Phần lớn phụ nữ là người cất giữ tiền và tính toán việc chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên cũng có phụ nữ lỡ cưới phải người chồng “phòng thủ tài chính” với vợ, lúc nào cũng so đo tính toán chi ly thì quả là mệt.
![]() |
Phụ nữ rất mệt khi gặp phải người chồng keo kiệt - Ảnh: Internet
|
“KẸO ƠI LÀ KẸO”!
Vợ chồng anh T và chị K (TP Tuy Hòa) đều có việc làm ổn định. Chồng K làm xây dựng nên thu nhập cao hơn vợ. Thế nhưng hàng tháng T đưa tiền nhỏ giọt cho vợ chi tiêu cho gia đình, trong khi đó, 2 đứa con nhỏ lại được gửi ở trường cao cấp. Nói lắm anh cũng đưa thêm năm, bảy trăm nghìn. Mọi thứ còn lại mình K lo, vậy mà lúc nào chị cũng nghe chồng kêu ca là… tiêu xài hoang phí! Chưa hết, có lần chị nhờ chồng đi chợ giúp vì bận công tác, anh ra chợ mặc cả, kò kè từng mớ rau, con cá. Hôm sau, chị K ra chợ nghe mấy chị bạn hàng kể lại mà muối mặt không kịp. Chị chia sẻ: “Tôi ghi cả sổ ghi chép chi tiêu hàng tháng trong gia đình nhưng anh không tin. Đã thế anh còn để ý từng tí việc vợ con mua sắm cái quần, cái áo. Không bao giờ quan tâm xem vợ con thích gì, thậm chí các ngày lễ lớn đưa vợ con đi ăn mà anh dặn chỉ ăn món rẻ rẻ thôi. Số tiền anh đưa với thời buổi này không đủ lo cho gia đình, con cái, nên hàng tháng tôi phải ứng lương cơ quan trước. Nhiều lúc thấy chán lắm”.
Trường hợp của chị H còn “bi kịch” hơn bởi phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính của chồng. Vì làm công ty tư nhân nên sau khi sinh em bé, anh L chồng chị bắt chị ở nhà chăm con. Hồi còn đi làm có tiền nên dù chồng đưa nhiều hay ít, chị H cũng xoay xở được. Nhưng từ khi nghỉ việc lại có thêm con nhỏ nên với số tiền 4 triệu đồng/tháng chồng đưa để chi dùng mọi thứ trong nhà thì thật là khó. Dù đã tiết kiệm, vun vén đủ kiểu nhưng tháng nào chị cũng “xin” thêm mới đủ. Thế nhưng, mỗi lần hỏi tiền là bị anh tra gạn từng chút, lại còn nặng lời cho là không biết “tính toán khoa học”, thậm chí còn càm ràm: “Cô chỉ ở nhà ăn, phá hại không thôi!”. Nhiều lúc muốn phát điên nhưng vì con nên H nhịn cho qua chuyện và thấm thía được nỗi khổ khi phụ thuộc vào người khác. Không chỉ vậy, mỗi lần mời khách hay đồng nghiệp về nhà chơi anh cũng không đưa thêm tiền, còn đi ăn bên ngoài anh soi giá rất kỹ làm vợ rất ngại.
Chị H tâm sự: “Bạn bè anh đến nhà chơi cứ nửa đùa nửa thật bảo sao em có ông chồng chỉn chu số một, khéo “tiết kiệm” thế? Coi lo mà sắm két đựng tiền em nhé. Tôi nghe mà muốn độn thổ. Thu nhập của anh đâu phải là ít nhưng tính ky bo không bỏ. Khuyên anh, anh không nghe mà còn cho là vợ nhiều chuyện”.
CẦN ĐỘC LẬP VỀ TÀI CHÍNH
Theo nhiều chị em, nếu lấy phải ông chồng “kẹo kéo” nên chọn cách “sống chung với lũ” bởi không đáng trở thành lý do để ly hôn. Mỗi người nên chọn một cách riêng để đối phó với tính xấu này của chồng. Nói chung là với người chồng keo kiệt thì phải chủ động, thẳng thắn phân tích lợi, hại. Nếu cần thiết phải thực hiện chính sách giao hẳn cho chồng làm “nội tướng” thì chồng sẽ hiểu và bớt kêu ca chuyện chi tiêu.
Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), tính cách của một con người phần lớn là do học hỏi mà có. Vì vậy, nếu đã là học để trở nên keo kiệt thì anh ta vẫn nên có cơ hội học lại để giảm bớt cái tính này đi. Tất nhiên ở một số người, keo kiệt đã thành bệnh, nhưng những người sống cùng như vợ con chẳng dám nói gì thì bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Thực ra đã lấy phải ông chồng keo kiệt mà cố gắng thay đổi để có một ông chồng phóng khoáng thì quả thật là không thể. Chỉ làm sao để người chồng giảm bớt là tốt lắm rồi. Sẽ không có một công thức nào để “trị” chung cho thói này của các ông chồng mà phải hiểu họ cặn kẽ thì mới có thể hạn chế được. Cách tốt nhất là người vợ nên độc lập về kinh tế.
Còn theo một số chuyên gia tâm lý, khác với những người chồng truyền thống, có nhiều ông chồng hiện nay không giao tay hòm chìa khóa cho vợ giữ. Nguyên nhân là bởi họ muốn thủ thế và “giữ thân” phòng khi vợ chồng ly hôn. Tình trạng ly hôn nhiều như hiện nay có tác động đến suy nghĩ của họ. Phụ nữ không nắm giữ tay hòm chìa khóa gia đình, không làm thủ quỹ được cho chồng, nếu ông chồng mắc phải tính keo kiệt thì không chỉ bản thân khổ mà con cái cũng bị khổ lây. Cũng bởi suy nghĩ “phòng thủ” của đàn ông nên các bà vợ muốn dùng tiền của chồng không dễ. Mặc dù dùng tiền đó để lo cho gia đình, nuôi con là một việc rất chính đáng. Đàn ông thường không trực tiếp chăm sóc và nuôi dạy con, không trực tiếp đi chợ nên họ không hiểu được, chi tiêu gia đình tốn kém như thế nào. Do vậy phụ nữ nếu vì hoàn cảnh nào đó mà phải phụ thuộc chồng về tài chính sẽ dễ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở mếu”. Để thoát khỏi cảnh này, không có cách nào khác là phụ nữ hãy tìm cho mình một công việc. Có việc làm, có thu nhập không chỉ giải quyết được khâu tài chính mà còn giúp phụ nữ độc lập và sống tự tin hơn.
PHONG NHÃ