Chỉ cần khoản tiền từ 2-3 triệu đồng, người dùng hiện đã có thể mua được một chiếc iPhone 3G hoặc 3GS đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng đó là một chiếc iPhone tốt, bạn cần lưu ý đến những điều sau.
iPhone 3GS có la bàn số còn iPhone 3G không có.
Kiểm tra phiên bản khóa mạng hay mở khóa: Trước đây, đa số các dòng iPhone 3G/3GS hoặc iPhone 4 được bán ở Việt Nam đều là phiên bản khóa mạng, đòi hỏi người dùng phải Jailbreak để bẻ khóa trước khi sử dụng. Hiện tại, hầu hết những chiếc iPhone phiên bản khóa mạng của nhà mạng AT&T (Mỹ) đều có giải pháp mở mạng hoàn toàn (trở thành phiên bản quốc tế). Cách kiểm tra khá đơn giản, bạn chỉ cần truy cập vào biểu tượng Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu > Kiểu máy. Thông thường, những chiếc iPhone có xuất xứ từ thị trường Mỹ thường có dãy ký tự Kiểu máy kết thúc bằng hai ký tự LL.
Bảo hành: Đối với các sản phẩm của Apple, bạn nên lưu ý rằng thông tin bảo hành của máy sẽ tiết lộ cho bạn khá nhiều thông tin về tình trạng, xuất xứ của thiết bị. Chính vì thế, đừng bao giờ quên kiểm tra bước này trước khi quyết định mua một chiếc iPhone nào, dù mới hay cũ. Trên chiếc iPhone bạn truy cập Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu > Số Sê-ri. Sau khi có số Sê-ri của máy, bạn truy cập vào địa chỉ: https://selfsolve.apple.com/agreementWarrantyDynamic, rồi nhập số Sê-ri của thiết bị vào form nhập liệu để kiểm tra. Với những máy còn bảo hành, bạn có thể lấy thời hạn bảo hành trừ đi 1 năm để biết thời gian kích hoạt ban đầu của máy (2 năm đối với máy có mua gói gia hạn bảo hành AppleCare+).
Ngoài ra, bạn còn kiểm tra được liệu chiếc iPhone của bạn có xuất xứ từ hàng ăn cắp, hàng không bảo hành, hoặc hàng lỗi sản xuất bị tuồn ra thị trường. Nếu chiếc iPhone của bạn thuộc loại hàng này, kết quả trả về sẽ là một dòng thông tin với nội dung: “We’re sorry, but this is a serial number for a product that has been replaced. Please check your information and re-enter your serial number”. Tức có thể số Sê-ri của chiếc iPhone này đã bị thay thế hoặc hủy bỏ vì một lý do nào đó.
Thử nghiệm cảm quang: Một vấn đề với iPhone là cảm quang, bạn có thể kiểm tra xem cảm quang còn tốt hay không bằng cách thực hiện một cuộc gọi, sau đó đưa tay vào vùng cảm quang. Nếu màn hình tắt chứng tỏ cảm quang vẫn còn tốt tương tự như khi bạn đưa lên tai để nghe điện.
Điểm chết trên iPhone: Thử nghiệm bằng cách tắt máy sau đó mở máy lại, trên màn hình khởi động của iPhone chỉ có logo quả táo còn xung quanh là màn hình tối. Nếu máy có điểm chết, bạn có thể dễ dàng phát hiện khi nhìn thấy những điểm xanh lá cây, điểm đỏ, điểm tím... Hoặc bạn cũng có thể mở chức năng camera, sau đó lấy tay gí sát vào camera, màn hình sẽ chỉ có một màu tối duy nhất và bạn có thể phát hiện điểm chết.
Cảm ứng: Mở menu chính và chọn, giữ nguyên biểu tượng (icon) sau đó di chuyển ngón tay khắp màn hình. Nếu trong quá trình di chuyển mà icon này bị tuột ra thì chứng tỏ đã có một số chỗ bị liệt trên màn hình cảm ứng.
Ghi âm: Mở chức năng ghi âm, sau đó thổi vào, nếu kim ghi âm dao động thì chứng tỏ chức năng ghi âm vẫn còn tốt.
Các vấn đề khác
Cần lưu ý máy iPhone cũ dễ bị bụi bám, nút Home và nút Power (nguồn điện) của iPhone thường bị liệt và không được nhạy. Nên bạn thử nhấn vài lần để xem độ nhạy của nút.
Cũng có nhiều người mới làm quen sẽ không phân biệt được một chiếc iPhone là 3G hay 3GS vì chúng khá giống nhau. Với vài thao tác đơn giản ta có thể phân biệt đâu là iPhone 3G hay 3GS.
Phía vỏ sau phần chữ của 3G là sơn nổi. Trong khi với 3GS được xi giống như logo quả táo.
Tại menu chính ta có thể nhận thấy 3GS có la bàn kỹ thuật số, 3G không có.
Chức năng chụp hình của 3G không lấy nét theo điểm. Nhưng 3GS thì có thể chụp hình và lấy nét theo điểm.
N. MINH (tổng hợp)