Chủ Nhật, 24/11/2024 08:35 SA
Phát huy tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Thứ Hai, 14/08/2023 07:00 SA

Nhằm tăng cường, phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN&ĐMST), đưa ứng dụng KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh và Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình phối hợp đạt kết quả tích cực.

 

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2030. Ảnh: LỆ VĂN

 

Nhiều đề tài, nhiệm vụ được triển khai

 

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, qua chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh, giai đoạn 2020-2023, đến nay 17 nhiệm vụ KH-CN đã được triển khai, với tổng kinh phí hơn 221 tỉ đồng. Trong đó có 10 nhiệm vụ KH-CN thuộc Chương trình KH-CN độc lập cấp quốc gia, 7 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số. Từ các đề tài, dự án và nhiệm vụ KH-CN này, 26 quy trình nuôi trồng, sản xuất; 63 mô hình thực tế và 2 bộ cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát chất lượng nước nuôi trồng được đưa vào thực tiễn, giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất.

 

Đặc biệt, đối với sản phẩm yến sào, Bộ KH&CN đã chuyển giao được quy trình công nghệ nuôi hoàn chỉnh, cung cấp cơ sở khoa học quy hoạch vùng, quy hoạch làng nghề nuôi chim yến. Đến nay, Phú Yên đã hình thành 4 vùng nuôi chim yến; chuyển giao 6 quy trình nuôi, duy trì và bảo tồn chim yến đảo. Đối với việc phát triển tài sản trí tuệ, Bộ KH&CN đã triển khai và bảo hộ chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan, tôm hùm bông, cá chình bông và nhãn hiệu chứng nhận muối Tuyết Diêm. Bộ KH&CN cũng đã nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu trình UNESCO. Riêng đối với việc phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương và con tôm, UBND tỉnh và Bộ KH&CN tập trung hợp tác các khâu xây dựng thương hiệu, chế biến, nghiên cứu nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn, phòng ngừa và xử lý dịch bệnh cho tôm hùm và tôm thẻ.

 

 

Là doanh nghiệp được Bộ KH&CN giao thực hiện đề tài “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên”, thời gian qua, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã triển khai và đạt nhiều kết quả mà dự án đề ra.

 

Ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, cho biết: “Dự án này thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, với tổng kinh phí hơn 40 tỉ đồng, trong đó ngân sách khoa học hơn 19,3 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Qua thời gian triển khai, đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được 2 mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ đạt sản lượng 5 tấn/mô hình/vụ. Đồng thời xây dựng quy trình công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể có hệ thống tuần hoàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Việc triển khai thành công dự án đã mở ra cách nuôi tôm hùm mới, vừa tránh được dịch bệnh, vừa không bị ảnh hưởng thiên tai và không gây ô nhiễm môi trường”.

 

Rất cần sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, để đưa KH-CN&ĐMST phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thời gian đến, Bộ KH&CN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tham gia phát triển ứng dụng KH-CN&ĐMST; tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai một số nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ KH-CN thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất….

 

Bộ trưởng KH&CN (thứ 3 từ trái qua) tham quan mô hình nuôi tôm hùm trên bờ ở Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: LỆ VĂN

 

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Phú Yên có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao… Vì vậy, nếu Phú Yên đầu tư tương xứng, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ, công nghệ mới và cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực KH-CN&ĐMST.

 

“Thời gian tới, Phú Yên cần phải có nhiều giải pháp về KH-CN mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Cách tiếp cận để đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN của tỉnh với việc triển khai các chương trình KH-CN cấp quốc gia để giải quyết bài toán quy mô lớn, có tính lan tỏa cao; hợp tác quốc tế, tìm kiếm chuyển giao các công nghệ hiện đại để phát triển các sản phẩm chủ lực về thủy sản, nông nghiệp, vấn đề truy xuất nguồn gốc, định danh mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch…”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy lưu ý thêm.

 

Nhằm tiếp tục phối hợp hoạt động KH-CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh, Bộ KH&CN và UBND tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp về KH-CN&ĐMST, giai đoạn 2023-2030. Chương trình phối hợp này nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH&CN&ĐMST đến năm 2030 tại Phú Yên. Song song đó, hai bên tăng cường sự phối hợp trong hoạt động KH-CN&ĐMST để nâng cao hiệu quả hợp tác nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 50 của Ban Bí thư, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Chương trình này sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cho KH-CN&ĐMST; thúc đẩy phát triển một số sản phẩm có lợi thế đặc thù của địa phương phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, khẳng định vai trò, vị thế của KH-CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

 

Một số nội dung Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2023-2030

 

- Hợp tác hỗ trợ nghiên cứu đánh giá hiện trạng cửa sông và ven biển, đề xuất các giải pháp ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển; hỗ trợ xây dựng hồ sơ thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; nghiên cứu nguy cơ sốc môi trường của tôm hùm giải quyết các vấn đề về dịch bệnh...; phát triển cây ăn trái, dược liệu, gia vị của tỉnh và các vấn đề cấp thiết phát sinh khác.

 

- Khai thác, huy động các nguồn lực để hình thành các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp tỉnh; trong đó, ưu tiên triển khai các giải pháp KH-CN phát triển sản phẩm tôm hùm, cá ngừ đại dương; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và hiệu quả kinh tế cao...

 

- Phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, tổ chức tập thể và cá nhân; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực…

 

- Hỗ trợ địa phương tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng mạng lưới tư vấn viên, tổ hợp dịch vụ tư vấn công nghệ, mô hình kinh doanh mới và huy động vốn hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, ươm tạo doanh nghiệp KH-CN trong các lĩnh vực tiềm năng.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek