Nâng cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương.

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương.

Kiem-tra-xang-dau-120130.jpg

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh thanh tra về đo lường xăng dầu - Ảnh: M.NGUYỆT

BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG CÒN HẠN CHẾ

Công tác tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở Phú Yên hiện chưa đủ mạnh. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện phương châm “khách hàng là thượng đế” với những hoạt động thiết thực như chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, bảo hành sản phẩm thì cũng còn nhiều hiện tượng tiêu cực như làm hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng, quảng cáo gây nhầm lẫn, gian dối, từ chối bảo hành, thoái thác trách nhiệm đối với hàng hóa và dịch vụ của mình. Không ít NTD chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; được cung cấp các thông tin trung thực, được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường; quyền đòi bồi thường thiệt hại, khởi kiện; trách nhiệm tự bảo vệ mình, phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hiệu hàng hóa, giá cả và các hành vi lừa dối khác. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn ở các vùng sâu, vùng xa, nơi NTD có rất ít cơ hội tiếp cận với việc tìm hiểu và thực thi quyền và trách nhiệm của mình.

Hiện hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD đang có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh, quy định chi tiết những vấn đề liên quan tới hàng hóa, dịch vụ trong từng lĩnh vực. Có thể khẳng định rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ NTD không ít, vấn đề là các địa phương, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD cùng sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí, sự lên tiếng của dư luận xã hội và ý thức của NTD được nâng cao. Trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn bị hạn chế, nhiều quy định chưa thật cụ thể, rõ ràng là kẽ hở để không ít doanh nghiệp lợi dụng lách luật, từ chối giải quyết quyền lợi cho NTD, khiến công tác giải quyết khiếu nại gặp nhiều khó khăn.

Sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là một yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm đảm bảo quyền lợi của NTD, đồng thời góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và sự phát triển của đất nước, đảm bảo sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Thực tiễn cho thấy, hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ NTD hiện thiếu chuyên nghiệp, mang tính tự phát, hiệu quả chưa cao. Do đó cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Cụ thể là các Sở KH-CN, Công thương, Y tế, NN-PTNT… phối hợp hoạt động, tránh sự chồng chéo, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho NTD.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NTD, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu của mình với những biện pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước những hành vi gian lận thương mại. Nhà nước cũng cần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới.

Các đơn vị kinh doanh phải có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng, bảo đảm tính hợp pháp của hàng hóa bán ra; không nâng, ép giá; không lừa dối khách hàng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, sai quy cách lẫn với hàng đã đăng ký; không quảng cáo dối trá; khuyến mại bất hợp pháp... Các giao dịch mua bán hàng hóa giữa các bên cần thực hiện trên cơ sở hợp đồng; hợp đồng mua bán hàng hóa được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Sản phẩm đưa vào giao dịch, mua, bán phải thể hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

NTD cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thông qua việc lập các hợp đồng mua bán giữa người mua và người bán (hóa đơn, chứng từ, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa).

Vai trò hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương cần được nâng cao, đặc biệt là kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho đến kinh nghiệm xử lý vụ việc cụ thể. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời, quyền lợi NTD được bảo vệ. Tuy nhiên, để luật này phát huy hiệu quả, các ngành chức năng, doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin và tích cực phát hiện các vi phạm, báo cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương xử lý kịp thời. Các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tiếp nhận những thông tin phản ánh từ phía người tiêu dùng, phối hợp tổ chức kiểm tra và xử lý.

   

TRẦN VĂN NHO

Chánh thanh tra Sở KH-CN Phú Yên

Từ khóa:

Ý kiến của bạn