Nền tảng để xây dựng hôn nhân vững bền

Nền tảng để xây dựng hôn nhân vững bền

Tôn trọng, tin tưởng, yêu thương, bao dung… lẫn nhau là những tình cảm khó có thể tìm thấy bên ngoài gia đình, bởi đây là sợi dây neo giúp hôn nhân bền chặt.

Tôn trọng, tin tưởng, yêu thương, bao dung… lẫn nhau là những tình cảm khó có thể tìm thấy bên ngoài gia đình, bởi đây là sợi dây neo giúp hôn nhân bền chặt.

NHỮNG GỢN SÓNG NHỎ

Chưa bao giờ chị M (phường Phú Thạnh) cảm thấy cuộc sống gia đình mình nặng nề và mệt mỏi như những ngày này. Bao năm nay, chị M vẫn biết anh L - chồng chị là người có hiếu với mẹ, luôn muốn làm vui lòng bà. Với chị, đó là một điểm tốt ở chồng. Nhưng giá như không phải nhất nhất chuyện gì anh cũng nghe theo lời mẹ thì hay biết bao. Lẽ ra anh phải cân nhắc sai đúng ra sao, vì không phải chuyện gì mẹ anh nói ra cũng đều đúng. Nhất là từ trước đến nay, mẹ chồng chị vẫn có ý xem thường con dâu và coi trọng con trai mình. Vì vậy, những khi vợ chồng chị xảy ra chuyện bất đồng, hầu như lần nào bà cũng can thiệp, lên tiếng bênh vực con trai, chì chiết con dâu, rằng “chỉ biết ngồi ở nhà chờ chồng mang tiền về”, rằng “ăn bám chồng mà còn bày đặt nói này nói nọ…”. Những lúc như vậy, chị M tủi hổ vô cùng, nhất là khi đến cuối tháng, các khoản tiền trong nhà “cạn kiệt”, anh L riết róng: “Đồng tiền tôi làm ra khổ sở đổ mồ hôi sôi nước mắt mà sao cô không biết chi tiêu tằn tiện, hay là cô chuyển tiền của tôi về phía bên nhà cô?”. Không dừng lại đó, nhiều lúc anh L còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ mình vì cái tội “đã sai còn dám cãi chồng”. Chị M nước mắt ngắn dài: “Mấy năm nay, con còn nhỏ, tôi không ra ngoài đi làm mà ở nhà chăm sóc con, mỗi tháng anh ấy chỉ đưa cho tôi vài triệu đồng, nhưng phải chi rất nhiều khoản từ chợ búa, quần áo, thuốc thang đến ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp… Tôi luôn chi tiêu rất tiết kiệm, không hoang phí một đồng nào chồng mang về, lại càng không dám tiêu pha bất cứ thứ gì cho bản thân mình, vậy mà còn bị nghi ngờ này khác”. Chịu hết nổi cảnh chồng, mẹ chồng đối xử hà khắc, chị M tìm đến hội Phụ nữ phường nhờ giúp đỡ.

Chị Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thạnh, thổ lộ: “Chị M là một trong số những phụ nữ gặp vướng mắc trong cuộc sống gia đình mà tôi từng tiếp xúc. Một khi họ tìm đến địa phương, tìm đến Hội Phụ nữ, đồng nghĩa với việc họ quá đau khổ, mệt mỏi trong cuộc sống hôn nhân của mình. Thông thường, gặp những trường hợp như vậy, tôi thường chỉ cho chị em thấy những ưu, khuyết của bản thân họ cũng như người chồng của họ để tìm hướng khắc phục, hòa hợp, hàn gắn”. Ví như anh L - chồng chị M luôn chăm chỉ làm ăn, không rượu chè, thuốc lá, không bồ bịch lăng nhăng, chỉ có mỗi tội quá nghe lời mẹ, hay có tính cộc cằn và chi ly về chuyện tiền bạc với vợ mình. Trong trường hợp này, chị M xóa bỏ căng thẳng trong gia đình bằng cách: “Hễ chi khoản tiền nào thì ghi ra giấy, để khi chồng hỏi đến còn có cơ sở giải thích. Đó cũng là cách để xóa tan sự nghi ngờ không đáng có của chồng, cũng như bản thân chị M có thể cân đối chi tiêu cho hợp lý, tránh cảnh “đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng cạn túi”. Về phần mẹ chồng, chỉ cần chị M biết cách ứng xử khéo léo một chút, tinh tế một chút bằng những tình cảm chân thành thì cũng sẽ “ghi điểm” với mẹ chồng mình.

ĐỂ HÔN NHÂN BỀN VỮNG

Không chỉ những người phụ nữ ở nhà làm việc nội trợ như chị M mới gặp những trắc trở trong cuộc sống hôn nhân, mà có không ít phụ nữ là cán bộ công viên chức nhà nước cũng đau khổ khi không tìm được tiếng nói chung với người chồng của mình. Họ không tìm thấy sự hòa hợp với người bạn đời vì những bất đồng trong quan niệm, thói quen, tính cách, lối sống, trong cách giáo dục con cái… Vì vậy, theo chị Phạm Thị Mỹ Liên, để giữ hạnh phúc gia đình, cả vợ lẫn chồng phải cùng cố gắng vun vén, xây đắp. Cả hai cùng học cách nhận ra những ưu, khuyết của mỗi người, để từ đó hoàn thiện bản thân tốt hơn. Điều quan trọng nhất là phải học cách tha thứ những lỗi lầm của vợ (chồng) mình, vì không ai trên đời này là hoàn hảo. Và trong hành trình xây dựng hạnh phúc, người vợ có vai trò đặc biệt quan trọng. Có chung quan điểm với chị Phạm Thị Mỹ Liên, chị Phan Thị Diệu Hồng, một giáo viên ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) nói rằng, không có hạnh phúc nào tự nhiên gõ cửa ngôi nhà mình. Hạnh phúc chỉ đến khi cả vợ và chồng cùng cố gắng dựng xây.

Yêu thương, tôn trọng và bao dung là những gì mà chị Trần Thị Minh Hương ở phường 3 (TP Tuy Hòa) nói về nền tảng để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Chị Hương chia sẻ: “Tình cảm của vợ chồng rất khác thời còn hẹn hò, yêu đương vì trong quá trình chung sống giữa họ thường nảy sinh những mâu thuẫn do những va chạm trong tính cách cùng những áp lực và gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền… Nếu không có sự chia sẻ, tha thứ, tôn trọng, yêu thương và bao dung sẽ rất khó giúp họ nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời”.

Trước đây, người vợ thường ở nhà sinh con, chăm sóc gia đình, con cái, nhưng bây giờ phần lớn phụ nữ đã ra ngoài kiếm tiền, chỉ có số ít phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ. Cả vợ và chồng đều đóng góp vào kinh tế gia đình, cũng có hiểu biết xã hội tương đối ngang nhau. Vì vậy, người vợ rất cần người chồng đỡ đần trong việc dạy dỗ, chăm sóc con cái, chia sẻ việc nhà, nâng đỡ tinh thần cũng như chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Theo các chuyên gia tâm lý, một khi đã kết hôn, các đôi vợ chồng không nên có ý nghĩ đã “trói” được chồng (vợ) mình và người đó phải có trách nhiệm yêu thương lo lắng cho mình đến suốt cuộc đời. Bởi vì, không có gì tồn tại vĩnh cửu theo thời gian, nhất là trong chuyện tình cảm, nếu người ta không học cách vun đắp yêu thương.

THỦY VĂN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn