Thế nào là một gia đình hạnh phúc? Gia đình hạnh phúc được xây dựng dựa trên những cơ sở nào? Những góc nhìn khác nhau về vấn đề này.
Nếu như trước đây, gia đình truyền thống thường có đặc điểm chung là nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, thì ngày nay được thay thế bằng những gia đình hạt nhân. Ngày trước, người phụ nữ chỉ có mối quan tâm duy nhất là gia đình, còn bây giờ họ đã bước ra xã hội, trở nên năng động, giỏi giang và thành đạt. Họ ngày càng có nhiều vốn hiểu biết về lối sống, văn hoá cũng như kiến thức nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, theo tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, bản thân người phụ nữ chịu rất nhiều áp lực trong việc trở thành người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị Hoàng Thị Thư ở xã Hoà Trị (huyện Phú Hoà) nói rằng: “Tôi sẵn sàng làm mọi chuyện cho chồng con. Nhưng nếu được ông xã ghé vai chia sẻ tí chút công việc nhà, tôi sẽ vui hơn, vì cảm thấy được chồng yêu thương. Chúng tôi muốn chồng sẻ chia việc nhà, để thấy rằng nó không phải là “chuyện nhỏ” như nhiều người thường nói”.
![]() |
Chia sẻ việc nhà tạo thêm sự gắn kết giữa vợ chồng - Ảnh: MINH NGUYỆT
|
Một điều đáng mừng là ngày càng có không ít “mày râu” nhận thấy mong muốn này không phải là “sự đòi hỏi quá đáng” của người vợ, mà đấy là trách nhiệm của một người chồng trong gia đình. Anh Lê Thế Minh ở phường 7 (TP Tuy Hoà) bày tỏ quan điểm: “Đã là vợ chồng thì không nên có sự phân chia rạch ròi công việc trong gia đình. Cả hai cần phải có trách nhiệm, nghĩa vụ như nhau để chăm lo xây dựng hạnh phúc. Bản thân tôi luôn cảm thấy vui khi phụ giúp bà xã một số công việc gia đình. Một người chồng thương vợ phải biết chia sẻ trách nhiệm này”. Hiện nay, người ta nhắc nhiều đến hai chữ “bình đẳng”. Theo anh Minh, bình đẳng không có nghĩa là phân chia trách nhiệm rạch ròi trong công việc của vợ hay chồng, bởi điều này phụ thuộc vào thời gian và khả năng của từng người. Bình đẳng ở đây có nghĩa là chia sẻ và yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
Câu nói của anh Lê Thế Minh khiến tôi nhớ đến một cuộc bàn luận sôi nổi về “Thế nào là một gia đình hạnh phúc?” của những đồng nghiệp nhân một cuộc trà dư tửu hậu. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình: “Để gia đình hạnh phúc bền lâu không thể thiếu được yếu tố tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau”. Tình yêu sẽ giúp cho nhiều vợ chồng vượt qua được những trắc trở, sóng gió trong cuộc sống hôn nhân, giúp họ dễ cảm thông, chia sẻ và bỏ qua những sự khác biệt cũng như những khiếm khuyết trong tính cách của nhau. Còn sự tôn trọng từ lâu đã là điều kiện tiên quyết, tối quan trọng cho việc khởi đầu và duy trì mọi mối quan hệ trong xã hội. Yếu tố này lại càng đặc biệt nhạy cảm và quan trọng trong mối quan hệ ứng xử giữa vợ chồng. Cũng chính từ cách nhìn này mà người xưa mới có câu: “Vợ chồng tương kính như tân”.
Những ý kiến trên lại dẫn đến một câu hỏi khác: “Liệu tính gia trưởng của người chồng tồn tại trong một gia đình có mang lại hạnh phúc không?”. Theo như một cuộc điều tra xã hội học dành cho đối tượng phụ nữ trí thức, thì 96,3% khẳng định chất gia trưởng vẫn còn tồn tại trong các gia đình. Dù là một người đàn ông trí thức-người của thế hệ mới, nhưng anh Nguyễn Văn Dũng ở phường 3 (TP Tuy Hoà) vẫn cho rằng: “Để duy trì một gia đình hạnh phúc thì người chồng cần phải “cao” hơn vợ một cái đầu và phải “khiến” được vợ”. Anh Dũng bảo: “Tuy quan niệm này có vẻ hơi gia trưởng nhưng như thế nề nếp trong gia đình mới được duy trì”. Và điều đáng nói là có không ít phụ nữ hiện nay mặc nhiên thừa nhận điều này. Chị Nguyễn Thị Yến ở xã Hoà Đồng (huyện Tây Hoà) bày tỏ: “Người đàn ông là trụ cột trong gia đình. Họ có tỏ ra một chút uy lực cũng không sao, miễn là chị em chúng ta biết chấp nhận và chịu nhịn một chút thì gia đình mới êm ấm”. Còn chị Nguyễn Thị Mai Oanh ở phường 9 (TP Tuy Hoà) cương quyết: “Vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau bao giờ cũng đem lại một không khí chan hòa, êm ái cho gia đình. Bản chất của phụ nữ là muốn được che chở, muốn có một người chồng mạnh mẽ, nhưng điều này không có nghĩa là người chồng đó có tính gia trưởng. Tính gia trưởng làm chúng tôi cảm thấy không khí gia đình bức bối, ngột ngạt”.
Dù có nhiều quan niệm khác nhau về một gia đình hạnh phúc, nhưng đại đa số các ý kiến đều thống nhất: Gia đình là cuộc sống riêng tư của mỗi người, là mái nhà mà ở đó mỗi người cảm thấy thoải mái và hợp lý nhất. Và để “cảm thấy” được điều này là tùy theo cách lựa chọn và quan điểm riêng của mỗi người.
THỦY VĂN