Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hiện nay, Phú Yên đang tích cực đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Nhiều kết quả bước đầu
Đến nay, Sở KH&CN Phú Yên đã thành lập 11 hội đồng tư vấn KH&CN, thẩm định công nghệ 11 dự án đầu tư, lấy ý kiến chuyên gia công nghệ 2 dự án đầu tư và cho ý kiến về công nghệ 166 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 2/3 các dự án đầu tư, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, dăm gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản...
Hầu hết các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn trong nước như: Chăn nuôi heo, bò chuồng kín lạnh với quy trình nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra của các tập đoàn C.P, Mavin, Japfa Comfeed, GreenFeed, TH... Các dự án ứng dụng công nghệ cao IoT (iFarming) trong quy trình công nghệ chăn nuôi gà sạch công nghệ cao; ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường trong sản xuất dăm gỗ và gỗ ván thanh… phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ứng dụng KH&CN để chế biến rượu sen. Ảnh: LỆ VĂN |
Thực hiện đề án nêu trên, đến nay, Phú Yên đã đầu tư phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, với tốc độ tăng trưởng ổn định, giá trị gia tăng bình quân đạt gần 4%/năm, đóng góp gần 24% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; đồng thời thu hút 548 doanh nghiệp, 42 dự án trong nước và nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp với hơn 7.000 tỉ đồng. Đặc biệt, trong trồng trọt, ngành đã chú trọng xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, liên kết trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 40.000 tấn/năm; chuyển đổi 3.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; tăng cường ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình thí điểm hiệu quả như: ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trong quá trình sản xuất cây lúa; trồng cây ăn trái chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: Bơ, bưởi, sầu riêng, mãng cầu... ở các huyện miền núi đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được công nhận, điển hình như: Mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc; mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Công ty Vinacafe Sơn Thành; mô hình ương nuôi tôm giống Green House của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc; mô hình quản lý rừng đạt chứng chỉ FSC được Hội đồng quản lý rừng toàn cầu chứng nhận…
Khó khăn, thách thức và giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành Nông nghiệp Phú Yên chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nông nghiệp đầy đủ, chưa có hệ thống quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp đến quy mô ô thửa với các đối tượng cây trồng đặc trưng, thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, để góp phần chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp giải quyết bài toán về năng suất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng thì việc CĐS trong nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới là một yêu cầu cấp thiết.
Cán bộ Viện Thổ nhưỡng nông hóa lấy mẫu đất xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất nông nghiệp tỉnh Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN |
CĐS trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. CĐS trong nông nghiệp thể hiện qua các ứng dụng ở 4 nhóm hoạt động chính, bao gồm: Giám sát, điều khiển, dự báo và hậu cần. Đồng thời, CĐS giúp ngành Nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây, từ đó người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp, nhờ đó giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước, đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học.
Để CĐS trong nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới cần thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, xây dựng bản đồ số vùng trồng các cây trồng chính để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến; phát triển ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển hạ tầng internet vạn vật để phân tích, hỗ trợ giai đoạn sinh trưởng của cây trồng như: Cảm biến vi khí hậu, giám sát độ ẩm, điều tiết và tiết kiệm lượng nước tưới, thiết lập hệ thống dữ liệu và bản đồ số về diện tích, chủng loại và sản lượng các cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ.
Mặt khác, các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CĐS sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp.
CĐS trong nông nghiệp tỉnh Phú Yên sẽ giúp cho việc quản lý, điều hành ngành Nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào điều hành, quản lý sẽ giúp việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, CĐS giúp tăng hiệu quả điều hành, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao; giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung, cầu, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, từ đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn…
Qua số liệu điều tra, khảo sát của Sở KH&CN, các doanh nghiệp Phú Yên đa phần nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên trình độ công nghệ sản xuất chỉ đạt ở mức trung bình. |
LÊ THỊ THU THỦY
(Sở KH&CN)