Để một cuộc hôn nhân bền chặt, ngoài tình yêu, còn cần đến tình nghĩa vợ chồng. Tình nghĩa ấy, rất cần sự tôn trọng, tin tưởng, cảm thông, nhường nhịn với một tấm lòng rộng mở bao dung với “một nửa” của mình.
“THẢ MỒI BẮT BÓNG”
Ngày ấy, nghe tin M và T chia tay nhau, hầu như đám bạn của tôi ai cũng ngỡ ngàng. Bởi lẽ, M là một người đàn ông rất có trách nhiệm với gia đình, thương yêu vợ con hết mực. Thời còn đi học, M học rất giỏi, đến khi ra trường đi làm, M là một giảng viên có tiếng tại một trường đại học uy tín ở TP Hồ Chí Minh. Xuất thân từ một gia đình nông dân hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên M đã có ý thức tự lập, cần cù chịu khó ngay từ nhỏ. Chính sự hiền lành, trung thực, giỏi giang và ý chí luôn nỗ lực vươn lên của M khiến chúng tôi luôn quý mến bạn. Và những ưu điểm này của M cũng đã thu hút T, một cô gái xuất thân trong một gia đình danh giá sống ở thành phố, nơi M trọ học và lập nghiệp. Cuộc hôn nhân của họ tưởng chừng như viên mãn khi cả hai sinh một cô con gái nhỏ xinh xắn, dễ thương. “Cứ tưởng có con, hạnh phúc gia đình sẽ ngày càng bền chặt, nào ngờ…”, M ngậm ngùi kể lại cho chúng tôi nghe nguyên nhân gia đình tan vỡ. “Có con nhỏ, nhưng cô ấy không chịu khó chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, mà suốt ngày chỉ lo tụ tập bạn bè vui chơi tán gẫu, làm đẹp, shopping. Còn mình thì hết giảng dạy ở trường lại đi thỉnh giảng ở các trường khác, không có nhiều thời gian gần gũi vợ con”, M nén tiếng thở dài.
Chuyện gia đình của M chưa đến mức phải “tan đàn xẻ nghé”, nếu như không có chuyện bạn tôi tình cờ phát hiện vợ mình cặp bồ bên ngoài với lý do chồng cứ suốt ngày chúi mũi vào công việc, tính tình lại khô như ngói, không romantic như… người ta. T cho rằng, chính tính cách ấy của chồng khiến đời sống hôn nhân luôn cũ kỹ, nhàm chán, trong khi cô ấy luôn mong muốn mọi thứ đều trở nên lung linh, tươi mới, hấp dẫn. M bảo, cuộc hôn nhân của bạn đã lủng củng đến nước này, dù có muốn hàn gắn hay níu kéo nữa cũng không còn ý nghĩa, chỉ tội nghiệp cô con gái bé bỏng mới tí tuổi đầu đã phải chứng kiến cảnh gia đình ly tán.
“Thả mồi bắt bóng”, “đứng núi này trông núi nọ”, thiếu chung thủy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cảnh tan vỡ không chỉ với gia đình bạn tôi mà chiếm phần lớn trong các gia đình hiện nay, nhất là với các đôi vợ chồng có điều kiện kinh tế khá giả.
