KH&CN không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn trong các lĩnh vực CNH-HĐH đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Sở KH&CN chuyển giao kết quả của đề tài bảo tồn, phát triển âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số bản địa tỉnh Phú Yên cho Trường đại học Phú Yên, Sở GD&ĐT, Sở VH-TT&DL phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Ảnh: LỆ VĂN |
Tại Phú Yên, xác định KH&CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, các tiến bộ KH&CN đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hành chính, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, gia tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…
Tôn vinh KH&CN
Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự, chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KH&CN ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức KH&CN Việt Nam. Người khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó… Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân”.
Lời căn dặn ngắn gọn, súc tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền KH&CN nước nhà. Việc học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp KH&CN, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN được thông qua và thống nhất chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.
Phát huy truyền thống đó, năm 2023, các hoạt động chào mừng ngày KH&CN Việt Nam với nhiều chủ đề, như: “Phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa Việt Nam”; “KH&CN và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”; “KH&CN và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”…, được triển khai sâu rộng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, ngày KH&CN Việt Nam là dịp biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền phổ biến các thành tựu KH&CN, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hút các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ và năng lực sáng tạo, tích cực tham gia hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong nước; khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Kỹ sư ở Trung tâm KH&CN đang nhân giống cây nha đam để chuyển giao cho người dân. Ảnh: LỆ VĂN |
Ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất
Trong những năm qua, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được củng cố và ngày càng đi vào chiều sâu. Nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động KH&CN từng bước được nâng cao. Các tiến bộ KH&CN đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điển hình như ứng dụng tiến bộ KH&CN nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm; nghiên cứu quy trình nhân giống invitro và bảo tồn loài dược liệu quý, cây cam thảo Đá Bia và chè Mã Dọ; nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp Phú Yên, số hóa cơ sở dữ liệu vùng trồng làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn tăng cường sự hợp tác giữa địa phương với các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cũng như cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Năm 2023 là năm quan trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch 209 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sở KH&CN đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm là: Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN, công tác sở hữu trí tuệ, công tác quản lý công nghệ… Về phát triển thị trường KH&CN, sở sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển Phú Yên”.
Thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Phú Yên xác định: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025-2030, tỉnh sẽ có chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN; đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh. Sở, các ngành chức năng sẽ điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên đối với một số lĩnh vực công nghiệp, ngành hàng lợi thế, chủ lực của tỉnh sẽ được quan tâm, triển khai…, từng bước nâng cao đóng góp của KH&CN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tổ chức KH&CN…
Từ đây đến năm 2025, nâng tỉ lệ đóng góp của ngành KH&CN và đổi mới sáng tạo thông qua yếu tố năng suất tổng hợp đạt hơn 35% và tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng chuỗi giá trị công nghiệp. Nhất là, phấn đấu 90% nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú |
VĂN TÀI