Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam tự hào đã sáng tạo và xây đắp nên một nền văn hóa đặc sắc. Một trong những nét tiêu biểu ấy là truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Dấu ấn “tôn sư trọng đạo” trong văn hóa, ứng xử
Theo các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học, từ thầy thuộc về lớp từ Hán cổ đã có mặt trong tiếng Việt từ trước thời Tam quốc, sau này có thêm từ sư cùng biểu thị sự tôn kính người thầy.
Việc “tôn sư trọng đạo” thể hiện bằng thái độ tôn quý người thầy, là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Sách Kinh Lễ nêu rõ, kính trọng thầy là nguyên tắc cơ bản của Nho giáo. Trong thiên “Học ký” (những lý luận cơ bản của việc dạy và học trong các trường học ngày xưa) có câu: “Tôn sư nhiên hậu đạo trọng” (nghĩa là: Tôn trọng thầy thì đạo được trọng). Đạo là những gì thầy truyền dạy, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, là mục đích con người luôn phấn đấu, gìn giữ… “Tôn sư trọng đạo” là phải tôn kính thầy để thực hành đạo lý, đạo nghĩa của con người.
Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt in dấu ấn trong văn hóa dân gian. Vai trò, vị trí của người thầy luôn được tôn vinh trong ca dao, tục ngữ: Không thầy đố mày nên; Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy… Hay những thành ngữ, tục ngữ ngợi ca sự học: Người không học như ngọc không mài; Muốn hành nghề chớ nề học hỏi; Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học; Một kho vàng không bằng một nang chữ… Hẳn nhiên, vô sư, vô sách thì chẳng thể nên người. Logic kéo theo, dù con học thóc vay chăng nữa, có bậc sinh thành nào mà chẳng cố. Vì sao phải cố, là vì: Chẳng cày lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ? Chẳng học mà hay, chẳng cày mà có chẳng phải là điều cực kỳ vô lý sao. Chỉ có học mới thoát khỏi tối tăm, nghèo đói. Há chẳng phải Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng đó sao. Mà đâu chỉ dừng lại ở đó, học còn là để làm người, để thành nhân: Bất học vô thuật (không học không biết xử sự); Bất học diện tường (không học như đứng trước tường); Nhân bất học bất tri lý (người không học không biết lý lẽ)…
Ý thức về tầm quan trọng của người thầy, dân gian quan niệm: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy; có thờ thầy mới được làm thầy. Kẻ không biết kính trọng thầy thì mang tiếng ngàn đời. Câu thành ngữ lừa thầy phản bạn là để mắng những kẻ vong ân bội nghĩa, kẻ nào phạm phải điều này đố mà dám ngẩng mặt lên.
Và ngược lại, người thầy cũng phải ý thức phẩm chất của mình, là tấm gương sáng cho học trò nhìn vào đó noi theo. Bởi vì bản thân một chữ thầy từ thuở xa xưa đã hàm sẵn sắc thái tôn xưng, trọng vọng.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Lần giở những trang sách xưa, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm làm đèn để đọc sách; hình ảnh những người vợ, người mẹ tảo tần sớm hôm lo cho chồng, cho con nấu sử sôi kinh hay những lớp học xưa với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học. Nhờ công lao dạy dỗ, rèn luyện nghiêm cẩn và sự chỉ bảo tận tình của người thầy, học trò mới thành danh. Người thầy được tôn vinh bởi không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất.
Đến nay đã có biết bao người thầy đáng kính được lưu danh muôn đời. Đó là người thầy “vạn thế sư biểu” Chu Văn An - người dạy học cho thái tử, cũng là trung thần đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch. Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, một nhà thơ lớn một lòng yêu nước thương dân. Đó là các bậc thầy cao quý như Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Lân... Mỗi thầy mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả đều rất yêu nghề và hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Mỗi người thầy có một phương pháp khác nhau, biểu hiện sự quan tâm, yêu thương một cách khác nhau nhưng tựu trung đều mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò.
Có thể nói, người thầy là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam, trong việc đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng chắc chắn không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi lẽ, dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người định hướng tri thức để học trò ham khám phá, tìm tòi; khơi lên ước mơ, hoài bão; gieo vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp; thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai.
Hiện nay, ở đâu đó có lúc ta nghe những chuyện không hay trong ngành Giáo dục. Nhưng chắc chắn đó chỉ là một chấm đen vấy bẩn sự trong sáng, tận tâm của những người cầm phấn. Bởi vẫn còn đó hình ảnh những người thầy, người cô dành cả thanh xuân để gắn bó, dạy dỗ học sinh vùng cao. Vẫn còn đó những cô giáo dùng tiền lương của mình mua áo ấm tặng cho học trò bớt lạnh, những người thầy sẵn sàng quên mình để cứu học trò giữa dòng nước lũ…
Nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) từng có phát biểu sâu sắc về nghề giáo: “Mặt trời mọc, mặt trời tắt. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết. Nhưng ánh sáng người thầy không bao giờ tắt”. Nhận trách nhiệm cao quý mà xã hội giao cho, mỗi nhà giáo càng phải ý thức được sứ mệnh lớn lao của mình để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, bồi đắp, hoàn thiện bản thân, xứng đáng với danh hiệu nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Dù ở thời đại nào, “tôn sư trọng đạo” vẫn là một truyền thống quý giá cần được giữ gìn và phát huy. Mong rằng, truyền thống cao quý ấy không chỉ là chuyện trong nhà trường mà còn là đạo lý và lễ nghĩa của toàn xã hội, là dòng chảy xuyên suốt mọi thế hệ. |
CAO VĨ NHÁNH