Thứ Năm, 23/05/2024 14:45 CH
Biến bã trồng nấm thành giá thể hữu cơ
Thứ Hai, 31/07/2023 11:22 SA

Nhóm nghiên cứu trộn chế phẩm vi sinh Pymic xử lý bã thải nấm thành giá thể hữu cơ phục vụ cho trồng trọt. Ảnh: LỆ VĂN

Nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh dẫn tới phế phụ phẩm sau trồng nấm ngày càng nhiều và trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý các phế phẩm trồng nấm thành giá thể hữu cơ phục vụ cho trồng trọt là rất thiết thực, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

Mới đây, Hội đồng KH-CN tỉnh đã thống nhất nghiệm thu đề tài “Ứng dụng chế phẩm vi sinh Pymic xử lý bã thải nấm thành giá thể hữu cơ phục vụ cho trồng trọt”. Đây là đề tài KH-CN cấp cơ sở do kỹ sư Nguyễn Vân Anh (Trung tâm KH&CN, Sở KH&CN) làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ tháng 11/2021.

 

Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý bã thải nấm

 

Theo kỹ sư Nguyễn Vân Anh, đi đôi với sự thành công trong việc gia tăng quy mô và sản lượng nuôi trồng nấm của nhiều hộ gia đình và cơ sở sản xuất chuyên canh nấm là lượng bã thải trồng nấm ngày càng lớn.

 

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, lượng bịch phôi nấm sản xuất và nuôi trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 1,5-2 triệu bịch phôi/năm, đa phần tập trung các huyện: Tây Hòa, Đồng Xuân, Phú Hòa, Tuy An, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Hầu hết phế phẩm này được đưa trực tiếp ra môi trường tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 

Nguyên liệu trồng nấm là hỗn hợp được phối trộn từ mùn cưa, trấu, rơm rạ với một số thành phần khác như cám gạo, bột bắp… Đây là những hợp chất khó phân hủy, nấm mới làm hoại mục một phần, phát triển hệ sợi nên bã thải trồng nấm vẫn còn lượng lớn các chất hữu cơ chậm phân hủy như cellulose, lignin… và nấm bệnh. Nếu được xử lý đúng cách, bã thải trồng nấm sẽ là nguồn giá thể hữu cơ phục vụ cho trồng hoa, cây ăn trái và rau.

 

Năm 2020, Trung tâm KH&CN đã thực hiện nhiệm vụ KH-CN “Tiếp nhận và hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật xử lý chất thải hữu cơ”. Kết quả đã hoàn thiện được quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh Pymic. Thành phần chủng vi sinh vật trong chế phẩm Pymic, gồm: Bacillus subtilis, Bacillus licheniformic, Lactobacillus acidophilus, Sacharomyces cerevisiae… Các chủng vi sinh vật có khả năng phân giải mạnh các chất hữu cơ như cellulose, tinh bột, kitin, protein, lipid...; có khả năng sinh ra các hoạt chất có lợi cho môi trường, giảm thiểu được mùi hôi. Hiện nay, trung tâm đã sản xuất 2 dạng chế phẩm này dưới dạng bột và dạng dịch.

 

“Với mong muốn tận dụng lượng bã thải trồng nấm sử dụng chế phẩm vi sinh Pymic để tạo ra giá thể hữu cơ phục vụ trong trồng trọt, trung tâm xây dựng đề tài cấp cơ sở về lĩnh vực này. Bởi đây là vấn đề thực sự cấp thiết nhằm tận dụng bã thải trong sản xuất nấm tạo ra giá thể hữu cơ, giải quyết vấn đề môi trường nông thôn hiện nay”, kỹ sư Nguyễn Vân Anh cho biết.

 

Ứng dụng giá thể hữu cơ để trồng dưa lưới ở Trung tâm KH&CN. Ảnh: LỆ VĂN

 

Giảm ô nhiễm môi trường

 

Mục tiêu cụ thể của đề tài là xây dựng quy trình kỹ thuật xử lý bã thải trồng nấm thành giá thể hữu cơ đạt chuẩn; xây dựng báo cáo đánh giá chất lượng giá thể hữu cơ trong trồng trọt; sản xuất 5 tấn giá thể đạt chất lượng…

 

Theo kỹ sư Nguyễn Vân Anh, trong đề tài này, các loại bã thải sau thu hoạch gồm bã thải trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi... được sử dụng để xử lý làm giá thể hữu cơ, ứng dụng để trồng dưa lưới và hoa chậu các loại như: Hồng môn, xác pháo, dừa cạn. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được tổ hợp 5 chủng giống vi sinh vật để xử lý phế phẩm, phụ phẩm trồng nấm sau thu hoạch làm giá thể hữu cơ gồm: Azotobacter, Bacillus subtilis, Saccharomyces, Streptomyces và Trichoderma, có hoạt tính sinh học cao và có khả năng phân hủy chuyển hóa tốt chất hữu cơ trong bã nấm, tạo điều kiện thích hợp cho nhân giống vi sinh vật.

 

Giá thể hữu cơ sau xử lý từ bã nấm có hàm lượng các chất dinh dưỡng và vi sinh vật hữu ích khá cao, đặc biệt là lượng dinh dưỡng đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của dưa lưới và hoa chậu các loại. Dưa lưới và hoa chậu các loại trồng trên giá thể hữu cơ sau xử lý từ bã nấm có các chỉ tiêu sinh trưởng với tỉ lệ nảy mầm, chiều cao cây, diện tích lá và năng suất đều cao hơn so với đối chứng trồng trên đất canh tác, tỉ lệ sâu bệnh giảm hơn 15%. Hơn thế nữa, trồng trên giá thể hữu cơ từ xử lý bã nấm hoàn toàn đạt tiêu chuẩn an toàn, không chứa vi sinh vật gây bệnh và kim loại nặng…

 

Đánh giá về đề tài này, TS Văn Thị Phương Như (Trường đại học Phú Yên) nhận xét: “Đề tài đã tận dụng được các phế phẩm, phụ phẩm trồng nấm thành các giá thể hữu cơ vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bã thải nấm, các phế, phụ phẩm khác chuyển hóa thành giá thể hữu cơ sử dụng cho cây trồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất và chăn nuôi vùng nông thôn. Kết quả nghiên cứu của đề tài còn có thể sử dụng làm tư liệu, dẫn chứng, tài liệu tham khảo cho học sinh, sinh viên học chuyên ngành công nghệ môi trường và quản lý môi trường”.

 

Nguồn nguyên liệu làm giá thể trồng nấm đa dạng, nên nguồn bã thải sau nuôi trồng cũng khá phong phú. Bã thải trồng nấm có hàm lượng khoáng và độ xốp cao có tác dụng điều hòa rất tốt cho đất và là nguồn phân bón kích thích hạt giống nảy mầm. Vì vậy, xây dựng quy trình xử lý bã thải trồng nấm thành giá thể hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh Pymic phục vụ cho trồng trọt là vấn đề cấp thiết.

 

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở KH&CN

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek