Thứ Tư, 05/02/2025 13:40 CH
Bà đỡ cho những sản phẩm xanh
Thứ Ba, 28/01/2025 08:00 SA

Với mong muốn cùng học sinh nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm hữu ích, có lợi cho sức khỏe, cô Hoàng Trần Thùy Chi, giáo viên dạy hóa học, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu thành công các dự án và cho ra đời những sản phẩm xanh từ dược liệu địa phương. Cô Thùy Chi trở thành bà đỡ chắp cánh cho nhiều ý tưởng sáng tạo của học sinh dân tộc thiểu số.

 

Cô Hoàng Trần Thùy Chi cùng học trò chiết tinh dầu vào chai sau khi chưng cất. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Bào chế dầu gội đầu chứa tinh chất lá, vỏ cam đắng và các thảo dược; chiết xuất tinh dầu trong lá cây cam đắng trồng tại huyện Sơn Hòa là những dự án cô Thùy Chi đã giúp học sinh nghiên cứu tạo ra sản phẩm thực tế.

 

HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG, HƯỚNG DẪN NGHIÊN CỨU

 

Người dân ở nhiều vùng quê, trong đó có huyện miền núi Sơn Hòa, khi có triệu chứng nghẹt mũi do cảm lạnh, họ hái lá cam đắng đem đun sôi để xông, giúp bớt mệt mỏi, khỏe lại mà không phải dùng thuốc tây.

 

Từ thực tế đó, cô Thùy Chi hình thành ý tưởng giúp học sinh trong CLB Khoa học thực nghiệm của trường nghiên cứu, chiết xuất tinh dầu trong lá cam đắng. Qua nghiên cứu và thực nghiệm, cô trò đã chiết thành công tinh dầu lá cam đắng bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Lượng tinh dầu thu được khoảng 0,45% so với khối lượng lá ban đầu (cứ 1,1kg lá chiết tối đa 5ml tinh dầu).

 

Sản phẩm chiết xuất tinh dầu được Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công nhận, trong đó có một số hợp chất quan trọng chiếm tỉ lệ cao, như: Linalood (30,63%), Linalyl axetat (33%), B-ocimene (0,8%)... có tác dụng hỗ trợ an thần, giảm mệt mỏi và có thể đuổi muỗi.

 

“Sản phẩm này giúp hai học sinh Hoàng Phương Anh và So Thị Trúc, lớp 12A của trường đạt giải ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Phú Yên, năm học 2022-2023”, cô Thùy Chi cho biết.

 

Cô Thùy Chi cũng xây dựng ý tưởng, giúp học sinh nghiên cứu và bào chế thành công sản phẩm dầu gội đầu từ tinh dầu các thảo dược như: cam đắng, cỏ mần trầu, hương nhu, lá sả, trầu không, bồ kết, sâm bố chính… Qua hơn 3 tháng, nhóm nghiên cứu gửi mẫu phân tích đến Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và được công nhận sản phẩm dầu gội đầu thảo dược đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6972-2001.

 

Phát huy tinh thần học tập sáng tạo, các thành viên trong CLB Khoa học thực nghiệm Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, dưới sự hướng dẫn của cô Chi đã nghiên cứu làm xà phòng rửa tay, nước rửa chén từ nguyên liệu tự nhiên và sản phẩm tái chế. “Sản phẩm xà phòng và nước rửa chén do các học sinh làm ra tẩy sạch vết bẩn không mùi, nhiều bọt… Sản phẩm này còn góp phần bảo vệ môi trường”, cô Chi chia sẻ thêm.

 

Cô Hoàng Trần Thùy Chi cùng học trò chuẩn bị lá cây thảo dược để bào chế dầu gội đầu. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ KHỞI NGHIỆP

 

Những sản phẩm dầu gội, xà phòng, tinh dầu đã được các học sinh trong CLB Khoa học thực nghiệm của trường sản xuất, bước đầu được người dùng là phụ huynh, học sinh, giáo viên chấp nhận và phản hồi tích cực.

 

Chị Nguyễn Thị Hồng ở phường 5 (TP Tuy Hòa), một khách hàng dùng dầu gội thảo dược của các em Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ: “Trước đây tôi dùng các sản phẩm dầu gội sản xuất công nghiệp thì tóc bị khô, rụng và gàu nhiều vì không hợp. Khi tôi chuyển qua dùng sản phẩm dầu gội đầu thảo dược do học sinh làm ra, tôi cảm thấy sạch gàu, tóc mượt và không bị rụng”.

 

Những buổi không học ở trường, các em học sinh trong CLB Khoa học thực nghiệm tranh thủ bào chế sản phẩm dầu gội đầu, chiết xuất tinh dầu, xà phòng để bán.

 

“Các sản phẩm chúng em đều làm thủ công nên chưa nhiều, chưa bán rộng rãi trên thị trường. Những người dùng sản phẩm của chúng em đều thích và đặt hàng. Hy vọng đây là cơ hội để chúng em khởi nghiệp thành công trong tương lai”, So Thị Trúc - một thành viên trong nhóm nghiên cứu nói.

 

Theo cô Thùy Chi, sắp tới nhóm sẽ đầu tư hệ thống máy móc để chiết xuất tinh dầu trong lá cam đắng và lên kế hoạch sản xuất sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. Khi có thiết bị, nhóm sẽ không mất nhiều thời gian như khi làm thủ công, số lượng và chất lượng sản phẩm cũng sẽ nâng lên, doanh thu tăng, giúp các em có thu nhập để trang trải cho việc học tập, cuộc sống.

 

Thầy Trần Duy Ngọc, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng phát triển năng lực và kỹ năng cho học sinh, do đó việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn bằng cách làm các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống là rất cần thiết và quan trọng. Sản phẩm của học sinh làm ra không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm mà đi vào thực tiễn, được người tiêu dùng đón nhận, bước đầu mang lại doanh thu để các em tái đầu tư sản xuất.

 

Các sản phẩm chúng em đều làm thủ công nên chưa nhiều, chưa bán rộng rãi trên thị trường. Những người dùng sản phẩm của chúng em đều thích và đặt hàng. Hy vọng đây là cơ hội để chúng em khởi nghiệp thành công trong tương lai.

 

Em So Thị Trúc, thành viên nhóm nghiên cứu

 

TRUNG HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek