Mới đây, Hội đồng KH-CN tỉnh tổ chức đánh giá và thống nhất nghiệm thu đề tài Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ công tác phòng chống ngập lụt trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đây là đề tài ứng dụng công nghệ GIS và WebGIS giúp cảnh báo sớm lũ lụt trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: LỆ VĂN |
Đề tài do TS Hoàng Thanh Sơn (Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ tháng 10/2020 đến nay, với tổng kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng.
Ứng dụng công nghệ dự báo và cảnh báo lũ lụt
TS Hoàng Thanh Sơn cho biết: Đề tài Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ công tác phòng chống ngập lụt trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ tăng cường công tác phòng chống ngập lụt, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Các mục tiêu cụ thể mà nhóm nghiên cứu đặt ra gồm: Đánh giá diễn biến và nguyên nhân gây lũ và ngập lụt vùng hạ du các sông Ba, Kỳ Lộ, Bàn Thạch; xây dựng công nghệ mô phỏng ngập lụt các sông trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ công cụ ra quyết định công tác cảnh báo ngập lụt trên nền WebGIS…
Theo TS Hoàng Thanh Sơn, việc tích hợp các công cụ hiện đại nhằm chính xác hóa dữ liệu đầu vào (điều kiện khí hậu, thủy văn, địa mạo cả tự nhiên và nhân tạo) cho mô hình tính toán thủy văn, mô phỏng sát thực quá trình lũ và ngập lụt mang tính đồng bộ, hệ thống trên nền tảng WebGIS.
Hiện các dữ liệu, nguồn số liệu thống kê đã tích hợp 5 trạm khí tượng, khí hậu và 14 trạm đo mưa trên địa bàn Phú Yên để làm đầu vào cho hệ thống cảnh báo, đưa ra tần suất cập nhật và xây dựng các chế độ xử lý tạo cảnh báo tự động dạng mở. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu tích hợp được số liệu của các hồ chứa thủy điện, các sông có trạm thủy văn, đưa ra cảnh báo tự động. Bên cạnh cảnh báo ngập lụt, nền tảng Web GIS giúp hỗ trợ điều hành, tính toán điều phối hồ chứa, kết nối mô hình thủy lực dự báo mực nước và diện ngập lụt.
Bản đồ ngập lụt tỉnh Phú Yên - tần suất 1%. Ảnh chụp từ đề tài |
Cần sớm đưa vào sử dụng
Theo TS Vũ Thị Thu Lan (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), điểm mới của đề tài này là đã tích hợp các công cụ hiện đại nhằm chính xác hóa các dữ liệu đầu vào như: điều kiện khí hậu, thủy văn… cho mô hình toán thủy văn, thủy lực nhằm mô phỏng sát thực quá trình lũ và ngập lụt mang tính đồng bộ, kết hợp với nền tảng WebGIS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quản lý trong việc phê duyệt quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, và công tác phòng chống, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, lũ, ngập lụt.
“Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương nhanh chóng đưa ra các quyết định phù hợp trong công tác ứng phó thiên tai, cũng như nâng cao năng lực của người dân nhằm giảm thiểu tác hại của lũ và ngập lụt; đồng thời đưa ra các giải pháp giảm thiểu thiệt hại vừa mang tính chất truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, tôi mong rằng đề tài này cần sớm đưa vào sử dụng trong thực tế”, TS Vũ Thị Thu Lan chia sẻ.
Nhận xét về đề tài, ThS Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ cho biết thêm: Đề tài đã đánh giá được hiện trạng, nguyên nhân lũ và ngập lụt vùng hạ du các con sông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó mô tả được hiện trạng lũ các con sông và ngập lụt vùng hạ lưu. Trên cơ sở các công nghệ hiện đại như mô hình thủy văn thủy lực kết hợp với sử dụng viễn thám và GIS mô phỏng lũ và ngập lụt, việc cập nhật các nhân tố ảnh hưởng theo thời gian và tích hợp với vận hành đơn hồ, liên hồ chứa, lưu vực sông theo quy định hiện hành được thực hiện nhanh chóng. Các kịch bản xây dựng bộ bản đồ lũ lụt trên toàn tỉnh (tỉ lệ 1/50.000) và vùng hạ du các sông Kỳ Lộ, Bàn Thạch… (tỉ lệ 1/10.000) được chuẩn hóa sẽ giúp đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động ngập lụt ở khu vực hạ lưu; giúp các nhà quản lý nhanh chóng đưa ra các quyết định phù hợp trong công tác ứng phó với thiên tai, ngập lụt.
Được biết, sau khi nghiệm thu, các sản phẩm của đề tài được chuyển giao cho Sở NN-PTNT Phú Yên (cơ quan đề xuất đặt hàng) và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp nhận, sử dụng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ công tác phòng chống ngập lụt trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quản lý trong việc phê duyệt quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, đưa ra những quyết sách nhằm giảm thiểu rủi ro do lũ và ngập lụt gây ra. Đây cũng chính là kênh cung cấp thông tin cho cộng đồng dân cư trong khu vực chịu thiên tai, tăng khả năng phục hồi cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đối với thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN |
VĂN TÀI