Facebook có thể nói là nơi gần như con trẻ thể hiện bản thân, những xúc cảm, riêng tư cá nhân một cách rõ nhất. Bởi vậy, hiện nay có không ít ông bố bà mẹ lập cho mình một tài khoản trên Facebook để tìm hiểu thế giới nội tâm riêng tư của con cái. Với họ, đây là một “kênh” hiệu quả giúp quản lý, định hướng con trẻ giải quyết nhiều điều vướng mắc trong cuộc sống.
![]() |
Làm bạn với con trên facebook giúp cha mẹ hiểu và gần gũi với con cái nhiều hơn - Ảnh: YÊN LAN |
Kết bạn với con
Chị Mai ở phường 9 (TP Tuy Hòa) có cậu con trai 18 tuổi đang đi học ở TP Hồ Chí Minh nên chị rất ít có cơ hội gần gũi, tâm sự cùng con. Chị Mai cho biết, dù hàng tuần chị đều gọi điện hỏi thăm chuyện học hành, trường lớp, sức khỏe của con nhưng tính con vốn ít nói, ít cởi mở với cha mẹ ngay từ nhỏ, càng lớn chị càng khó nắm bắt tâm tư tình cảm của con. Bởi vậy, chị gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con. Nhất là bây giờ con trai lại ở xa, có muốn quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của con cũng khó khăn bội phần. Chị Mai hồ hởi: “Mới đây, tôi lập facebook để kết nối với những người bạn thân của mình ở xa, thì tình cờ phát hiện con trai mình cũng sử dụng face. Sau khi gửi lời mời kết bạn, con trai đồng ý. Tôi rất vui là hàng ngày có thể vào đấy để tìm hiểu thằng bé đang nghĩ gì hoặc nắm bắt môi trường kết bạn của con ra sao…”. Bây giờ, ngày nào chị Mai cũng dành 30 phút vào facebook con trai, xem hôm ấy con có những chia sẻ gì mới, viết gì trên tường của con… Chị cũng bình luận, bấm like, chia sẻ trạng thái, gắn thẻ con vào một tâm sự nào đấy của bản thân mình. Nhờ vậy mà khoảng cách của hai mẹ con đã rút ngắn lại. Hai mẹ con hiểu nhau nhiều hơn.
Trước đây, cũng trăn trở với việc làm thế nào để gần và nắm bắt thế giới nội tâm của con hơn, nhưng bây giờ chị Hiền ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) nói rằng nhờ kết nối với con gái mình trên facebook mà chị hiểu con nhiều hơn. Chị biết con gái hay đa sầu đa cảm, dễ bị chi phối bởi những chuyện xung quanh; biết con đang gặp khó khăn trong chuyện thi cử… Nhờ vậy, chị định hướng kịp thời giúp con giải quyết tốt hơn những điều vướng mắc trong cuộc sống cũng như trong học tập và những mối quan hệ khác. Đặc biệt, chị hướng dẫn con kết bạn có chọn lựa, tìm kiếm thông tin học tập hữu ích trên mạng xã hội, không mất thời gian lang thang trên mạng quá nhiều mà mất tập trung vào việc học. Chị Hiền chia sẻ: “Dĩ nhiên những định hướng này tôi không bao giờ trao đổi với con ở trên mạng xã hội, mà là ở trong gia đình mình. Con gái tôi đang tuổi dậy thì, lứa tuổi khá nhạy cảm. Bởi vậy, khi trao đổi, khuyên nhủ với con điều gì, tôi đều hết sức nhẹ nhàng, cân nhắc…”.
“Cầu nối” hiệu quả
Cuộc sống hiện đại lấy đi rất nhiều thời gian của các gia đình. Bởi thế khoảng cách giữa con cái với cha mẹ càng ngày càng lớn. Nhưng sự yêu thương quan tâm, chăm lo và mong ước trở thành “người bạn” tin cậy đồng hành cùng con cái qua những buồn vui, hạnh phúc trong cuộc đời chưa bao giờ ngừng trong tâm trí của những bậc làm cha làm mẹ.
Mạng xã hội nói chung, đặc biệt là facebook nói riêng từ lâu đã không còn là “sân chơi riêng” của những người trẻ tuổi. Hiện nay có không ít ông bố bà mẹ lập cho mình một tài khoản trên facebook không chỉ để kết nối với bạn bè, tìm kiếm chia sẻ thông tin cá nhân, mà là một “kênh” hiệu quả giúp họ quản lý, định hướng con trẻ giải quyết nhiều điều vướng mắc trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp cha mẹ bị con cái đề cao cảnh giác trên facebook. Bởi nhiều cha mẹ dùng “quyền” của mình can thiệp quá đà vào thế giới riêng tư của con, mà không đặt mình vào vị trí của con trẻ để cảm nhận. Chuyện này cũng giống như cha mẹ đang đọc nhật ký riêng tư của con, rồi sau đó dạy dỗ không ý nhị trên mạng xã hội… Bản thân facebook cũng có nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt với những bậc cha mẹ sống cách xa con cái thì mạng xã hội sẽ là cầu nối hữu ích. Thông qua đó, cha mẹ có thể nhìn thấy con hàng ngày, cập nhật trao đổi thông tin với nhau nhiều hơn.
Theo các nhà tâm lý học, cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành với con cái. Cha mẹ phải chân thành, bình đẳng, thiện ý, lúc ấy các con mới cảm thấy được tôn trọng, yêu thương, lắng nghe và chia sẻ. Thực tế cho thấy, khi con cái không tìm thấy được sự tin cậy, bình yên trong gia đình thì chúng sẽ tìm kiếm những điều ấy ở thế giới bên ngoài. Trong khi thế giới bên ngoài không chỉ có những điều tốt đẹp, mà tiềm ẩn rất nhiều điều rủi ro và con bạn rất dễ sa vào những cám dỗ, cạm bẫy… Nếu con cái không chịu trò chuyện với cha mẹ, không chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của bản thân thì nguy cơ cha mẹ “mất” con rất lớn. Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên học cách làm bạn với con dù bằng cách nào đi nữa, miễn là có thể nắm bắt, thấu hiểu, định hướng những điều tốt đẹp cho con trong cuộc sống. Chỉ khi nào con trẻ tìm thấy sự gần gũi, tin yêu thì lúc ấy cha mẹ mới có thể là người bạn tin cậy song hành cùng con trên bước đường đời.
NGỌC QUỲNH