Hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Tại Phú Yên, các trường đã có những bước đi chủ động trong công tác này và đạt được một số kết quả tích cực.
Chủ động hợp tác
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường đại học Phú Yên và Trường đại học Wakayama Shin-ai (Nhật Bản) về nghiên cứu, đào tạo và trao đổi sinh viên, đoàn công tác gồm giảng viên, sinh viên của Trường đại học Phú Yên đang có chuyến tham gia chương trình trao đổi học thuật tại Nhật Bản. TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, cho biết: Trong chuyến đi này, đoàn sẽ có những hoạt động như tham gia lớp học lắp ráp mô hình cùng với thí nghiệm chế tạo động cơ ô tô sử dụng năng lượng mặt trời; gặp gỡ và giao lưu văn hóa với sinh viên Trường đại học Wakayama Shin-ai… Đây là hoạt động trao đổi sinh viên đầu tiên giữa hai bên; góp phần tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội học tập các kiến thức mới, nâng cao khả năng giao tiếp với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh chương trình trao đổi sinh viên tại Nhật, Trường đại học Phú Yên và Trường đại học Wakayama Shin-ai cũng đang phối hợp để triển khai hiệu quả lớp học tiếng Nhật trực tuyến miễn phí dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, cán bộ công chức, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các giảng viên đến từ Trường đại học Wakayama Shin-ai tổ chức giảng dạy bằng hình thức trực tuyến từ Nhật Bản.
Tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, công tác hợp tác quốc tế (HTQT) được tập trung triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với nước bạn Lào, nhà trường đang hỗ trợ đào tạo 5 sinh viên Lào tham gia học tập tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường duy trì và không ngừng phát triển mối quan hệ hợp tác với các đối tác, tổ chức giáo dục đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Vừa qua, nhà trường trao đổi hợp tác với Công ty Xây dựng Taniguchi (Nhật Bản) để sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc tại Nhật Bản. Hay như trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương (PP23), nhà trường đã phối hợp với đoàn quân nhân tổ chức thành công hội thảo khoa học “Chia sẻ những tiến bộ trong xây dựng, cầu đường, kiến trúc và môi trường”.
Đáp ứng xu thế toàn cầu hóa
Xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học đổi mới không ngừng, đặc biệt là hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những tri thức mới. Vì vậy, nền giáo dục đại học mỗi quốc gia nói chung và các trường đại học nói riêng cần hội nhập quốc tế để giao lưu, học hỏi cũng như đổi mới phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, HTQT của các trường đại học diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển.
Theo TS Trần Lăng, cùng với liên kết các ngành đào tạo, hoạt động HTQT về trao đổi sinh viên - giảng viên, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học đang từng bước được đẩy mạnh. HTQT giúp các trường đại học thiết lập được nhiều hình thức hợp tác đa dạng, phong phú với các chương trình, hợp tác song phương và đa phương. Trong quá trình đó, các trường đại học có thể khai thác các cơ hội, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu chung.
Với mục tiêu từng bước xây dựng nền giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập, đa ngành, từ năm 2020 đến nay, Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã tổ chức thành công 12 hội thảo cấp quốc tế, như: Ứng dụng BIM trong thiết kế và quản lý xây dựng, E-learning trong chuyển đổi số, Hệ thống luật và kinh nghiệm thực tiễn về quy hoạch và phát triển đô thị ở Hàn Quốc và Việt Nam…với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Theo TS Lê Đàm Ngọc Tú, Trưởng phòng Khoa học & HTQT, Trường đại học Xây dựng Miền Trung, đối với sinh viên và giảng viên, HTQT của các trường đại học mang lại cơ hội lớn trong việc tiếp cận nhanh chóng nguồn tri thức quốc tế. Sinh viên không chỉ được tiếp cận với kiến thức mới chưa có trong nước mà còn được ứng dụng, thực hành nhiều hơn. Ngoài ra, HTQT còn đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng định hướng, đổi mới giáo dục, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng để phục vụ sự nghiệp đổi mới và CNH-HĐH đất nước.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, HTQT là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nắm bắt và tận dụng hiệu quả hoạt động này, các trường đại học có cơ hội tốt để cọ xát, học hỏi, cạnh tranh; góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên |
NHƯ THANH