Từ ngày 13-15/5, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây theo Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (Đề án 1816).
Một ca nội soi đại tràng gây mê và cắt polyp trong đợt đầu tiên chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp. Ảnh: YÊN LAN |
Trong đợt đầu tiên chuyển giao kỹ thuật này, các chuyên gia, bác sĩ 2 bệnh viện thực hiện 20 ca nội tiêu hóa gây mê, trong đó có một số ca can thiệp cắt polyp.
Kỹ thuật nội soi tiêu hóa gây mê được sử dụng để khám, chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản, tá tràng) và đường tiêu hóa dưới (đại tràng, trực tràng). Qua thiết bị nội soi, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường, bệnh lý ở đường tiêu hóa và có phương pháp can thiệp.
Theo Th.S-BS Trần Hiếu, Phụ trách Khoa Nội soi (cơ sở 2) Bệnh viện Trung ương Huế, với phương pháp nội soi tiêu hóa gây mê, người bệnh không phải trải qua cảm giác khó chịu, đau đớn, buồn nôn, nôn, nhu động ruột bị kích thích... như phương pháp nội soi thông thường. Bệnh nhân nằm yên trong khi bác sĩ súc rửa đường tiêu hóa, quan sát được tổn thương ở những vị trí mà nếu không gây mê thì sẽ rất khó quan sát vì đại tràng co thắt, và thực hiện được những kỹ thuật khó.
ThS-BSCKII Nguyễn Thị Minh Triều, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho hay trước đây, sau khi nội soi (không gây mê) và phát hiện có polyp hoặc những bất thường khác trong đường tiêu hóa, bệnh nhân phải đến tỉnh, thành khác (thường là TP Hồ Chí Minh) để được can thiệp, điều trị. Việc Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp theo Đề án 1816 rất có ý nghĩa. Khi các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận và triển khai kỹ thuật này, người bệnh được hưởng lợi vì không phải đi xa, tốn kém tiền bạc, thời gian.
YÊN LAN