Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày càng xuất hiện nhiều giá trị cực đoan của thời tiết, mưa rất to trên diện rộng có cường độ lớn kết hợp với yếu tố địa hình, điều kiện tự nhiên không thuận lợi và có nhiều biến đổi dẫn đến trận lũ lịch sử đầu tháng 11/2009 tại Phú Yên. Đó là những nguyên nhân được các diễn giả đưa ra tại diễn đàn hội thảo khoa học: “Biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Yên: tình hình, tác động và ứng phó”, vừa được UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 30/6 vừa qua.
![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học về Biến đổi khí hậu tại Phú Yên - Ảnh: N.T
|
TÁC ĐỘNG CỦA ĐỊA HÌNH, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Tại hội thảo “Biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Yên: tình hình, tác động và ứng phó”, với sự có mặt của nhiều nhà khoa học về môi trường của Việt Nam, đã dành thời gian phân tích đưa ra ý kiến lý giải về nguyên nhân xảy ra trận lũ lịch sử năm 2009 tại Phú Yên. Khi nêu về những yếu tố chi phối đến khí tượng, thủy văn thường gây ra lũ lụt của Phú Yên, các chuyên gia của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đều lưu ý đến đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên của Phú Yên. Theo kĩ sư Võ Anh Kiệt (Đài Khí tương Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ), khu vực miền Trung nói chung, Phú Yên nói riêng có mùa mưa trùng với thời kỳ hoạt động của gió mùa mùa đông nên tổ hợp giữa bão, áp thấp nhiệt đới, hội tụ nhiệt đới với không khí lạnh tăng cường là nguyên nhân chính gây ra nhiều đợt mưa lũ lớn trong tỉnh. Bên cạnh đó, Phú Yên có địa hình 3 mặt giáp núi, phía tây là rìa đông của dãy Trường Sơn. Ở giữa sườn đông của dãy Trường Sơn có một dãy núi thấp đâm ngang ra biển tạo nên cao nguyên Vân Hòa là ranh giới chia 2 đồng bằng do sông Ba và sông Kỳ Lộ bồi đắp. Phú Yên còn có nhiều đèo dốc và tất cả các loại địa hình như đồng bằng, đồi núi, cao nguyên, thung lũng xen kẽ nhau thấp dần từ tây sang đông. Đây là những điều kiện tự nhiên chi phối đến điều kiện khí hậu thủy văn của Phú Yên.
Cùng quan điểm đó, thượng tá Nguyễn Văn Thảo, Trưởng ban Cứu hộ, cứu nạn Quân khu 5 đưa ra nhận xét: “Trong nội địa Phú Yên có nhiều núi với độ cao 300- 600m tạo ra nhiều đèo, dốc, thung lũng nhỏ; còn có nhiều sông ngắn khác như sông Cầu, sông Kỳ Lộ… có độ dốc khá lớn. Nếu nhìn tổng thể, Phú Yên như là một thung lũng của Nam Trung Bộ. Chính vì vậy, khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở nam biển Đông hoặc đổ bộ vào miền Trung cho dù Phú Yên nằm rìa bão cũng bị mưa, lũ. Không chỉ có mưa tại địa bàn gây lũ mà mưa lớn ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, tây nam Bình Định thì Phú Yên cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Mặt khác, đất đai thổ nhưỡng Phú Yên chủ yếu núi đá, khô cằn, đồi trọc, thảm thực vật mỏng (chưa đề cập đến rừng bị phá), với đặc điểm này khi mưa xuống đất không giữ được nước, cho nên tạo lũ rất nhanh”.
MƯA RẤT TO TRÊN DIỆN RỘNG VỚI CƯỜNG ĐỘ LỚN
Khi nhận định nguyên nhân trực tiếp gây lũ lớn trên địa bàn các huyện thị phía bắc tỉnh cuối năm vừa qua, ông Văn Phú Chính, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN- PTNT) trình bày: Do ảnh hưởng bão số 11 (có tên quốc tế là Mirinae) kết hợp với không khí lạnh, tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai đã có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100 – 300mm, riêng tại Vân Canh (Bình Định) là 842 mm. Qua phân tích số liệu thống kê của các cơ quan khí tượng thủy văn, tổng lượng mưa trong 2 ngày 2 và 3/11 tại trạm Vân Canh (Bình Định) cho thấy lượng mưa đều lớn gấp 1,5 – 2 lần các trận mưa đã xảy ra trước đây. Cường độ mưa dao động từ 30- 40mm/g duy trì liên tục từ 10- 20 giờ, cường độ mưa tại Vân Canh là 77mm/g nên gây lũ trên diện rộng; đặc biệt các sông Hà Thanh (Bình Định) tại Diêu Trì đạt 7,17m cao nhất trong 40 năm qua; sông Kỳ Lộ (Phú Yên) tại Hà Bằng đạt 13,47m (cao hơn đỉnh lũ lịch sử 12,47m vào tháng 11/1988 là 1m) và cao hơn mức báo động 3 là 3,97m.
Với đặc điểm địa hình tự nhiên nêu trên, mặc dù cơn bão số 11 gây mưa trên địa bàn tỉnh Phú Yên từ đêm ngày 2 đến rạng sáng ngày 3/11, lượng mưa phổ biến từ 50- 90 mm, nhưng mưa rất to tại An Khê (Gia Lai) là 408mm và Vân Canh (Bình Định) là 842mm đã tạo lũ quét trên các sông Kỳ Lộ (Đồng Xuân), sông Cầu (TX Sông Cầu) gây nên trận lũ lụt lịch sử ở các huyện, thị phía bắc tỉnh.
