Dịch lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc hiện đã lây lan ra 36 tỉnh thành trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị về các biện pháp cấp bách phòng chống nhằm bao vây, khống chế và dập tắt các ổ dịch đang lây lan tại nhiều địa phương. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan rất mạnh đối với động vật móng guốc, chủ yếu gây bệnh cho heo, trâu, bò, dê, cừu. Báo Phú Yên xin giúp bạn đọc một số thông tin cần biết về bệnh dịch này.
![]() |
Mới đầu, bệnh gây nhiều mụn nước ở lợi và lưỡi |
Năm nay dịch LMLM đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân do mầm bệnh đã tồn tại sẵn trong môi trường. Những con gia súc đã bị nhiễm virus, được điều trị khỏi và tiếp tục nuôi chính là "kho" virus gieo rắc mầm bệnh ra bên ngoài. Khi con vật mang virus được vận chuyển đi nơi khác, đặc biệt để làm giống thì dễ dàng tạo ra những ổ dịch. Thông thường, khi con giống đã có mầm bệnh cộng với việc thay đổi khí hậu, quá trình vận chuyển gây ra những stress, tiếp xúc với gia súc chưa được tiêm phòng sẽ làm phát sinh những ổ dịch. Bệnh dịch cũng có tính chu kỳ, 3- 5 năm lại có đợt dịch bùng phát do mầm bệnh có sẵn.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ LÂY LAN CỦA DỊCH LMLM
Bệnh LMLM do 7 tuýp virus là A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3 và ASIA1 gây ra. Hiện nay đại đa số gia súc trong nước bị dịch virus thuộc chủng type O, ngoài ra, có nơi còn xuất hiện cùng một lúc nhiều chủng như type A và O, hoặc A, O và ASIA1. Đặc điểm của virus này là có khả năng lây lan cực kỳ nhanh. Virus có thể tồn tại hơn 1 năm ở chuồng nuôi gia súc bị mắc bệnh, 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn gia súc, hơn 1 tháng ở lông. Ngay cả gia súc khỏi bệnh song vẫn mang trùng tới 4 tháng đối với dê, 9 tháng đối với cừu, 4 tuần đối với lợn, còn trâu bò là 3-5 năm. Cơ chế lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, huyết thanh và do ăn hoặc hít phải phân của gia súc mắc bệnh. Từ chỗ thâm nhập, virus tăng sinh ở vùng hầu họng và từ đó nhiễm vào máu.
Bệnh làm gia sức mất sức cày kéo, giảm sản lượng thịt, sản lượng sữa, gây sẩy thai. Tỷ lệ gia súc non mắc bệnh chết lên tới 50-60%.
Người chăn nuôi có thể dễ dàng nhâïn biết bệnh LMLM. Triệu chứng của gia súc bị bệnh là sốt cao (400C), ủ rũ, kém ăn, tiết nước bọt nhiều, nước bọt thành sợi dài, mụn nước phát triển ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi, đầu vú, đặc biệt ở các kẽ móng và bờ móng. Mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt và tự vỡ trong vòng 24 giờ, tạo nên các vết loét ở miệng, con vật chảy nhiều nước bọt, lúc đầu trong sau đục tạo thành sợi. Từ đó con vật ăn ít hoặc bỏ ăn do viêm miệng. Trường hợp mụn nước ở kẽ móng chân vỡ ra, vi khuẩn xâm nhập làm đau chân, đi lại khó khăn. Nếu trường hợp bị nặng, móng chân có thể bị long ra, con vật không đi lại được, buộc phải loại thải. Trường hợp mụn nước ở lỗ đầu vú gây viêm vú. Đối với con vật đang cho chửa có thể bị mất hẳn sữa. Thời gian ủ bệnh thường từ 2-5 ngày và nếu là bệnh ác tính, đến ngày thứ 5-6 con vật sẽ yếu, khó thở và chết.
CÁCH PHÒNG TRỪ BỆNH LMLM
Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tốc độ lây lan rất lớn, được thế giới xếp vào những bệnh gây đại dịch (list A). Do tốc độ lây lan nhanh nên các biện pháp phòng chống phải mạnh mẽ.
Khi có gia súc mắc bệnh phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y, không được giết mổ hoặc bán chạy gia súc ốm. Tiêu hủy lợn, dê, cừu mắc bệnh. Đối với những vùng có dịch cũ phải tiêm phòng vaccin cho gia súc hàng năm. Cách ly triệt để gia súc mắc bệnh cho đến khi chúng khỏi hẳn. Hàng ngày cần phải tiến hành tiêu độc chuồng nuôi, chất thải của gia súc mắc bệnh, dụng cụ chăn nuôi bằng nước vôi đặc 10-20%, vôi bột hoặc xút 2%, formol 2%, crezin 5%...
