Trồng hoa cúc, hoa hồng công nghệ cao

Trồng hoa cúc, hoa hồng công nghệ cao

Hàng năm các nhà vườn tại Phú Yên bỏ hàng trăm triệu đồng để mua giống cúc từ các nơi như Ninh Hoà (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) với giá thành cao, chất lượng cây xuống thấp do quá trình vận chuyển, thiếu chủ động và đôi khi không phù hợp với vùng sinh thái...

Hàng năm các nhà vườn tại Phú Yên bỏ hàng trăm triệu đồng để mua giống cúc từ các nơi như Ninh Hoà (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) với giá thành cao, chất lượng cây xuống thấp do quá trình vận chuyển, thiếu chủ động và đôi khi không phù hợp với vùng sinh thái... Với mục tiêu là tuyển chọn và sản xuất một số giống cúc phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương sạch bệnh, năng suất cao, thời gian qua Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên đã tiến hành thu thập 21 giống cúc (vụ đông xuân), 3 giống (vụ hè thu) và đã thành công trong việc trồng thử nghiệm, nhân giống.

TRỒNG HOA THEO KINH NGHIỆM

Ông Võ Yên, người trồng hoa ở phường 9 (TP Tuy Hoà) cho biết: “Cái khó nhất  của nghề trồng hoa hiện nay là chọn giống, kỹ thuật và đầu ra. Lâu nay, việc chọn giống hồng vẫn theo kiểu chờ cây mẹ đẻ ra cây con chứ không có giống khác. Hễ hồng nở sớm hoặc muộn là bỏ chứ chúng tôi chưa biết phải làm thế nào cho hoa nở đúng thời điểm. Bà con nhờ vào kinh nghiệm là chủ yếu, việc áp dụng  khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế”.

060708-hoa-hong1.jpg

Hoa hồng trồng theo công nghệ sinh học trong nhà lưới - Ảnh: D.Nguyễn

Nhiều người trồng hoa ở Phú Yên còn băn khoăn nhiều về giống hoa, chẳng hạn: giống hoa hồng ở Đà Lạt cánh dày, xoắn lại nhưng khi mang về Phú Yên trồng thì cho ra hoa cánh mỏng, nhọn và nhỏ, còn giống hoa địa phương trồng qua nhiều năm, nhiều đời không còn chất lượng. Bên cạnh đó, các chứng bệnh như phấn trắng, nấm, đốm nâu và vỉ sắt lại thường xuyên xuất hiện. Ông Bùi Văn Hóa, người trồng hoa ở phường 9 (TP Tuy Hòa) bức xúc: “Nghề trồng hoa về lâu dài cần phải đưa khoa học kỹ thuật vào chứ không thể tự “bơi” như lâu nay được. Quy trình kỹ thuật trồng và kinh nghiệm cần phối hợp nhau để nghề trồng hoa đem lại kết quả tốt là mong mỏi bấy lâu nay của chúng tôi”.

Ông Phan Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa cho rằng: “Nghề trồng hoa hiện có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa rất nhiều. Việc chuyển trồng lúa sang hoa để xuất đi nước ngoài nhiều tỉnh đã thực hiện. Phú Yên thời tiết khắc nghiệt hơn, mua giống ở các tỉnh ngoài thường bị nhiễm bệnh, kỹ thuật giâm bị đứt rễ nhiều. Ngoài các bệnh thông thường, nhiễm nấm và vi rút là các chứng mà địa phương chưa có đủ điều kiện để giúp bà con. Nhu cầu hoa bán ra ở chợ hiện rất lớn nhưng chúng ta không đủ cung cấp, phần lớn hoa được nhập về từ các tỉnh ngoài”.

ĐÃ CÓ CÔNG NGHỆ CAO

Tháng 10 – 2005, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên xây dựng mô hình nhân giống và trồng hoa cúc, hoa hồng. Giai đoạn cây sau nuôi cấy mô để tạo cây đầu dòng đến giai đoạn giâm hom cung cấp cây giống... đã nhân giống thành công tại phòng nuôi cấy mô của đơn vị và trồng khảo nghiệm tại trạm thực nghiệm sinh học Hòa Quang (Phú Hòa). Hiện tại quy trình đã hoàn thiện và có khả năng cung cấp giống đại trà. Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy tỷ lệ sống cao, mô hình trồng ngoài trời đạt 85 -92%, trong nhà lưới 92 – 98%, riêng đối với các giống sản xuất tại vườn cho tỷ lệ sống cao hơn so với các giống nhập từ Hà Nội. Trồng trong nhà lưới cây phát triển tốt, cao 15 -18% cm; ngoài trời cây phát triển kém hơn, cao từ 10 -14 cm.

