Theo quan niệm truyền thống có phần định kiến lâu nay thì chỉ những gã đàn ông nhu nhược, bất tài bất lực, không lo nổi cuộc sống gia đình mới chấp nhận cảnh ở rể, sống nhờ nhà vợ.
Định kiến đó cộng với tính tự ái mà người ta đôi khi nhầm lẫn với lòng tự trọng nên vô hình trung, ở rể được xem như chuyện “cùng đường” bất đắc dĩ. Vì cái suy nghĩ chết người “thà ở chuồng heo không theo quê vợ” nên chuyện này đối với không ít đàn ông là vô cùng “mất mặt”, mất bản lĩnh nam tử hán.
Chị H ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) cho biết hai vợ chồng lấy nhau, muốn ra ở riêng liền thì cũng khó vì phải xoay xở tiền đất tiền nhà. Mà theo anh về làm dâu thì chị lại không muốn. Đường đường là con gái rượu, được “nâng như trứng hứng như hoa”, nhà ba mẹ ở quê lại rộng rãi tiện nghi, vậy nên chị dùng “áp lực” để anh về ở cùng. Chị bảo mình rất thoải mái, vì được ở nhà ba mẹ như hồi chưa có chồng nhưng ông xã thì có vẻ không ổn. Dù ba mẹ chị rất tôn trọng anh, chuyện vợ chồng có khi xục rục, hai cụ đều để trẻ tự giải quyết nhưng chồng chị vẫn “bức xúc” nhiều. Chị bảo, bình thường thì anh vẫn vui vẻ nhưng những lúc có chút rượu bia với bạn bè, câu qua câu lại làm sao không biết, về tới nhà gặp vợ là anh cáu giận, bảo nhất định phải ra riêng, dù một miếng đất nhỏ che cái chòi cũng phải tự thân vận động tự do, độc lập. Anh nói không muốn mang tiếng đàn ông, thân dài vai rộng lại đi ăn nhờ ở đậu nhà vợ, như vậy là không còn thể thống gì nữa! Chị xuống nước, bảo từ từ lao động làm ăn, tích cóp được kha khá, khi nào đủ lực đủ sức rồi hẵng ra riêng cũng không muộn. Những lúc như vậy, anh lại gắt to hơn, rồi nghĩ ngược nghĩ xuôi nói chị khinh anh nghèo, bất lực, không thể lo cho vợ con một nơi ăn ở tử tế. Vợ chồng dù rất yêu nhau, tôn trọng nhau, mâu thuẫn giữa hai người không có gì to tát nhưng lại thường xuyên “cơm không lành canh không ngọt” vì cứ loay hoay mãi với “mặc cảm ở rể” của anh.
Còn chị N ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) lại tâm sự rằng, hồi mới yêu nhau, anh ấy chấp nhận ở rể vì thương gia cảnh nhà chị neo đơn, ba mẹ chị lại rất yêu quý anh. Nhưng về ở với nhau được một thời gian, dù gia đình không có bất hòa, anh vẫn bảo “Em thông cảm cho anh. Chúng mình phải ra ở riêng thôi!”. Theo chị, nguyên nhân là do bạn bè trêu chọc, mỉa mai. Vì thế, anh chịu không nổi cái “mác” làm chồng, là chủ hộ gia đình mà nhu nhược, bám váy vợ. Tệ hơn, một số bạn bè bảo ở rể thì không tự do, tiếng nói không có trọng lượng; chiến hữu muốn về nhà chơi một bữa, bù khú, văn nghệ cho đã đời cũng không dám nên anh “động lòng”. Tuy chị động viên, an ủi rất nhiều nhưng anh vẫn rất buồn, không thể thoải mái được!
Trong thực tế, có phải ở rể là bi kịch của đấng mày râu hay không? Rõ ràng không phải vậy, bởi vì trong cuộc sống lâu nay, không hiếm những câu chuyện hay, những kết quả đẹp về vấn đề này. Đã có không ít những trường hợp người ở rể nhận được tình thương yêu, sự quý trọng và trở thành trụ cột tin cậy mà có khi bố mẹ, bà con phía vợ còn… tâm đắc, trân quý hơn người thân trong nhà. Đó chính là nhờ những chàng rể này biết vượt qua nếp nghĩ tự ti, sống và hành xử như một người đàn ông đúng nghĩa trong mối quan hệ đan xen lắm lúc rất phức tạp, đa sự trong nhà vợ. Do đó, là những người trẻ trong một xã hội hiện đại, đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ ngay những suy nghĩ định kiến có phần hẹp hòi và điều chỉnh lại suy nghĩ và thái độ sống. Dâu, rể, dù có ở chung ở riêng gì thì cũng đều là con của hai gia đình. Cha mẹ nào cũng muốn xây dựng, vun vén cho con cái. Hỡi những người đàn ông, đừng mặc cảm rồi bảo thủ cố chấp, đừng để những lời dèm pha làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hãy suy nghĩ tích cực để tổ chức cuộc sống gia đình sao cho tốt nhất.
Những người đàn ông coi trọng hạnh phúc gia đình, vượt qua được những lời dèm pha thì đó đích thực là những người đàn ông bản lĩnh vậy.
BÍCH NHÀN