Mới đây, Hội đồng KH&CN cấp tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa tại tỉnh Phú Yên”. Việc nghiệm thu của đề tài sẽ góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, chuyển đổi cây trồng hợp lý, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Đề tài này do Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam chủ trì; TS Lâm Văn Hà làm chủ nhiệm.
Tuyển chọn nhiều giống sen quý
Theo TS Lâm Văn Hà, Phú Yên có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Vì thế, trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã quyết định chuyển đổi các vùng lúa nơi trũng thấp kém hiệu quả sang trồng sen, khai thác các mặt nước đầm lầy hoang hóa trở thành những ruộng sen, đồng thời đưa nghề trồng sen lên một vị trí mới, đem lại thu nhập cao cho người dân. Những năm gần đây, giá trị của cây sen đã được đánh giá cao cả trong du lịch văn hóa và ẩm thực, vì thế người dân Phú Yên đã mở rộng diện tích trồng sen các vùng ruộng trũng ở các địa phương Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa…
Để tăng hiệu quả kinh tế từ cây sen, phát triển tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị cây sen của Phú Yên, từ tháng 3/2021 đến nay, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hiện trạng canh tác sen tại tỉnh như: Diện tích canh tác sen, hiện trạng các chủng loại sen, quy trình canh tác (chăm sóc, bón phân và phòng trừ dịch hại); quy trình thu hoạch và sơ chế, bảo quản; thu thập và tuyển chọn 4 giống sen phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Phú Yên; hoàn thiện quy trình canh tác sen theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng và bền vững; xây dựng các mô hình canh tác sen theo hướng hàng hóa tại Phú Yên; nghiên cứu chế biến một số sản phẩm độc đáo từ sen Phú Yên để tăng giá trị thương mại hàng hóa của sản phẩm từ sen; tập huấn và chuyển giao các quy trình canh tác cũng như chế biến sen cho cán bộ địa phương cùng các HTX, nông hộ và doanh nghiệp ở huyện Tây Hòa và TX Đông Hòa.
“Chúng tôi đã ứng dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa tỉnh Phú Yên, từ đó tuyển chọn được một số giống sen phù hợp với điều kiện sinh thái vùng, cũng như hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến cây sen theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm phục vụ chuyển đổi cây trồng trên một số vùng đất lúa kém hiệu quả tại Phú Yên… Qua đó vừa lưu giữ, vừa chọn lọc nguồn gen quý, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, biến cây sen trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo thu nhập cho nông dân”, TS Lâm Văn Hà nói.
Nhóm nghiên cứu đang kiểm tra gương sen để chế biến rượu sen. Ảnh: LỆ VĂN |
Phát triển cây sen trở thành sản phẩm hàng hóa
Theo TS Lâm Văn Hà, qua nghiên cứu và thực hiện đề tài, cũng như xây dựng quy trình canh tác cây sen lấy hoa và lấy hạt theo hướng hàng hóa tại Phú Yên, nhóm nghiên cứu nhận thấy, mô hình canh tác sen chuyên hạt theo hướng hàng hóa đạt 4,03 tấn/ha/vụ, lãi ròng hơn 54 triệu đồng/ha/vụ. Với mô hình canh tác sen chuyên hoa giống sen Bách Diệp trắng đạt 97.931 hoa/ha/vụ, hiệu quả kinh tế lãi ròng hơn 112 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, người dân còn có thể điều chế rượu sen từ gương và hạt sen…
Đánh giá về đề tài của nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa Nông Lâm nghiệp (Trường đại học Tây Nguyên) nhận xét: “Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng nhóm nghiên cứu đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đề ra, báo cáo cơ bản đạt yêu cầu, mang tính khoa học. Đề tài thực hiện đầy đủ các nội dung, cung cấp sản phẩm đầy đủ theo thuyết minh phê duyệt và hợp đồng thực hiện đề tài KH&CN. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài góp phần nâng cao giá trị của cây sen trên địa bàn tỉnh, tạo ra các sản phẩm từ cây sen có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa từ cây sen phục vụ cho tiêu dùng và du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Các mô hình canh tác sen và các lớp tập huấn chuyển giao quy trình canh tác sen có ý nghĩa lớn trong việc giúp địa phương có cơ sở để thực hiện chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang các loài cây có giá trị kinh tế cao khác tại địa phương và khu vực khác”.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng kết quả của đề tài đã tuyển chọn được một số giống sen phù hợp với điều kiện sinh thái vùng, từ đó hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến cây sen theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm phục vụ chuyển đổi cây trồng trên một số vùng đất lúa kém hiệu quả tại Phú Yên.
Theo ông Lê Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, để đưa cây sen trở thành sản phẩm hàng hóa, trong thời gian đến cần phổ biến quy trình canh tác sen hồng cao sản chuyên hạt, sen Bách Diệp trắng chuyên hoa và điều chế rượu sen từ gương và hạt sen rộng rãi cho người dân địa phương. Song song đó tiếp tục nghiên cứu quy trình canh tác cây sen hồng gương xanh Đồng Tháp chuyên hạt và sen Bách Diệp hồng tại địa phương để phát triển đa dạng nguồn giống sen cho địa phương; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất rượu sen trên quy mô công nghiệp ứng dụng chuyển giao cho các doanh nghiệp của địa phương; đa dạng hơn nữa các loại sản phẩm từ sen và sản phẩm OCOP từ sen cho địa phương.
Để đưa cây sen trở thành sản phẩm hàng hóa tại Phú Yên, trong thời gian đến cần phổ biến các quy trình canh tác sen cho người dân; tiếp tục nghiên cứu và đa dạng hơn nữa các sản phẩm từ sen và sản phẩm OCOP từ sen cho địa phương. Địa phương cần quan tâm xây dựng chính sách về phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, chế biến sản phẩm từ cây sen...
Ông Lê Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam |
VĂN TÀI