Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là việc tất yếu để tồn tại và phát triển. Trong đó, xây dựng trường học thông minh và chuyển đổi số giáo dục là rất cấp thiết.
Để làm rõ vai trò của chuyển đổi số (CĐS) trong nhà trường và giáo dục, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung vừa phối hợp với Làng học sinh sinh viên sáng tạo quốc gia (Bộ KH&CN), Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (PIEV), Hội Sáng chế Việt Nam (VIA), Công ty CP Công nghệ Metalink và các đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức hội thảo quốc tế “Xây dựng trường học thông minh và CĐS trong giáo dục đào tạo”.
Yêu cầu cấp thiết
CĐS trong giáo dục là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thông tin internet để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Việc này bao gồm cải tiến phương pháp giảng dạy, cải tiến các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập, nâng cao trải nghiệm của học sinh, sinh viên và người tham gia đào tạo. CĐS cũng giúp thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra môi trường học tập rộng lớn, đồng thời tăng cường sự tương tác của mọi người.
Theo ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên cao cấp của Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), CĐS trong giáo dục hiện nay là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu chính của đề án này đến năm 2025 là đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. 50% học sinh, mỗi sinh viên và nhà giáo có đủ điều kiện tiếp cận giáo dục trực tuyến có hiệu quả.
Về môi trường giáo dục trực tuyến, hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh, sinh viên sử dụng; hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.
Đề án cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục. 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số…
Theo ông Nguyễn Thành Quang, Giám đốc điều hành Công ty CP Tiên Phong CDS, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ, việc lãnh đạo các trường học phải thay đổi tư duy, nhận thức về CĐS sẽ quyết định sự phát triển ngay trong hiện tại và tương lai rất gần. Không thực hiện CĐS đồng nghĩa với sự tụt hậu nhanh chóng.
Hình thành tư duy và văn hóa chuyển đổi số
Những năm gần đây, quá trình CĐS trong giáo dục và các trường học, nhất là các trường đại học, cao đẳng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng. Các hoạt động về quản trị trong nhà trường cũng như phương thức tuyển sinh, đào tạo đều được thực hiện bằng các giải pháp từ CĐS, số hóa.
Một vài ví dụ về CĐS trong giáo dục và nhà trường như: E-learning - học trực tuyến (các trường học và tổ chức giáo dục cung cấp các khóa học trực tuyến thông qua nền tảng và công cụ kỹ thuật số, cho phép học viên học tập mọi lúc, mọi nơi); giáo trình điện tử (thay thế sách giáo khoa truyền thống bằng giáo trình điện tử, hỗ trợ trên các thiết bị di động); phần mềm quản lý học tập (LMS - Learning Management System); công cụ hợp tác trực tuyến (các ứng dụng như Google Classroom, Microsoft Teams, Zoom...) để giáo viên và học viên tương tác, học tập cùng nhau một cách linh hoạt và hiệu quả.
Trường cao đẳng Công Thương miền Trung là một trong những điển hình về cơ sở giáo dục đẩy mạnh áp dụng hiệu quả công cuộc CĐS. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2020 đến nay, trường đã triển khai hiệu quả việc dạy và học trên môi trường trực tuyến thông qua các công cụ hỗ trợ như: Phần mềm Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, kết hợp với các công cụ tích cực hóa người học: Mentimeter, Kahoot, Quizizz…
Trong đào tạo, nhà trường cũng đã áp dụng hơn 50% môn học, nội dung lý thuyết phù hợp trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, trường còn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, hệ thống mạng, thư viện và học liệu số để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Hiện nhà trường có 29.000 đầu tài liệu điện tử các loại và gần 300 bài giảng, giáo trình dạng file điện tử.
“Trường cao đẳng Công Thương miền Trung là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tự xây dựng và triển khai học phần “Kỹ năng số” đưa vào giảng dạy từ năm học 2023-2024, qua đó giúp các em có khả năng bắt nhịp, hòa nhập tốt hơn với thị trường lao động trong và ngoài nước về tư duy, năng lực, khả năng thực hành kỹ năng số.
Trước xu thế bùng nổ của AI, từ năm 2023, nhà trường triển khai cho viên chức, giảng viên tiếp cận ChatGPT, tham gia các khóa đào tạo về AI. Hiện nay, nhiều viên chức, giảng viên của trường sử dụng AI trong công việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, TS Quyên cho biết.
Theo TS Dương Văn Thịnh, Giám đốc Cemtes International (Singapore), CĐS không đơn thuần là số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ mà quan trọng là thay đổi nhận thức, tư duy của lãnh đạo, đồng thời hình thành một đội ngũ có năng lực và kỹ năng số…
“Lãnh đạo cần phải có tư duy, văn hóa CĐS. Lãnh đạo, người đứng đầu là tác nhân chính, rào cản lớn đối với hiệu quả kỹ thuật số là văn hóa. Để tránh thất bại trong CĐS, các lãnh đạo cấp cao phải học cách tạo ra nền văn hóa kỹ thuật số mạnh mẽ tập trung vào con người và công nghệ”, TS Thịnh nói.
Có thể nói, tầm quan trọng và lợi ích của CĐS trong giáo dục và trường học thông minh là vô cùng lớn; đồng thời là xu hướng, yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, công cuộc CĐS nói chung và CĐS trong giáo dục, nhà trường nói riêng hiện nay cũng gặp một số rào cản, thách thức, như: thiếu hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực số có tư duy và kỹ năng, tư duy truyền thống không muốn thay đổi…
Theo Kế hoạch CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa tỉnh Phú Yên, mục tiêu đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học; quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục.
Đến năm 2030, hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số, hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia. Giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô; 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến. |
TRẦN QUỚI