Cơm sôi... bớt lửa

Cơm sôi... bớt lửa

Mâu thuẫn, tranh cãi là chuyện khó tránh khỏi trong đời sống hàng ngày của các đôi vợ chồng. Trong những tình huống ấy, nếu không bình tĩnh cư xử khéo léo “cơm sôi… nhỏ lửa” để giữ gìn hòa khí gia đình, rất có thể bạn sẽ mắc những sai lầm đáng tiếc.

Mâu thuẫn, tranh cãi là chuyện khó tránh khỏi trong đời sống hàng ngày của các đôi vợ chồng. Trong những tình huống ấy, nếu không bình tĩnh cư xử khéo léo “cơm sôi… nhỏ lửa” để giữ gìn hòa khí gia đình, rất có thể bạn sẽ mắc những sai lầm đáng tiếc.

Một khi “cơm sôi”

Sau “trận chiến” nảy lửa với chồng, tối đó chị L ở phường 9 (TP Tuy Hòa) đùng đùng xách va li, đùm túm con cái chạy về nhà ba mẹ khóc lóc: “Con sẽ ly hôn. Con không thể chấp nhận sống bên cạnh một người chồng thô lỗ, cộc cằn, bạo hành vợ con”. Mẹ chị L hốt hoảng, khuyên nhủ con gái: “Vợ chồng cãi vã “đá thúng đụng nia” là chuyện bình thường con à. “Chén trong sóng còn khua” nữa là... Dù xảy ra chuyện gì thì cũng phải bình tĩnh giải quyết”. Sau một hồi con gái kể lể, mẹ chị L biết được nguyên nhân con đòi ly hôn chồng là vì hồi chiều sau khi tan sở, anh V - con rể, không về nhà như mọi bận mà ngồi bù khú với bạn bè. Chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như con rể không quên mất việc đón cậu con trai 7 tuổi sau giờ tan học. Nhận được điện thoại của bác bảo vệ báo, thằng bé chờ ba đến đón gần cả 2 giờ đồng hồ khiến chị L vừa xót con, vừa thấy giận chồng. Nhất là sau khi gọi điện cho chồng, chị L biết chồng mình đang ngồi lai rai cùng chiến hữu thì cơn giận bốc lên đến đỉnh đầu.

Gần 8 giờ tối, anh V mới về nhà trong tình trạng chân nam đá chân chiêu. Mới bước vào nhà, chưa kịp thay quần áo, anh đã bị vợ mắng té tát: “Anh ham hố ăn nhậu kiểu gì mà đến mức quên đón con. Anh đúng là vô trách nhiệm, suốt ngày chỉ biết vui chơi, sống ích kỷ, chỉ biết bản thân mình…”. Đang trong tình trạng ngà ngà say, lại nghe vợ lớn tiếng, vốn sẵn tính nóng, anh V quát tháo ầm ĩ: “Cô nói ai vô trách nhiệm, không đáng mặt làm cha. Đúng là tôi quên đón con, tôi sai nhưng sao cô không nhớ đến những ngày khác. Tôi luôn đưa con đi học, đón con về, tôi lo lắng bao nhiêu việc trong nhà trong lúc cô vui chơi, đàn đúm cùng bạn bè...”. Hai vợ chồng đốp chát qua lại một hồi, anh V sấn tới bạt tai vợ, chị L ôm mặt khóc, gào lên, đùng đùng ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ.

Mẹ chị L không biết các đôi vợ chồng trẻ khác sống với nhau ra sao, chứ vợ chồng con gái bà được vài hôm êm xuôi lại cãi vã, xô xát, mà nguyên nhân của những việc ấy không hề to tát. Vấn đề ở chỗ là con gái bà cằn nhằn chồng nhiều quá, con rể lại hay nổi cáu, cục tính. Vậy là to tiếng, giá như họ bình tĩnh hơn chắc cũng không đến cơ sự ầm ĩ nhà cửa.

Để gia đình luôn êm ấm

Ứng xử khéo léo, tế nhị, lấy kinh nghiệm của ông bà đúc kết “Chồng giận thì vợ bớt lời” hay “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là điều mà bản thân chị Nguyễn Thị Thủy ở khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) hay dùng để “hạ nhiệt” trong những lúc vợ chồng xảy ra va chạm. Là một người vợ, người mẹ, chị Thủy luôn hiểu rằng để một gia đình hạnh phúc, vợ chồng phải luôn yêu thương nhau, tránh nói gay gắt, chì chiết, lên án những điểm hạn chế của nhau để cùng chung sức nuôi dạy con cái khỏe mạnh, hiếu thảo, ngoan hiền.

Cô giáo Mang Thị Út ở Trường mầm non xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), một trong những phụ nữ “hai giỏi” tiêu biểu ở xã cho hay, ngoài công việc, chị luôn chú tâm cùng chồng lao động sản xuất, nuôi dạy con cái thật tốt cũng như tạo dựng mối quan hệ vợ chồng thuận hòa, đầm ấm. Vợ chồng chị Út ý thức “gia đình là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội” nên luôn nhường nhịn, tôn trọng nhau để giữ gìn hòa khí trong gia đình. Vợ chồng chị không chỉ vun đắp hạnh phúc cho riêng mình mà còn là cầu nối để hàn gắn những rạn nứt của nhiều anh em trong họ tộc. Anh em có điều gì chưa đúng, vợ chồng chị luôn tranh thủ gặp gỡ, nhắc nhở, chia sẻ, phân tích để gia đình họ ngày càng êm thuận, đầm ấm.

Xác định rõ vai trò trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN trong hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, thời gian qua các cấp Hội tỉnh Phú Yên tích cực tuyên truyền vận động giáo dục, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”. Các cơ sở Hội xây dựng trên 230 mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững, Gia đình 5 không 3 sạch, Gia đình hạnh phúc, Phòng chống bạo lực gia đình… để tư vấn, hướng dẫn kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” cho các đôi vợ chồng. Chỉ có khéo léo ứng xử thì gia đình mới vui vẻ, yên ấm.

“Các cán bộ Hội chúng tôi luôn khuyên nên nhìn vào những tính cách tốt, hơn là những mặt hạn chế của chồng trong quá trình chung sống. Đặc biệt trong những đợt truyền thông hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc ở cơ sở, chúng tôi khuyên chị em hội viên khi xảy ra mâu thuẫn vợ chồng thì nên “một sự nhịn chín sự lành”, vợ chồng không nên hơn thua nhau, chỉ có “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”... Đó cũng là bí quyết từ ngàn xưa của ông bà mình đúc kết trong giữ gìn hòa khí vợ chồng, xây dựng gia đình hạnh phúc…”, bà Phạm Thị Yên, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Gia đình - xã hội Hội LHPN tỉnh, nói.

NGỌC QUỲNH

Từ khóa:

Ý kiến của bạn