể chuyện cho mọi người nghe, anh cũng buồn: "Không ai chọn cửa để sinh ra. Đáng ra nỗi buồn, nỗi đau của chồng cũng là của vợ. Sao lại nỡ mang ra xúc phạm lẫn nhau. Như thế làm sao sống bên nhau cả đời cho được?".
Mối quan hệ nội ngoại thời phong kiến vốn được giải quyết rất rõ ràng và rành mạch: Con gái lấy chồng là chỉ còn biết đến gia đình chồng. Gia đình cha mẹ đẻ gần như phải... quên đi. Thế nhưng đời sống hiện nay, việc phân chia nghĩa vụ và tình cảm rành mạch nội ngoại ấy đã không còn được coi là chuẩn mực nữa. Con nào cũng là con, cũng có nghĩa vụ thương yêu và chăm sóc cho gia đình cha mẹ. Đó là điều đúng.
Nhưng đôi khi trong một số trường hợp sự thiên lệch quá đáng, sự cư xử không khéo léo của những người con đã làm cán cân bình yên và hạnh phúc của gia đình bị lệch. Đó là khi một trong hai bên nội ngoại bị tổn thương, bị cảm thấy không được yêu thương và chăm sóc cho bằng bên kia của cả con trai hay con gái mình.
Trong cuộc sống đa diện, đa chiều hôm nay, mỗi người con sẽ được sinh ra trong những khung cảnh gia đình có nề nếp sống và nề nếp văn hóa khác biệt lẫn nhau. Sự khác biệt ấy trong thế giới hôm nay rất rõ ràng và rất mạnh. Nó không chỉ là sự giàu nghèo, sang hèn của đẳng cấp như ngày xưa nữa. Thêm vào đó, ý chí về sự bình đẳng của mỗi người, cả vợ lẫn chồng đều mạnh hơn và tự do hơn. Chính vì thế, cách đối xử với hai bên gia đình nội ngoại càng phức tạp và khó khăn hơn. Những rắc rối trong gia đình chị Thư chính từ đó mà phát sinh.
Có một điều quan trọng là dù con nào, và thời nào, tình cảm con người cũng không thể tách rời khỏi mối quan hệ huyết thống. Vợ chồng là mối dây ràng buộc mới. Nó phải nằm như một mấu nối giữa hai gia đình hoàn toàn khác nhau. Mấu nối ấy càng tốt đẹp, càng bền chặt thì gia đình nhỏ của người vợ và người chồng càng vững bền.
Không hề quan tâm đến cảm xúc của chồng những khi mình chế nhạo gia đình chồng, một hôm chị Thư bất ngờ nhận được lá đơn ly hôn của chồng. Trong đơn anh viết rất đơn giản: "Tôi yêu vợ nhưng không thể bỏ mẹ. Xin tòa cho tôi được về nuôi mẹ. Chừng nào mẹ tôi mất, vợ tôi còn thương tôi thì tôi về với vợ tôi. Vì vợ tôi không cho phép tôi được yêu thương cùng lúc hai người...".
Lá đơn không được gửi đi, vì anh Hùng chỉ làm một động tác để vợ hiểu được tình cảm của mình. Và quả thực, nó làm chị Thư phải suy nghĩ lại.
Bây giờ thì họ đã đạt được thỏa thuận mới. Cứ ngày thứ bảy, chủ nhật là cả gia đình chị Thư về với bà nội. Nhìn vợ ngồi nói chuyện, làm cơm với mẹ mình, anh Hùng thấy hạnh phúc trong lòng. Anh hiểu vợ mình cũng đang cố gắng, như anh đã cố gắng bao năm nay sống bên nhà vợ. Và anh thầm biết ơn vợ về điều ấy.
Theo VTV