Phân tích dữ liệu từ Kính thiên văn Webb, các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện bằng chứng ít nhất 2 ngôi sao trước đây chưa được biết đến ẩn trong "nghĩa địa" sao Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam.
Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam nằm trong dải Ngân Hà cách Trái Đất khoảng 2.000 năm ánh sáng, trước đây được cho là có 2 ngôi sao. Một ngôi sao nép vào tâm Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam là ngôi sao lùn trắng khi giãy chết phun ra nhiều luồng khí và bụi trong hàng nghìn năm rồi sau đó những luồng khí và bụi này tạo thành đám mây bao quanh.
Nhà vật lý thiên văn tại Phòng Thí nghiệm vật lý thiên văn Marseille của Pháp, Philippe Amram cho biết hệ 2 sao này phổ biến trong dải Ngân Hà nhưng không phải là cấu trúc không điển hình của Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam. Ông đã sử dụng quan sát của Kính thiên văn Webb khám phá được thêm các bí ẩn của Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam.
Bằng việc phân tích dữ liệu từ các camera hồng ngoại của Kính thiên văn Webb, các nhà nghiên cứu cho biết họ tìm thấy bằng chứng của ít nhất 2 ngôi sao khác bên trong Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam, có đường kính tương đương 1.500 lần khoảng cách từ Mặt Trời đến Sao Diêm Vương.
Trong khi cặp sao mới này cách xa hơn chút ngôi sao lùn trắng và bạn đồng hành của nó, tất cả 4 ngôi sao này, hoặc có thể là 5, nằm ở trung tâm của Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam.
Ông Amram giải thích các ngôi sao này khá gần để tương tác với nhau và việc trao đổi năng lượng giữa chúng tạo ra một hình dạng kỳ lạ của Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam.
Kính thiên văn Webb hoạt động từ tháng 7 đã cung cấp một lượng lớn dữ liệu chưa từng có và các nhà khoa học hy vọng kính thiên văn khổng lồ này sẽ báo trước một kỷ nguyên khám phá mới.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Astronomy ngày 8/12.
Theo TTXVN/Vietnam+