Thứ Năm, 16/05/2024 14:57 CH
Trị bệnh cho tôm bằng cà gai leo, hiệu quả thấy rõ
Thứ Hai, 20/02/2023 08:49 SA

Sau gần 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm (2020-2022), nhóm tác giả thuộc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Phát Đạt (TX Đông Hòa) đã chế tạo thành công, làm chủ quy trình chiết xuất dịch cà gai leo và thử nghiệm điều trị gan tụy ở tôm thẻ chân trắng (đăng ký bản quyền). Chế phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng trị bệnh cho tôm, cũng như góp phần giải quyết việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

 

Nông dân Võ Văn Tưởng (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) trộn chế phẩm cà gai leo cho tôm ăn để phòng trị bệnh. Ảnh: LỆ VĂN

 

Hội đồng KH-CN tỉnh đã thống nhất nghiệm thu và thông qua đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất dịch cà gai leo và thử nghiệm điều trị bệnh gan tụy ở tôm thẻ chân trắng” do kỹ sư Nguyễn Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Phát Đạt làm chủ nhiệm. Đây là nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, mà do doanh nghiệp tự đầu tư kinh phí để nghiên cứu.

 

Chữa bệnh cho tôm

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2022, Phú Yên có 1.145ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng. Riêng tại TX Đông Hòa, trong khoảng 850ha thả tôm nuôi thì 550ha tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu là đỏ thân và hoại tử gan tụy cấp. Trước tình hình môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm vẫn xảy ra, người nuôi lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và trị bệnh cho tôm. Điều này đã làm tồn dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

 

Để phòng, trị bệnh cho tôm, cũng như góp phần đẩy lùi tình trạng lạm dụng kháng sinh, nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn, kỹ sư Nguyễn Duy Trinh và các cộng sự đã nghiên cứu “Quy trình chiết xuất dịch cà gai leo và thử nghiệm điều trị bệnh gan tụy ở tôm thẻ chân trắng”. Đề tài KH-CN này nhằm góp phần phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững tại Phú Yên, đồng thời đẩy mạnh việc trồng cà gai leo theo hướng thương mại góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cho tỉnh nhà.

 

Theo kỹ sư Nguyễn Duy Trinh, doanh nghiệp đã đầu tư gần 8 tỉ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị. Sản phẩm chiết xuất dịch cà gai leo VPD LIVE 2020 chứa các thành phần hóa học như: Glycoalkaloid, alhloid, saponin và các acid amin có tác dụng tốt hỗ trợ điều trị xơ gan, viêm gan vi rút, viêm gan B, đồng thời có tác dụng chống ô xy hóa, ức chế gen gây bệnh gan tụy cấp trên con tôm.

 

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm thảo dược cà gai leo VPD LIVE 2020 an toàn cho tôm, tăng cường miễn dịch, gia tăng tỉ lệ sống, giúp phòng bệnh cho tôm và bệnh gan tụy lên tới 93,2% khi tôm ăn liên tục thức ăn có trộn chế phẩm trong vòng 14 ngày.

 

Cần được ứng dụng rộng rãi

 

Với diện tích trên 13.200m2 trên 6 ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, thay vì sử dụng các loại kháng sinh như trước đây, ông Võ Văn Tưởng (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) đã sử dụng chế phẩm cà gai leo VPD LIVE 2020 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Phát Đạt. Nhờ đó, con tôm có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, năng suất cao. Từđầu năm 2020 đến nay, ông đã nuôi thành công 4 lứa tôm, doanh thu hàng trăm triệu đồng.

 

Ông Tưởng cho biết: “Trước đây để trị bệnh cho tôm, tôi thường sử dụng kháng sinh. Từ ngày sử dụng thử nghiệm chế phẩm cà gai leo VPD LIVE 2020, dịch bệnh trên tôm không xảy ra, tôm được tăng cường hệ miễn dịch, tăng trưởng tốt, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, kích thích tiêu hóa và gia tăng tỉ lệ tôm sống nên có lãi cao. Điều này cho thấy tiềm năng chế phẩm cà gai leo có thể thay thế một số hóa chất tổng hợp hay kháng sinh để phòng trị bệnh cho con tôm”.

 

Thời gian qua, ông Lê Long Hùng ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa) cũng đã tăng cường sử dụng chế phẩm cà gai leo VPD LIVE 2020 để thay thế thuốc kháng sinh chăm sóc, bảo vệ tôm. Qua đó góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho ao nuôi, hiệu quả sản xuất nâng lên rõ rệt. “Tôi mong rằng sản phẩm VPD LIVE 2020 được nhân rộng và sản xuất thương mại để giúp các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng phòng trị bệnh cho tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường do sử dụng kháng sinh, hóa chất bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản”, ông Lê Hùng Long nói.

 

Đánh giá về đề tài, TS Huỳnh Thái Nguyên (Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh), nhận xét: “Nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất dịch cà gai leo và thử nghiệm điều trị bệnh gan tụy ở tôm thẻ chân trắng được xem là một giải pháp hỗ trợgiúp người nuôi tôm phát triển bền vững. Kết quả của đề tài là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu những vấn đề sử dụng thảo dược trong phòng và điều trị gan tụy ở tôm thẻ chân trắng nói riêng và bệnh thủy sản nói chung”.

 

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, thành công của đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất dịch cà gai leo và thử nghiệm điều trị bệnh gan tụy ở tôm thẻ chân trắng” không chỉ giúp phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học, hiệu quả cao, bền vững, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển việc trồng cà gai leo mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Việc doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu khoa học đã tiết kiệm và làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

 

Sau thành công của đề tài, hiện nay kỹ sư Nguyễn Duy Trinh và các cộng sự đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định của Nhà nước để sản xuất thương mại chế phẩm cà gai leo điều trị gan tụy ở tôm thẻ chân trắng nhằm cung cấp cho người dân để nuôi tôm theo hướng sinh học, an toàn và bền vững.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek