Có không ít cha mẹ cảm thấy lo lắng khi ngày càng không hiểu được những suy nghĩ và hành động của con mình. Có một khoảng cách vô hình không dễ rút ngắn giữa họ và con cái, nhất là với con cái tuổi teen. Làm thế nào để gần hơn với con là điều mà nhiều cha mẹ luôn trăn trở.
KHOẢNG CÁCH MỖI NGÀY MỘT XA
Chị M ở phường 9 (TP Tuy Hòa) có cô con gái đang học lớp 10, than thở: “Hồi còn nhỏ lúc nào con gái tôi cũng theo mẹ. Vậy mà bây giờ không hiểu sao nó trởnên ít nói, ương bướng, khó gần. Hỏi chuyện gì nó cũng trả lời qua loa cho xong chuyện, chứ không tíu tít “mẹ mẹ, con con” như trước đây nữa. Đã vậy, sau khi đi học về, nếu không phụ tôi nấu ăn, rửa chén là nó ở phòng riêng suốt. Tôi không hiểu chuyện gì làm con gái tôi thay đổi như vậy”.
Bối rối, lo lắng, không hiểu chuyện gì khiến con mình khác trước, đây cũng là tâm trạng của chị H ở phường 7 (TP Tuy Hòa). Chị H thổ lộ: “Con gái tôi cứ hễ có thời gian rảnh rỗi là lên mạng chát với bạn bè. Hễ tôi nhắc nhở, rầy la thì nó nhăn nhó, quạu quọ: “Thời đại bây giờ mà không internet, không facebook thì chẳng khác gì tự cô lập mình”. Không hiểu sao dạo này, tôi nói cái gì nó cũng cãi và nói “Mẹ không hiểu con”, “Mẹ không tôn trọng con”. Hồi nhỏ, con bé là một đứa trẻ ngoan, cha mẹ nói gì nó cũng nghe theo. Còn bây giờ, nói chuyện gì nó cũng chống đối, “biểu tình”. Chị H nói rằng, chị buồn và lo ngại khi khoảng cách giữa chị và con gái càng ngày càng xa. Lo ngại nhất là dạo gần đây, con gái chị hay tụ tập bạn bè, học hành có dấu hiệu sa sút. Thấy con mình như vậy, trong lòng chị H lúc nào cũng “như có lửa đốt”. Còn chị T ở xã Bình Kiến cũng tràn ngập nỗi niềm, khi biết cậu con trai cưng của mình đang “để ý” một cô bạn trong lớp. Chuyện này khiến chị T mất ăn mất ngủ, nhất là thấy con chểnh mảng việc học hành.
ĐỂ GẦN CON HƠN
Nỗi lo của các chị M, H, T cũng là nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh khi bị các con không hợp tác, “tẩy chay”. Con cái họ sẵn lòng chia sẻ với bạn bè, nhưng với cha mẹ thì chẳng mấy khi tâm sự. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý, các bậc phụ huynh không cần phải quá lo lắng về điều này. Hãy nhớ lại thời gian trước đây khi bằng tuổi con cái mình bây giờ, họ cũng từng trải qua những cảm xúc như thế nào, từng muốn cha mẹ hiểu bản thân mình ra sao, để từ đó có cách hành xử phù hợp với con cái của mình.
Cha mẹ nào cũng thương yêu, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên hầu như, các ông bố, bà mẹ luôn mang những suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân áp đặt, bắt buộc con cái phải như thế này, thế kia mà không hỏi ýkiến con. Trong khi ấy, con cái ở tuổi teen, lứa tuổi có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý. Thiết nghĩ, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con cái nhiều hơn, tìm hiểu những sở thích của con. Cha mẹ nên nhớ, đừng đưa ra mệnh lệnh hay ép buộc, “lên lớp”, rầy la, kêu ca, so sánh con với một đứa trẻ nào đó… dễ khiến con bất hợp tác.
Có một nguyên tắc tối quan trọng là cha mẹ nên nói ít nghe nhiều, đồng cảm, tôn trọng và lắng nghe con nhiều hơn. Điều này sẽ giúp cha mẹ gần hơn với con mình. Nếu làm được như vậy, việc trò chuyện giữa cha mẹ và con sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần học cách bước vào thế giới của con, hiểu thế giới của con cũng như cần phải tiếp cận, cập nhật internet, facebook… đang phổ biến trong thời đại hiện nay. Không nên buộc con có những suy nghĩ theo như thời đại của mình. Cha mẹ nên nhớ chỉ yêu thương, chăm lo cho con thôi chưa đủ, quan trọng hơn là phải học cách hiểu con, làm bạn với con.
THỦY VĂN