Ngày nay, không ít phụ huynh “đau đầu” khi con trẻ nghiện xem ti vi cũng như các thiết bị công nghệ khác mà không hề thiết tha đến các hoạt động bên ngoài. Để tâm trí, tương lai của con không chỉ gói gọn quanh cái màn hình, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải hết sức nỗ lực trong việc “cai nghiện” cho trẻ…
Con trẻ nghiện ti vi
Chiều nào đi học về, bé Suki 7 tuổi ở phường 9 (TP Tuy Hòa) chưa kịp thay quần áo đã vội chạy vào phòng bật ti vi lên xem. Vì gia đình lắp truyền hình cáp nên bé dễ dàng dùng thiết bị điều khiển chuyển từ kênh phim hoạt hình, đến các chương trình lắp ráp robot, hài, ca nhạc..., tới lúc mẹ giục ngồi vào bàn ăn cơm, cậu bé mới chịu rời khỏi ti vi. Trung bình một ngày, cậu bé xem ti vi từ 2-3 giờ đồng hồ. Hôm nào không được xem, cậu cảm thấy khó chịu bứt rứt đi ra đi vô làu bàu với mẹ: “Cả ngày hôm nay con chưa được xem chút ti vi nào hết...”. Chị Nguyễn Thị Mai, mẹ bé Suki, khổ sở: “Thấy con nghiện truyền hình như vậy, vợ chồng tôi lo lắm, nhưng không biết làm cách nào để giúp con thoát khỏi tình trạng này”.
Bé Lan Anh 9 tuổi ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cũng rất thích xem ti vi. Bé nhớ hết những tình tiết trong phim hoạt hình Đôrêmon, Robo Trái cây, Nàng tiên cá... và kể lại vanh vách, không sai một chi tiết. Cô bé nghiện các phim này đến nỗi trong giờ học trên lớp, cô giáo đang giảng bài, cô bé ngồi dưới bật cười khúc khích khi nhớ lại những tình tiết vui nhộn trong phim Đôrêmon. Nghe cô giáo thường xuyên phản ánh chuyện con gái mất tập trung trong giờ học, vợ chồng chị Lê Thị Hiền hết sức lo ngại chuyện con ăn, ngủ, học, chơi… xoay quanh chiếc ti vi mà không biết cách nào để giúp con thoát khỏi tình trạng trên. Nhiều lúc giận con quá, chị Hiền đánh đòn, la mắng, nghiêm cấm con gái xem ti vi nhưng được vài hôm rồi đâu cũng vào đấy.
Không chỉ bé Suki, Lan Anh mà hiện nay rất nhiều trẻ em không những “nghiện” ti vi mà còn nghiện cả điện thoại thông minh, máy tính bảng… Phần lớn trẻ thường xem mỗi ngày từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, thậm chí có trẻ xem từ 4-5 giờ mỗi ngày. Rất nhiều phụ huynh lo lắng về vấn đề này khi cả thế giới của con cứ như được gói gọn qua cái màn hình. Họ lo ngại khi thấy con em mình có những biểu hiện như xao nhãng việc học, thị lực giảm, ít muốn giao tiếp với người ngoài, tính tình rất dễ gây hấn, hung hăng…
Kết quả một cuộc khảo sát xã hội về thực trạng sử dụng các thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh do Trung tâm Nghiên cứu văn hóa - giáo dục và đời sống xã hội và Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion thực hiện cho thấy có đến 78% trẻ em Việt Nam ở thành thị đã tiếp cận với ti vi và các thiết bị số khác. Nhiều phụ huynh hiện nay cũng lúng túng, lo ngại trong việc ứng xử thế nào để con cái không bị tác hại khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số thông minh.
“Cai nghiện” cho con, cách nào?
Thực tế, hầu như cha mẹ nào cũng biết tác hại của việc cho con xem ti vi và các thiết bị số quá nhiều. Tuy nhiên, không ít cha mẹ vẫn nghĩ rằng chỉ cần cho trẻ xem “một ít” để trẻ không làm phiền lúc bản thân đang làm việc, nghỉ ngơi thư giãn chắc cũng không sao. Song nhiều cha mẹ quên giao hẹn thời gian con được phép xem, khi con thường không có ý thức tự tắt ti vi, smartphone, laptop. Chúng ta không thể phủ nhận, trẻ tìm thấy nhiều thông tin mới lạ, thú vị qua việc xem tivi cũng như smartphone, laptop như biết thêm về thế giới động vật, hình ảnh những con khủng long, sư tử, voi, cá sấu… Những phim hoạt hình dạy trẻ học ngoại ngữ qua giao tiếp, những góc sáng tạo làm đồ chơi, các chương trình thí nghiệm... đều giúp bồi dưỡng cho trẻ khả năng tư duy, sáng tạo, hiểu thêm nhiều điều hay mới lạ. Tuy nhiên, nếu trẻ xem ti vi, phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị số sẽ khiến trẻ hạn chế thời gian hoạt động bên ngoài, hạn chế khả năng giao tiếp. Thêm vào đó, việc xem ti vi nhiều có thể gây nên các bệnh về mắt, về thần kinh…
Để “cai nghiện” cho con, cha mẹ phải làm gương trước. Bản thân cha mẹ nên hạn chế xem ti vi, smartphone… Không nên cấm tiệt việc con xem tivi vì có thể mang lại "hiệu ứng ngược" không mong đợi. Con trẻ cần một chế độ vui chơi giải trí cân bằng và lành mạnh. Tuy nhiên, cha mẹ cần kiểm soát thời gian cho con xem ti vi, không nên cho con xem vượt mức cho phép. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, đưa các con đi chơi, hướng con đọc sách… Nếu được các bậc phụ huynh cần ngồi lại xem ti vi với con. Chị Trần Thị Thanh Nga ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi thường xem phim hoạt hình cổ tích cùng với con. Qua những lần như vậy, tôi thường nói với con về cuộc sống ở hiền gặp lành. Từ đó gieo vào lòng con những cái nhìn nhân ái, lương thiện, bao dung… Xem cùng con, tôi hiểu con mình nhiều hơn, để định hướng con có cách nhìn, cách nghĩ đúng đắn”. Đồng thời tạo cho trẻ thói quen đọc sách, khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời, hoạt động thể thao, cả gia đình tổ chức các hoạt động vui chơi cùng nhau…
LAN KHANH