Đối với sông Ba, đỉnh lũ tại
BIẾN ĐỔI ĐỊA HÌNH, SUY YẾU NĂNG LỰC GIỮ NƯỚC
Theo ông Văn Phú Chính, thay đổi địa hình đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy và khả năng tiêu thoát lũ ở hạ du cũng là nguyên nhân gây lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Việc xây dựng các tuyến giao thông cắt ngang đường thoát lũ như QL 1 A, đường sắt
Tham luận “Công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Phú Yên trong thời gian qua và định hướng cho thời gian đến” của Sở NN- PTNT Phú Yên giới thiệu tại hội thảo có nêu vai trò phòng hộ của rừng, qua đó lý giải năng lực giữ nước của rừng trong trận lũ trên địa bàn huyện Đồng Xuân vừa qua. Sở NN- PTNT phân tích: Diện tích lưu vực sông Kỳ Lộ 195.000 ha, trong đó thuộc địa phận Phú Yên có 155.690 ha gồm 42.442 ha đất có rừng, 51.791 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp và 61.455 ha đất khác. Như vậy, độ che phủ rừng lưu vực sông Kỳ Lộ trên địa bàn tỉnh chỉ có 21,8% (16,3% rừng tự nhiên, 5,5% rừng trồng). Vận dụng tài liệu “Chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn” của Bộ NN- PTNT để đánh giá, thì khả năng giữ nước của rừng thuộc lưu vực sông Kỳ Lộ chỉ được 35,7% so với tổng lượng nước mưa. Trong trận lũ tháng 11/2009, lưu vực sông Kỳ Lộ có lượng nước khoảng 1.642 triệu m3, thì lượng nước được rừng giữ lại là 586 triệu m3, số còn lại chảy tràn hơn 1.055,7 triệu m3. Tại huyện Đồng Xuân có 2 dự án trồng rừng của Công ty TNHH Bình Nam và Công ty cổ phần Trường Thành Xanh, trong 2 năm qua đã phát dọn thực bì để trồng rừng trên diện tích 2.166 ha nhưng thực tế chưa thành rừng đã làm giảm chức năng giữ nước tại đây từ 35,7% xuống còn 21,9%, ngược lại “góp phần” đưa nước chảy tràn ở khu vực đã phát dọn thực bì đó lên 12,65 triệu m3 nước.
![]() |
Hiện trường xóm Trường xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) khi trận lũ lịch sử đi qua - Ảnh: N.T
|
Sau khi xảy ra trận lũ lịch sử, có không ít ý kiến cho rằng có nguyên nhân của phá rừng mà cụ thể là việc phát thực bì “cạo trọc rừng” của các dự án trồng rừng. Nhưng theo lý giải của Sở NN- PTNT nêu trên thì ở khu vực các dự án trồng rừng này, lượng nước chảy tràn chỉ chiếm 1,2% tổng lượng nước của toàn lưu vực, nghĩa là không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình gây lũ lụt đặc biệt đó. Rất tiếc tham luận này không được Ban tổ chức sắp xếp cho đơn vị chủ quản trình bày tại hội thảo nên không nhận được ý kiến phản biện của các nhà khoa học.
NGUYÊN NHÂN SÂU XA: TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Tuy nhiên, khi phân tích các khía cạnh khác ở tầm “vĩ mô” dẫn đến cơn lũ lịch sử năm vừa qua tại Phú Yên, các nhà khoa học đều đề cập nhiều đến tác động của BĐKH, xem đây là nguyên nhân sâu xa, bao trùm của các nguyên nhân. GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng: BĐKH hiện nay tiêu biểu là sự nóng lên toàn cầu đi cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan, các thiên tai như mưa lớn, bão, lũ lụt, lũ quét, nắng nóng, hạn hán, tố lốc xảy ra nhiều hơn, mạnh hơn dị thường hơn. Hiện tượng El Nino xảy ra nhiều hơn, kéo dài hơn và mạnh hơn. Ngập lụt, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Trận lũ tháng 11/2009 tại Phú Yên là minh chứng của sự biến đổi dị thường của thời tiết. Cùng quan điểm đó, PGS. TS Nguyễn Văn Thắng (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) đưa ra những dẫn chứng về thay đổi nhiệt độ và lượng mưa 50 năm qua ở các vùng khí hậu của nước ta, cho biết khu vực Nam Trung Bộ có nhiệt độ tăng trung bình 0,30C/năm và có lượng mưa tăng mạnh nhất so với các vùng khác trong cả nước, khoảng 20% và tập trung nhiều vào mùa mưa. KS Võ Anh Kiệt (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ) đưa ra những số liệu cụ thể dẫn chứng về gia tăng số lượng và cường độ mưa lũ tại Phú Yên trong 3 năm gần đây và kết luận: “Sự biến động bất thường về quy luật hoạt động của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, sự gia tăng cường độ bão, lũ, hạn hán trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, đặc biệt đợt lũ lịch sử tháng 11/2009 là những biểu hiện khá rõ nét về sự tác động của BĐKH đối với Phú Yên”.
NGUYÊN TRƯỜNG