Xung đột là một hiện tượng phổ biến, khó tránh khỏi trong mỗi gia đình. Gia đình dù hạnh phúc, yên ấm bao nhiêu chăng nữa thì vẫn có lúc nảy sinh xung đột. Các thành viên trong gia đình phải nhận thức được điều đó và thường xuyên nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhau, dám nhìn nhận, đương đầu khi xung đột xảy ra và biết cách giải quyết một cách hiệu quả.
Trong gia đình, sự xung đột có thể xuất phát từ sự khác biệt về quan điểm, lợi ích... dẫn đến mâu thuẫn; mâu thuẫn càng sâu sắc, xung đột càng quyết liệt. Trong một gia đình có thể có mâu thuẫn giữa một thành viên này với những thành viên còn lại, cũng có thể là mâu thuẫn giữa hai, ba thành viên với nhau.
Xung đột thường bắt đầu bằng việc tranh luận. Nếu không giải quyết được thì phạm vi tranh cãi sẽ mở rộng và tạo thành hố ngăn cách giữa hai bên, sau đó chuyển thành việc phê phán cá tính, thói quen của nhau. Lúc này, tình huống xung đột xuất hiện. Khi hai bên quyết giữ ý kiến của mình và không muốn nghe ý kiến của nhau, mọi người chỉ muốn thanh minh và lôi kéo những người khác vào cuộc thì xung đột đã công khai.
Xung đột có thể xảy ra trong bất kỳ mối quan hệ nào của gia đình. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nằm ngay trong gia đình và trong mỗi cá nhân thành viên như: cá tính của mỗi người, phẩm chất, quan điểm riêng..., thì còn có các nguyên nhân khách quan tác động từ bên ngoài gia đình như: đời sống kinh tế gia đình, các vấn đề của gia đình như con không ngoan... làm quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên căng thẳng.
Một gia đình có truyền thống tốt đẹp, có bầu không khí đầm ấm với những tấm gương về nhân cách của ông bà, cha mẹ… sẽ có ý nghĩa lớn lao trong đời sống tinh thần của những thế hệ nối tiếp. Gia đình thiếu nền nếp, các bậc cha mẹ thiếu gương mẫu là nguyên nhân dẫn đến xung đột gia đình.
Ngoài ra, trình độ học vấn của cha mẹ, các tệ nạn xã hội, quan hệ với bạn bè và những người xung quanh... cũng là những nguyên nhân dẫn đến xung đột gia đình, đặc biệt là xung đột giữa cha mẹ và con cái. Một điều đáng chú ý nữa là nhiều xung đột gia đình xảy ra chỉ vì những hiểu lầm nho nhỏ không được giải tỏa kịp thời.
Đặc biệt, xung đột vợ chồng thường ảnh hưởng không tốt đến con: Làm cho trẻ em trong các gia đình đó trở nên hoang mang, sợ hãi hoặc hưhỏng, bất cần đời. Trẻ bị cản trở sự hình thành những biểu tượng phù hợp về hôn nhân và gia đình sau này.
Trẻ không phát triển đầy đủ về tinh thần và tâm lý, có nguy cơ rối loạn tâm thần, không lĩnh hội được các chuẩn mực hành vi xã hội. Trẻ hình thành những tình cảm mâu thuẫn đối với cha mẹ, thậm chí có thể hình thành mối quan hệ thù địch đối với cha hoặc mẹ.
Bình đẳng trong sự phù hợp với giới tính, chức phận và vai trò của mỗi người (về chức năng xã hội, về cá tính, thói quen trong sinh hoạt, về hoàn cảnh nghề nghiệp...) để thích nghi và chia sẻ. Hãy chân tình, thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ, khúc mắc của mình với các thành viên trong gia đình để phát triển những mặt tốt của nhau, hiểu nhau hơn và trên cơ sở đó giúp nhau cùng tiến bộ.
ĐỨC THÀNH