Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch 75 của UBND tỉnh về tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, gắn với ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả sinh kế cho người dân.
Nhiều kết quả tích cực
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực đưa ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào ứng dụng 20 kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án cấp tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, về giống cây trồng, vật nuôi. Ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông lâm thủy sản bình quân 3 năm (2021-2023) đạt 2,86%/năm, đồng thời phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 3,5-4%/năm và đóng góp khoảng 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cán bộ Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiến hành lấy mẫu đất ở huyện Tuy An để xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: LỆ VĂN |
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục thực hiện các đề tài KH-CN đến năm 2025; đồng thời nhân rộng các đề tài, dự án KH-CN có kết quả tốt và xây dựng các mô hình khuyến nông lâm ngư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phòng trừ sâu bệnh hại, công nghệ chế biến, bảo quản.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở NN&PTNT tiếp nhận và hoàn thiện, chuyển giao nhiều quy trình công nghệ được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Sản xuất thử nghiệm mô hình trồng lan Mokara phù hợp với điều kiện Phú Yên; nhân giống cây xạ đen bằng phương pháp nuôi cấy mô; công nghệ trồng cây cà chua bi trên giá thể; nhân giống và sản xuất các loại nấm hương, mối đen… góp phần tăng thu nhập cho người dân”.
Tiếp tục ứng dụng KH-CN vào sản xuất
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thời gian đến để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên cần hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng CNH-HĐH. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, Phú Yên cũng cần có quy hoạch và định hướng để hình thành một chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận cho từng giai đoạn phát triển, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và lợi thế của tỉnh.
Người dân xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) tham quan mô hình trồng sen ứng dụng KH-CN cao. Ảnh: LỆ VĂN |
Theo bà Đặng Thị Thủy, để tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH gắn với ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng giá trị kinh tế - xã hội, thời gian tới ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN theo Chương trình hành động 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 75 của UBND tỉnh. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao KH-CN và nhân rộng các mô hình, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng; tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu nhân giống và sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, áp dụng thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại cây trồng, vật nuôi.
“Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH&CN, các viện, trường đại học trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước để xây dựng các đề tài, dự án, mô hình mới, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu thị trường và thực tế của địa phương, cũng như định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh”, bà Đặng Thị Thủy cho hay.
Thời gian đến, Phú Yên cần tập trung đầu tư nguồn lực cho sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cần giúp người nông dân tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy |
VĂN TÀI