Trong cuộc sống hiện đại, không ít đôi vợ chồng trẻ vì công việc, bận bịu mưu sinh, mà chuyển hết trách nhiệm chăm lo nuôi dạy con cái cho cha mẹ mình. Việc ông bà nên giúp con cái chăm lo cho cháu hay nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già luôn thu hút sự quan tâm của khá nhiều người.
Chăm cháu thay con
Vợ chồng ông Nam bà Nhân ở phường 3 (TP Tuy Hòa) sinh được hai người con cả trai lẫn gái. Những năm tháng thời bao cấp, lương giáo viên ba cọc ba đồng, đời sống tuy khó khăn túng thiếu mọi bề, nhưng vợ chồng bà luôn cố gắng chăm lo cho các con những gì tốt nhất. Các con lớn lên, đi học, ra trường đi làm, rồi lập gia đình ra riêng, ông bà lúc nào cũng ở bên cạnh hỗ trợ. Ông bà quan niệm “con cái của mình, mình không thương yêu, đỡ đần thì ai nhảy vào chăm lo cho chúng”. Bởi vậy, sau khi con gái cưới chồng, sinh con nhỏ, đúng vào thời gian bà Nhân về hưu, nên bà chuyển đến ở hẳn nhà con gái để tiện chăm cháu. Bà Nhân cho biết con gái lần đầu làm mẹ, chân tay lóng ngóng, không có kinh nghiệm làm sao có thể ẵm bồng, lo lắng cho cháu chu đáo được. Vì vậy, không chỉ chăm cháu trong 3-4 tháng đầu mới sinh, bà còn tình nguyện ở lại chăm cháu sau khi con gái đi làm việc trở lại. Vợ chồng con gái thấy mẹ suốt ngày quần quật bên cháu cực nhọc nên có ý định thuê người giúp việc để mẹ nghỉ ngơi thì bị bà gạt phắt đi, bởi người giúp việc làm sao có thể yêu thương, tận tâm như người thân trong gia đình. Điều đáng nói ở đây là sau khi bà Nhân vào chăm cháu giúp con, ông Nam hàng ngày phải “cơm hàng cháo chợ”, sau giờ làm việc trở về nhà một mình trong căn nhà rộng thênh, luôn cảm thấy cô đơn, trống trải. Hàng tuần, vào thứ bảy, chủ nhật, ông Nam lại tất tả đón tàu vào Nha Trang để sum họp với vợ, con mình. Hết ngày nghỉ, ông lại quay về Tuy Hòa để làm việc. Cứ như vậy đã hơn một năm nay. Nhiều người nhìn tình cảnh của ông Nam lắc đầu: “Con cái có trách nhiệm nuôi dạy con cái của chúng, ai bảo ông bà ôm đồm chi cho khổ thân già”.
Cũng như vợ chồng bà Nhân ông Nam, nhiều ông bà khi về hưu cũng không được nghỉ ngơi. Đi công tác nước ngoài, thường xuyên đi công tác ngoại tỉnh, bận bịu với công việc… và hàng trăm lý do khác khiến nhiều cha mẹ nghiễm nhiên đẩy hết trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con cái cho ông bà. Có không ít đôi vợ chồng trẻ nghĩ rằng khi họ sinh con thì cha mẹ phải có trách nhiệm, chăm sóc, hỗ trợ họ bằng cách này hay cách khác. Họ cho rằng ông bà là người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, hơn nữa ông bà lúc ấy về hưu ở nhà cũng không bận bịu gì nhiều nên đến trông giúp cháu là đương nhiên. Đó là trách nhiệm giúp đỡ con cháu trong nhà của cha mẹ, những người có nhiều kinh nghiệm, tránh cảnh ăn không ngồi rồi.
Có nên làm thay con cái?
Không như ông Nam bà Nhân và nhiều người khác, vợ chồng ông Lê bà Hương cho rằng việc nuôi cháu là trách nhiệm của cha mẹ chúng, người già chỉ cần nghỉ ngơi an dưỡng. Sau khi con trai lập gia đình, có điều kiện kinh tế, vợ chồng họ cho con cái ra riêng để tránh va chạm nhau, cũng là để chúng có không gian riêng. Vợ chồng họ cho rằng, bao năm lăn lộn kiếm tiền nuôi con ăn học nên người, giờ mình tự chăm lo bản thân không phiền hà, cậy nhờ tới con đã là tốt lắm rồi. Cháu mình thì vẫn là cháu mình, mình vẫn yêu vẫn quý chứ đâu phải không chăm cháu là không yêu quý đâu. Nghĩ vậy nên những ngày rảnh rỗi, bà chỉ đến thăm con cháu chứ không hề làm thay trách nhiệm chăm cháu cho ba mẹ chúng. Thời gian còn lại, vợ chồng bà đi tản bộ, tập thể dục, xem phim, thăm thú họ hàng.
Đồng quan điểm với vợ chồng ông Lê bà Hương, nhiều người nói rằng xã hội hiện đại với quá nhiều kiến thức, cách chăm sóc trẻ rất khác với phương pháp truyền thống. Nhiều người cao tuổi rất muốn chăm cháu nhưng cách chăm sóc truyền thống có thể không phù hợp với các con. Do đó, họ cũng hạn chế chăm cháu để tránh gây mâu thuẫn.
LAN KHANH