Hội đồng Khoa học - Công nghệ (KHCN) tỉnh Phú Yên vừa cho triển khai đề tài Nghiên cứu thực trạng, giải pháp xây dựng tiềm lực KHCN phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Phú Yên đến năm 2020, do Sở KHCN thực hiện. Mục tiêu của đề tài là điều tra diện rộng tiềm lực KHCN tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, một số doanh nghiệp có nghiên cứu, ứng dụng KHCN..., qua đó đề xuất phương hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng, phát triển tiềm lực KHCN của tỉnh Phú Yên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nuôi cấy mô thực vật ở Trường Đại học Phú Yên- Ảnh: MINH NGUYỆT |
YÊU CẦU CẤP BÁCH
Ông Huỳnh Duy Hiếu, Phó Giám đốc Sở KHCN Phú Yên, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Hiện nay, việc sử dụng và phát triển tiềm lực KHCN của tỉnh Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung còn nhiều bất cập”. Phú Yên và một số tỉnh, thành phố khác đã nghiên cứu, đưa ra các cơ chế đào tạo, thu hút nguồn nhân lực (cán bộ KHCN có trình độ). Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu đánh giá hiện trạng về tiềm lực, đội ngũ cán bộ KHCN, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà. Thạc sĩ Trần Văn Nhân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng: “Đây là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với Phú Yên. Nếu tỉnh không nắm rõ thực trạng nguồn nhân lực trí tuệ hiện có, sẽ không có giải pháp đúng cho phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển trong thời kỳ tới. Hiện tỉnh chưa nắm rõ, chưa nắm chắc về thực trạng này nên chưa mạnh dạn có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong thời kỳ tới”. Thạc sĩ Trần Văn Chương, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Yên nói: “Việc tăng cường, phát huy tiềm lực KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với giá cả hợp lý là yêu cầu hết sức cấp bách trong phát triển sản xuất nói riêng và đời sống kinh tế hiện nay”.
Theo các thành viên của Hội đồng KHCN, Phú Yên muốn phát triển thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Cần xác định rõ thực trạng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở Phú Yên hiện nay. Nếu đề tài này nghiên cứu, có cơ sở khoa học để xác định được thế mạnh của các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với Phú Yên như chế biến khoáng sản, công nghệ hóa dầu, chế biến nông lâm thủy sản, du lịch, thương mại… có vị trí quan trọng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có định hướng đầu tư phát triển hiệu quả thì đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, quan trọng của tỉnh.
TÌM GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng KHCN Phú Yên Lê Kim Anh nói: “Muốn công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì phải xuất phát từ tiềm lực KHCN. Tiềm lực KHCN tác động đến tiềm năng để trở thành đề tài, dự án và từ đây mới có sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường. Triển khai đề tài này nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại từ hiện trạng tiềm lực KHCN của tỉnh làm căn cứ đề xuất những định hướng và giải pháp xây dựng, phát triển trong thời gian đến”.
Để sử dụng và phát triển tiềm lực KHCN có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Điều này cần có sự nỗ lực chung của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tham mưu của những người làm công tác quản lý KHCN, của đội ngũ cán bộ khoa học. Đối với các nguồn lực khác như chất lượng hoạt động, các cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động KHCN của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cần phải thống kê, đánh giá phân loại để nắm được tiềm năng vật chất - kỹ thuật.
Việc kiểm kê, phân loại và đánh giá các nguồn nhân lực KHCN của tỉnh cần được làm ngay. Theo những người thực hiện đề tài, đây không phải là cuộc điều tra, kiểm kê vật chất bình thường mà là điều tra, kiểm kê, phân loại và đánh giá một nguồn vốn trí tuệ quan trọng của tỉnh. Trên cơ sở đó có những quy hoạch, kế hoạch, chính sách củng cố, xây dựng, sử dụng và phát triển nâng cao đội ngũ; đồng thời qua đó nhận biết được tình trạng thiếu, đủ nhân lực KHCN ở từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế-xã hội, từng địa phương, cơ sở, có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung và hoàn thiện từng bước nguồn nhân lực cho KHCN tỉnh dần dần đủ sức đáp ứng được yêu cầu, thách thức của các nhiệm vụ KHCN. Đối với nguồn lực khác: Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và tiếp tục mở mang hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật - xã hội cho các hoạt động KHCN. Và để thực hiện, trước hết cũng phải kiểm kê đánh giá lại các cơ sở đã có. Đây là một tiềm năng vật chất - kỹ thuật và xã hội quan trọng của KHCN.
Để đề ra chính sách thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ các cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng như định hướng nâng cao tiềm lực KHCN của tỉnh trong thời gian tới, điều cần làm trước tiên là phải điều tra, đánh giá thực trạng về tiềm lực KHCN.
MINH CHÂU