Dạy con biết quý trọng bản thân

Dạy con biết quý trọng bản thân

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình trở thành người tốt, giàu lòng yêu thương nên ngay từ nhỏ đã cố gắng hình thành và dạy con cách biết yêu thương người khác.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình trở thành người tốt, giàu lòng yêu thương nên ngay từ nhỏ đã cố gắng hình thành và dạy con cách biết yêu thương người khác.

Sống vì mọi người, san sẻ tình yêu thương, biết giúp đỡ người khác là những phẩm chất cao đẹp và quý giá. Dạy con biết điều đó là tốt nhưng thực tế có nhiều bậc phụ huynh vì quá chú trọng dạy con “thương người như thể thương thân” mà không chú ý hoặc quên dạy con cách yêu thương bản thân. Kết quả là nhiều đứa trẻ hay quan tâm giúp đỡ người khác nhưng lại không nhận ra rằng quý trọng bản thân là cơ sở để yêu thương người khác.

Chị M, nhân viên văn phòng ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) chia sẻ: Vợ chồng chị có hai người con, một trai một gái. Anh thì đẹp trai, học giỏi, hát hay còn cô em không được nổi trội như anh. Em không được di truyền nước da trắng hồng từ mẹ và chiều cao lý tưởng của cha, đã vậy lại thêm tướng đi hơi xấu và học lực chỉ trung bình.

Chính vì anh trai “tỏa sáng” nên em thường ở trong trạng thái buồn buồn. Nếu được hỏi thì tự ti nói mình sinh ra để nhận hết khuyết điểm, không xinh đẹp lại học dở và chẳng có bất kỳ một năng khiếu nào. Vì những ý nghĩ mặc cảm, bi quan như vậy nên cô bé sống âm thầm, sẵn sàng nhường hết quyền lợi cho anh và giải thích anh trai xứng đáng hơn. Sự tự ti ấy còn thể hiện trong việc lẩn tránh những sinh hoạt của gia đình. Thấy con như vậy, chị M rất đau lòng.

Anh S ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), một kỹ sư điện chia sẻ: Nhà anh cũng có hai cô con gái, chị em ruột nhưng tính nết hoàn toàn trái ngược nhau. Cô em 12 tuổi luôn muốn khẳng định mình. Vẽ tranh đem khoe và “yêu cầu” cha mẹ nhận xét, khoe kết quả học tập hàng ngày và cần những lời động viên, khích lệ. Mọi thứ cô bé làm đều xuất phát từ mong muốn làm vui lòng bố mẹ.

Chính vì vậy mà cô bé sẵn sàng bỏ môn học yêu thích là vẽ để sang học nhạc nếu mẹ yêu cầu. Anh lo lắng bảo: Bé gần như không biết tự lập sáng tạo, bé học mọi thứ không phải vì thích, vì hứng thú mà chỉ để bố mẹ vui.

Điều đáng lo nhất là bé sẵn sàng thay đổi sở thích vì những lời khen chê của người khác, không có chủ kiến nên rất dễ mất phương hướng. Rồi anh kết luận: Anh không thích con như vậy, không có tình yêu thực sự cho bản thân mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài.

Thực ra, ngay từ khi còn bé, người lớn thường yêu cầu, khuyến khích trẻ phải yêu thương người khác, kể cả phải biết quên mình, hy sinh vì người khác mà ngại (hoặc không coi trọng, hoặc quên) dặn con phải yêu quý bản thân. Chị M nói, chị đã nhầm lẫn giữa yêu thương bản thân với ích kỷ, chỉ biết sống cho mình nên đã “quên” dạy con biết yêu quý bản thân.

Không phải chị M mà anh S và nhiều người khác cũng có sự nhầm lẫn như vậy. Qua tìm hiểu thì được biết, các nhà tâm lý học khẳng định yêu quý bản thân là luôn biết rõ mình là ai, mình muốn gì và điều quan trọng là biết tự đánh giá khả năng, biết chấp nhận và tự trọng. Cha mẹ hãy giúp con hiểu: ích kỷ, vô tâm vô tình là hành động xấu; còn yêu quý bản thân là không thấy bị đe dọa từ những áp lực bên ngoài, là biết chấp nhận khuyết điểm, sai lầm của mình và có hướng khắc phục.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn