Kể từ khi triển khai, chương trình OCOP đã thực sự khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương thông qua việc phát huy giá trị của các sản phẩm nông sản, dược liệu..., đóng góp đáng kể vào việc nâng cao đời sống người dân. Trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP có đóng góp không nhỏ của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Sản phẩm OCOP và vai trò của KH&CN
Ở Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP thực chất là giải pháp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh của các địa phương. Đó là những sản phẩm tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Tại Phú Yên, chương trình OCOP được xem là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, đề án OCOP giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu chính là: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Phú Yên.
Đến nay, sau hơn 4 năm, chương trình OCOP được thực hiện một cách chủ động, đảm bảo đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 71 chủ thể, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao.
Để xúc tiến thương mại, kết nối giữa các chủ thể trực tiếp với người tiêu dùng trong tình hình mới, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống.
Trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh luôn có sự đóng góp không nhỏ của ngành KH&CN, góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP. Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng tốt KH&CN mà một số sản phẩm tiềm năng đã được đánh thức và trở thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo cơ sở hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và địa phương.
Đơn cử như Công ty TNHH Cà phê Huy Tùng đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống rang cà phê công nghệ cao; HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HACCP; Công ty TNHH Thiên Phú áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cấy thành công các loại đông trùng hạ thảo và cho ra sản phẩm có giá trị sinh học cao...
Doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng KH&CN để đầu tư máy móc sản xuất lá bàng thành chén, dĩa. Ảnh: LỆ VĂN |
Giải pháp trong thời gian tới
Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người nông dân từ sản xuất thuần túy (sản xuất nông nghiệp) sang tư duy kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhận diện thương hiệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, để khắc phục các hạn chế, nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm OCOP, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: Nâng cao năng lực tiếp nhận và chuyển giao KH&CN, trong đó cần xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó chú trọng đầu tư phát triển năng lực KH&CN của các tổ chức hỗ trợ (tổ chức trung gian môi giới chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ) cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Song song đó, trong hoạt động đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo cần xây dựng các chương trình KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm OCOP, huy động và phát huy tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao phục vụ phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời xây dựng chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm OCOP; tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tiếp cận để tiếp nhận và chuyển giao KH&CN, tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định các tiêu chí sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mặt khác cần phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP, các HTX, các chủ thể cần liên kết tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.
Các chủ thể sở hữu cùng loại sản phẩm có thể góp vốn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất, tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là phải ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất; hình thành điểm kết nối công nghệ và sàn giao dịch công nghệ; kết nối kịp thời giữa trường đại học, cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp, tổ chức KH&CN; tổ chức các hoạt động tư vấn, đánh giá, lựa chọn, liên kết, hợp tác ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững cho tỉnh, khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.
Đến nay, sau hơn 4 năm, chương trình OCOP được thực hiện một cách chủ động, đảm bảo đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 71 chủ thể, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao. |
ThS NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Sở NN&PTNT