Nhìn vào ngôi nhà 4 tầng bề thế của vợ chồng anh T, chị V khối người ganh tị, nhất là khi vợ chồng họ chưa ai bước qua tuổi 40. Anh T là một doanh nhân khá thành đạt trong ngành xây dựng. Anh không chỉ năng động, giỏi giang với công việc làm ăn bên ngoài, mà trong gia đình, anh cũng là một người đàn ông sống tình cảm, hết lòng chiều chuộng vợ con. Các dịp lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… dù công việc bận bịu đến mấy, anh T cũng cố gắng thu xếp ở bên vợ con mình. Chị V mỉm cười hạnh phúc: “Những dịp đặc biệt, anh ấy đều không quên tặng hoa và quà cho vợ, con. Chồng tôi không thay đổi gì so với cái thời chúng tôi yêu nhau. Thời sinh viên nghèo khó, những lúc như vậy anh ấy chở tôi đi ăn kem hay đi cà phê gần khu cư xá, còn bây giờ đời sống kinh tế khá giả, cả nhà chúng tôi thường đi du lịch bằng ô tô riêng của gia đình. Cuộc sống với tôi như vậy là quá đủ đầy, hạnh phúc!”. Vậy mà đùng một cái, mọi người ngã ngửa khi biết tin anh T có người đàn bà khác bên ngoài. Bạn bè, người thân ai cũng bị sốc. Bởi lâu nay, anh T là một người đàn ông vô cùng chuẩn mực. Anh làm sao có thể gây ra “chuyện tày trời” như vậy? Còn người ngoài nhìn vào, kẻ chép miệng, kẻ lắc đầu: “Đàn ông giàu có quá thường sinh tật” hay “Thằng T giàu thế, đẹp trai thế, thiếu gì con gái sẵn sàng giăng bẫy…”. Trong chuyện này, người đau khổ vẫn là chị V. Với chị, chuyện chồng mình ngoại tình chẳng khác gì cơn ác mộng. Cơn ác mộng ấy khiến chị rơi xuống hố sâu của sự đau khổ, vụn vỡ. Vụn vỡ niềm tin yêu, vụn vỡ hạnh phúc…
NGHĨA TÌNH ĐỌNG LẠI
Theo các chuyên gia tâm lý, bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng cần phải xây đắp trên “nền móng” tình yêu. Tuy nhiên, tình yêu chỉ là một thứ hormone cuồng si, mà khoa học đã chỉ ra sau hai năm yêu nhau, cái thứ hormone khiến các đôi lứa yêu nhau đến phát cuồng, rồi thề non hẹn biển hay sẵn sàng làm những chuyện “dời non lấp bể” hết sức to tát ấy sẽ không còn “đất” để tồn tại khi nỗi lo toan cơm, áo, gạo, tiền và những va chạm, xung đột trong sự khác biệt của tính cách, sở thích, quan niệm sống vây bủa.
Trên trái đất này, không có người nào sinh ra để dành cho nhau. Nhất là hai con người ấy là hai cá thể hoàn toàn khác biệt, tính cách mỗi người mỗi khác. Bởi vậy, sau một thời gian chung sống, nhiều đôi vợ chồng đều cảm thấy thất vọng về chồng (vợ) mình ở điểm này hoặc điểm kia, chẳng hạn như: “Anh ấy khô như ngói”, “Anh ấy sống quá luộm thuộm” hay “Cô ấy quá coi trọng hình thức bề ngoài”, “Cô ấy không biết giao tiếp”... Có hàng tỉ lý do khiến người ta không hài lòng về “một nửa” của mình và nhiều người trong số họ đã “thả mồi bắt bóng” đi theo tiếng gọi tình yêu mới. Vậy thì chẳng lẽ cứ không hài lòng lại bỏ nhau, để đi tìm một tình yêu mới? Vậy còn trách nhiệm với con cái, với bản thân, với gia đình, với xã hội sẽ như thế nào?
Trong khi thực tế cuộc sống vẫn có những đôi vợ chồng chung sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long và bản thân (vợ hoặc chồng) họ cũng không là người hoàn hảo. Vậy thì điều gì đã làm cho hôn nhân bền chặt? Đó chính là tình nghĩa vợ chồng. Tình nghĩa ấy, ngoài sự thương yêu, còn rất cần sự tôn trọng, tin tưởng, cảm thông, nhường nhịn với một tấm lòng rộng mở bao dung. Vì vậy, hãy vun đắp hạnh phúc trong ngôi nhà mình không chỉ bằng tình yêu, mà còn bằng tình cảm nhân nghĩa giữa vợ và chồng.
THỦY VĂN