Thời gian qua, các trường đại học đã có nhiều đổi mới trong nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, yếu tố hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp càng được chú trọng nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng thị thường lao động.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả trao học bổng để Trường đại học Xây dựng Miền Trung hỗ trợ, động viên kịp thời sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: NHƯ THANH |
Đối tác tin cậy
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng, cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên. Nắm bắt xu thế ấy, Trường đại học Xây dựng Miền Trung xác định hợp tác với doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của nhà trường.
TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Quá trình hợp tác bao gồm nhiều hoạt động đa dạng như tham quan thực tế, nhận sinh viên thực tập, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi chuyên môn, liên kết trong nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, sự hợp tác còn mở rộng đến việc đào tạo theo địa chỉ, hợp đồng cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên. Nhà trường đang là đối tác tin cậy với các tập đoàn, công ty lớn trong nước như: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty CP Vinaconex 25…”.
Nếu như trước kia, doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu cuối của quá trình đào tạo thì nay họ tham gia từ đầu. Ngay từ khi sinh viên mới nhập học, doanh nghiệp đã có những suất học bổng dành cho thủ khoa, học bổng tài năng... để hỗ trợ sinh viên. Đây đang là xu thế của nhiều doanh nghiệp lớn.
Điển hình như tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, trong thời gian từ 2023-2028, Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ hỗ trợ học bổng trị giá 1,5 tỉ đồng để kịp thời động viên, giúp đỡ các sinh viên có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập. Hay như tại Trường đại học Phú Yên, trong năm học 2023-2024, nhà trường nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng giá trị gần 150 triệu đồng.
Nhấn mạnh về vai trò hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, TS Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên cho biết: Chúng tôi luôn xây dựng một cơ chế hợp tác phù hợp với sự tham gia của nhiều bên để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thực chiến và giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp, tổ chức. Có như vậy, sinh viên mới hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết, bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động.
Tham gia vào quá trình đào tạo
Đến nay, Trường đại học Xây dựng Miền Trung và Tập đoàn Đèo Cả đã có trên 10 năm hợp tác đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Các cố vấn và đội ngũ trợ lý của Tập đoàn Đèo Cả thường xuyên trao đổi, làm việc cùng nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; đồng thời rút ngắn quy trình đào tạo bằng lý thuyết, dành nhiều thời gian cho thực hành.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong quá trình hợp tác, tập đoàn cử cán bộ có trình độ chuyên môn tham gia các chương trình đào tạo để kéo thực tiễn và lý thuyết đến gần nhau; phối hợp cùng nhà trường tổ chức cho giảng viên, sinh viên tham quan mô hình quản trị, tham gia vào các hoạt động thực tiễn của tập đoàn theo chương trình cụ thể. Đồng thời, tập đoàn tuyển chọn nhân sự trong hệ thống hiện là các tổ trưởng, đội trưởng thi công trên các công trường, dự án có gắn bó để đào tạo bài bản tại trường.
Theo TS Trần Thanh Long, với mô hình đào tạo ngược theo hướng thực hành - lý thuyết - thực hành đang được triển khai tại trường thì việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội là rất cần thiết. Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên thời gian qua hợp tác với nhiều ngân hàng để tạo môi trường kiến tập cho sinh viên ngay từ năm nhất. Sinh viên được tham gia làm công tác hỗ trợ tại các ngân hàng với các vị trí công việc đơn giản như: Giao dịch viên, tư vấn sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ tín dụng… Đây được xem là phương thức đào tạo sát với thực tế, giúp các em định hình được công việc sau khi ra trường, và cũng là dịp để thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng.
Quá trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp bao gồm nhiều hoạt động đa dạng như tham quan thực tế, nhận sinh viên thực tập, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, liên kết trong nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, sự hợp tác còn mở rộng đến việc đào tạo theo địa chỉ, hợp đồng cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên.
TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung |
NHƯ THANH