Bà Nguyễn Thị Diễm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (ƯD&CGCN) Phú Yên, chủ nhiệm dự án cho biết: “Dự án đã sưu tập được tập đoàn giống từ nhiều nguồn tương đối đa dạng, phong phú. Nhìn chung tất cả đều thích nghi và phù hợp với điều kiện sinh thái vụ đông xuân. Kết quả trồng khảo nghiệm ban đầu đã cung cấp một số thông tin về màu sắc hoa, đặc điểm hoa, chất lượng hoa. Việc nhân giống ngoài vườn ươm bằng phương pháp giâm hom, bước đầu xác định được giá thể giâm, nồng độ thuốc kích thích giâm và khoảng thời gian xuất vườn để trồng ngoài đồng ruộng. Hiện tại đơn vị đã có khả năng cung cấp giống phục vụ sản xuất”.

Ông Lê Văn Tâm ở xã Bình Ngọc phấn khởi: “Có nơi cung cấp giống chất lượng, sạch bệnh như thế là rất cần thiết, giúp chúng tôi có được một niềm tin trong việc chọn giống cây trồng. Song, việc cung cấp cây giống đúng thời gian, đúng số lượng và chất lượng sẽ tạo uy tín không chỉ những người trồng hoa ở trong tỉnh mà cả tỉnh ngoài”. Hiện đã có nhiều người trồng hoa ở Bình Ngọc, Bình Kiến và phường 9 (TP Tuy Hòa) đăng ký giống do Trung tâm ƯD&CGCN Phú Yên sản xuất để trồng.

CHUYỂN GIAO CÔNG NGH TRỒNG HOA TRONG NHÀ LƯỚI

Xây dựng mô hình nhân giống và trồng hoa cúc, hoa hồng tại Phú Yên nhằm thúc đẩy phát triển nghề trồng hoa và cây cảnh ở địa phương theo hướng chuyên canh, kỹ thuật cao tạo ra sản phẩm có chất lượng và mang tính hàng hoá phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tiếp tục phát triển công nghệ tế bào thực vật phục vụ cho sản xuất. Bà Nguyễn Thị Diễm cho biết: “Sau tuyển chọn và sản xuất một số giống hoa cúc, hoa hồng mới phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, sạch bệnh, năng suất cao, phẩm chất tốt, dự án sẽ chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống, sản xuất hoa theo hướng áp dụng công nghệ cao cho địa phương; xây dựng mô hình trồng hoa chuyên canh có chất lượng cao, tạo sản phẩm hàng hoá, cung ứng thị trường nội tỉnh và trong nước”.

Trồng hoa trong nhà mái che tuy thời gian đầu phải đầu tư vốn lớn nhưng trong quá trình trồng và chăm sóc cây tốn ít công, phân bón ít hao hụt và sâu bệnh giảm rất nhiều, vì thế đem lại kết quả thu hoạch và hiệu quả kinh tế khá cao, gấp từ 1,53 đến 1,85 lần so với trồng ngoài tự nhiên. Trồng ngoài tự nhiên do không khống chế được thời tiết nên khi gặp điều kiện bất thuận, sâu bệnh hại phát triển nhanh, làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển và làm giảm giá trị thương phẩm của cây hoa. Lượng phân bón trong nhà mái che sẽ được cây hấp thụ tối đa, còn trồng ngoài tự nhiên do mưa nắng thất thường lượng phân tuy  bón nhiều nhưng cây hấp thu không đáng kể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, cây phát triển không cân đối, không đồng đều. Trồng hoa trong nhà mái che tỷ lệ cây sống cao hơn, cây phát triển đồng đều, dễ chăm sóc và cho kết quả cao.

Sau khi nghe giới thiệu mô hình trồng hoa cúc, hoa hồng công nghệ cao, nhiều nông dân tỏ ra háo hức và đã đăng ký tham gia trồng khảo nghiệm. Tuy nhiên, theo nhiều người trồng hoa, việc trồng hoa trong nhà lưới có kết quả nhưng phải đầu tư cao là trở ngại lớn nhất. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hoa hiện còn bấp bênh nên cần có hiệp hội đứng ra làm đầu mối để hoa trở thành sản phẩm hàng hóa. Bà Diễm cho biết: “Trung tâm sẽ xem xét diện tích, năng lực ở một số hộ đăng ký để chuyển giao công nghệ trồng hoa trong năm nay”.

MINH NGUYỆT

Từ khóa:

Ý kiến của bạn