Nếu bệnh xảy ra trên miệng thì dùng chất sát trùng nhẹ như thuốc tím 0,1% hoặc nước quả chua như chanh, khế, bưởi... bóp lấy nước xoa vào niêm mạc miệng. Cần cho ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Bệnh xảy ra ở móng thì nên rửa sạch, sau đó dùng các loại thuốc kháng sinh mỡ, cồn i-ốt, các loại thuốc nam (lá bàng, là phèn đen, than xoan, lá trầu không...) để chống nhiễm trùng kích thích lên da non, chống ruồi muỗi.
Bệnh xảy ra ở vú cần tiến hành vắt cạn sữa thường xuyên, sát trùng mụn loét. Nếu trường hợp con vật bị nặng, dùng kháng sinh như Penixilin, Streptormyxin... để tiêm.
Ngày 8-5, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (Hà Nội) cho biết đã chế tạo thành công dung dịch Anolit (ozon dương) để chữa bệnh lở mồm long móng cho gia súc. Dung dịch Anolit bao gồm nhiều chất ôxy hóa mạnh, trong đó chủ yếu là axít hypochlorous và chất ôxy hóa gốc clo điều chế từ muối ăn. Dung dịch này được dùng để cho gia súc uống và lau rửa vết thương ở miệng, móng chân theo những tỷ lệ khác nhau. Qua thử nghiệm trên đàn bò nhiễm bệnh với liều lượng 2 lít/10 con, chỉ khoảng 15 phút sau khi sử dụng thuốc, bò trở lại ăn uống bình thường, ngày hôm sau có thể theo đàn. Điều đáng nói là dung dịch này giá rất rẻ, chỉ 70 đồng/lít. Từ kết quả đó, Bộ Y tế đã phân phối máy sản xuất dung dịch Anolit công suất 120 lít/giờ cho một số tỉnh, thành để sản xuất thuốc chữa trị cho đàn gia súc.
Một phương pháp điều trị LMLM khác là sử dụng dung dịch hoạt hóa điện hóa (HHĐH). Để chữa LMLM bằng dung dịch HHĐH, đầu tiên phải cho trâu bò ra khỏi nền chuồng bẩn. Rửa móng chân trâu bò bằng dung dịch HHĐH pha loãng theo công thức (một lít dung dịch HHĐH + 9 lít nước sạch). Dung dịch HHĐH ở công đoạn này là catholyte.
Sau đó dùng dung dịch đặc hơn (1 lít HHĐH + 4 lít nước sạch) để rửa mõm, răng và lợi trâu bò bằng cách dùng vòi phun. Mỗi ngày rửa hai lần, mỗi lần cách nhau 6 tiếng. Lần đầu dùng catholyte và lần hai dùng anolyte. Sau hai công đoạn trên, cho trâu bò ăn lá khoai trộn củ mỳ (sắn) được rửa bằng dung dịch HHĐH.
Các công trình nghiên cứu gần đây nhất của Viện Công nghệ Môi trường phối hợp với Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT chứng tỏ tác dụng to lớn của dung dịch HHĐH vừa rẻ vừa an toàn và không độc hại.
CON NGƯỜI CÓ BỊ GÌ KHÔNG NẾU LỠ ĂN PHẢI THỊT GFIA SÚC NHIỄM BỆNH?
Trả lời câu hỏi trên, TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh - phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: LMLM ở gia súc chỉ gây bệnh cho người khi con người tiếp xúc trực tiếp với gia súc mắc bệnh và cũng gây tổn thương cho con người như long móng tay, tổn thương nơi tiếp xúc. Nếu không chữa mà cứ để nhiễm trùng với những vi khuẩn gây bệnh khác, người bệnh sẽ bị suy giảm miễn dịch và kéo theo nhiều bệnh cơ hội nhiễm trùng khác.
Cũng như các loại virus khác, virus trong gia súc bị LMLM sẽ chết ở nhiệt độ cao. Do đó, nếu ăn phải thịt gia súc bị LMLM thì chỉ sợ bị ngộ độc thức ăn. Vì vậy, nên theo dõi cơ thể, nếu có triệu chứng ngộ độc thức ăn thì phải đến các cơ quan y tế để làm các biện pháp tẩy rửa dạ dày và giải độc.
KHÁNH UYÊN