Thứ Năm, 19/09/2024 23:48 CH
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu cộng đồng ở Sông Cầu
Thứ Hai, 02/10/2023 16:00 CH

Người dân chế biến nước mắm ở Gành Đỏ. Ảnh: LỆ VĂN

TX Sông Cầu hiện có 4 nhãn hiệu cộng đồng (NHCĐ) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, gồm: Nhãn hiệu chứng nhận Muối Tuyết Diêm, nhãn hiệu tập thể Rượu Quán Đế, chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Tôm hùm bông Phú Yên, nhãn hiệu tập thể Nước mắm Gành Đỏ. Việc tạo được thương hiệu đã giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như tăng thu nhập cho người dân…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng và phát triển các NHCĐ trên địa bàn TX Sông Cầu còn gặp không ít khó khăn.

 

Nhiều khó khăn

 

Tháng 1/2016, Muối Tuyết Diêm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Trên cơ sở này, UBND TX Sông Cầu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Muối Tuyết Diêm cho HTX Muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình). Từ khi có nhãn hiệu, việc phát triển nghề muối ở đây được thực hiện theo hướng hàng hóa, chú trọng áp dụng KH-CN vào sản xuất, tập trung tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường.

 

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Muối Tuyết Diêm vẫn còn nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất muối chưa đồng bộ, quy mô nhỏ… “Sản lượng muối thường xuyên thấp do thiên tai, trong khi đó, giá muối thường xuyên biến động theo năng suất thu hoạch theo kiểu “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển ngành muối nói chung và nhãn hiệu chứng nhận Muối Tuyết Diêm nói riêng”, ông Nguyễn Tiến Duy, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm nói.

 

Tương tự, Rượu Quán Đế bước đầu có sự phát triển khi được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Song đến nay, việc sử dụng và phát triển nhãn hiệu này còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, nguyên nhân chính do rượu là sản phẩm kinh doanh có điều kiện nên chỉ những cơ sở đủ điều kiện kinh doanh mới được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Rượu Quán Đế. Trong khi đó, đa phần các hộ kinh doanh ở đây đều sản xuất nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng các quy định như đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm đã khiến cho việc phát triển nhãn hiệu Rượu Quán Đế thời gian qua chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện chỉ mới có 2 sản phẩm của 2/113 thành viên được dán nhãn hiệu tập thể, với sản lượng bình quân khoảng 5.000 chai/năm.

 

“Tháng 10/2006, Nước mắm Gành Đỏ được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay nhãn hiệu này đã hết hạn bảo hộ, nhưng chưa được gia hạn, đã gây khó khăn trong việc phát triển sản phẩm này”, ông Nguyễn Thái Hải Anh cho biết thêm.

 

Thúc đẩy quảng bá, thương mại cho sản phẩm

 

Theo ông Đào Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý KH-CN (Sở KH&CN), việc quản lý, sử dụng và phát triển các NHCĐ theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TX Sông Cầu còn nhiều khó khăn, bất cập do địa phương chưa xác định được đúng các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, chưa gắn liền với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Hệ lụy của nó là tình trạng các sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ thiếu cầu, dư cung. Bên cạnh đó, địa phương chọn chưa đúng hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, dẫn đến tốn thời gian, công sức và tiền bạc để đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng không đem lại hiệu quả. Đây cũng là thực trạng chung trong sử dụng và phát triển NHCĐ tại các địa phương trong tỉnh khi sản phẩm được bảo hộ lại gặp nhiều khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

 

“Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể như hội nông dân, hội nghề cá vẫn chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh, khiến việc xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết, hợp tác tiêu thụ còn yếu. Mặt khác, một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể như HTX chỉ được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, khi dự án kết thúc thì hoạt động rất cầm chừng. Kinh nghiệm tham gia quản lý và thương mại còn hạn chế cũng là điểm yếu của nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể”, ông Đào Đức Dũng lý giải.

 

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, để giải quyết tình trạng này, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Đặc biệt, những cơ quan này cần quy định về quản lý, kiểm soát các nhãn hiệu chung cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Cơ quan có trách nhiệm cần nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường; phát triển nguồn lực, thúc đẩy hoạt động quảng bá, thương mại cho sản phẩm, nhất là gắn những dự án bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp với các chương trình như: Nông thôn mới, OCOP, Phát triển tài sản trí tuệ… để hỗ trợ ngành Nông nghiệp phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ nhất. 

 

Việc phát triển NHCĐ cần phải có thời gian, có kế hoạch và lộ trình. Thời gian đến, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh kết hợp với cơ quan quản lý địa phương tranh thủ các nguồn hỗ trợ giới thiệu, trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu, khắc phục hạn chế trong thời gian qua; đồng thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì việc sử dụng, phát triển NHCĐ ở TX Sông Cầu mới phát triển bền vững hơn.

 

Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Lâm Duy Dũng

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek