Bình đẳng giới (BĐG) trong gia đình không chỉ đơn thuần là sự phân công lao động, quyền quyết định tiếng nói trong gia đình, mà điều quan trọng là tình yêu thương và sự tôn trọng. Chính điều này sẽ tạo dựng nền tảng hạnh phúc trong mỗi mái ấm gia đình.
Cần sự chia sẻ
Trong những năm qua, vấn đề BĐG ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn. Cùng với sự phát triển của xã hội, việc thúc đẩy BĐG đang mở ra những cơ hội mới cho người phụ nữ, nhưng cũng tạo nhiều áp lực cho bản thân họ. Hình ảnh người phụ nữ hiện đại được xây dựng ấn định là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Hình ảnh đó khiến cho không ít người cho rằng, phụ nữ càng “đòi” bình đẳng thì càng bận rộn, càng phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trọng trách vai trò “hai giỏi”. Nhiều câu hỏi đau đáu đặt ra về vấn đề này, là làm thế nào để phụ nữ được tăng quyền năng, được BĐG thực sự với nam giới nhưng không phải oằn lưng nặng trĩu gánh nặng hai vai.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Khuất Thu Hồng, một trong những yếu tố dẫn đến bất BĐG ở Việt Nam là việc xã hội gắn chặt nhiệm vụ chăm sóc gia đình cho người phụ nữ đã hạn chế các cơ hội học tập, theo đuổi sự nghiệp của họ. Khi phụ nữ vừa tham gia công việc bên ngoài xã hội như nam giới, nhưng còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc, nuôi dạy con cái thì mọi thứ trở nên quá tải.
Những công việc không tên trong gia đình thường chiếm rất nhiều thời gian, sức lực. Do đó, so với nam giới, phụ nữ cũng ít có thời gian nghỉ ngơi thư giãn hay tham gia các hoạt động xã hội. Sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu nam giới và phụ nữ cùng hợp tác, chia sẻ mọi việc trong gia đình. Điều đó giúp cuộc sống gia đình ngày càng đầm ấm, hạnh phúc, gắn bó.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) Phạm Thị Mỹ Liên chia sẻ: Điều gì cũng có cái ngưỡng của nó. Chẳng hạn như cả vợ lẫn chồng cùng đi làm việc 8 tiếng bên ngoài, nhưng khi về đến nhà thì người vợ đầu bù tóc rối với công việc nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, trong khi người chồng thì nằm gác chân trên ghế đọc báo, xem ti vi, thử hỏi làm sao người vợ không cằn nhằn, nổi đóa. Tình trạng ấy liên tục xảy ra trong nhà như vậy, làm sao cuộc sống có thể vui vẻ, hạnh phúc “cơm lành, canh ngọt”.
Bởi vậy, điều quan trọng ở đây là phải thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt là những người đàn ông trong gia đình, mà điều này cần phải chú ý giáo dục cho các bé gái ngay từ lúc còn rất nhỏ. Chỉ có như vậy mới góp phần dần xóa bỏ được định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội hiện nay.
Thông điệp của yêu thương
Trong xã hội hiện nay, vẫn còn dư âm của tư tưởng phong kiến, có không ít đàn ông gia trưởng theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ chấp nhận cam chịu để sống yên lành trong gia đình mình. Trong khi phụ nữ cũng phải biết mình là con người có sự tự chủ, có ước vọng, có hạnh phúc.
Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng là cùng với những nỗ lực truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG trên các phương tiện truyền thông, trong mỗi gia đình, nhà trường, xã hội, nhiều gia đình trẻ ngày nay đã dần nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm về bình đẳng trong gia đình, vợ chồng cùng có trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, xây dựng tổ ấm. Điều này đã mang lại những tiếng cười an vui cho các gia đình.
Chị Trần Thị Tỉnh, một phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” ở thôn Long Mỹ (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) bày tỏ: “Muốn nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, trước hết gia đình phải luôn hòa thuận, hạnh phúc. Và để có một gia đình hạnh phúc thì vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng, yêu thương nhau”.
Cả hai con của chị Tỉnh đều là con gái. Tuy sinh con một bề, nhưng vợ chồng chị thoải mái về tư tưởng, không đặt nặng vấn đề con trai, con gái, miễn là các con chăm ngoan, học giỏi. Bởi vậy, gia đình chị luôn có một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. Cô con gái đầu hiện học lớp 12, còn con gái út đang học lớp 2, cả hai đều học giỏi, lễ phép. Gia đình chị Tỉnh là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương.
Với chị Tỉnh, điều quan trọng quyết định để thúc đẩy BĐG trong gia đình là tình yêu thương và sự tôn trọng. Có cùng quan điểm về vấn đề này, chị Lê Thị Bích Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) nói rằng: “Cuộc sống sẽ hạnh phúc ấm êm hơn nếu vợ chồng cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, thuận vợ thuận chồng, luôn tôn trọng, yêu thương, thấu cảm nhau.
Và để tạo lập những điều này, cả vợ lẫn chồng đều phải nỗ lực dựng xây vun đắp mỗi ngày, phải biết trân trọng những giá trị bản thân của mỗi người. Chính tình yêu thương cùng với sự bình đẳng, tôn trọng, thấu hiểu sẽ góp phần tạo dựng nền tảng hạnh phúc dưới mỗi mái nhà.
NGỌC DUNG