Bên cạnh công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học. Không chỉ góp phần củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhiều đề tài nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả cao.
Nhiều công trình thành công
Năm học 2021-2022, Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã nghiệm thu 28 đề tài cấp trường của khối giảng viên, 31 đề tài cấp khoa ở khối sinh viên. Trước đó, nhà trường cũng có nhiều đề tài NCKH được ứng dụng trong thực tiễn quản lý, giảng dạy, học tập như: phần mềm tra cứu kế hoạch đào tạo, phần mềm thi trắc nghiệm, ngân hàng đề thi…
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, nhà trường đã ban hành quy chế về hoạt động khoa học công nghệ, quy định chế độ, định mức chi tiết để cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia NCKH một cách tự giác và hiệu quả. Mặt khác, nhà trường cũng thành lập hội đồng khoa học để xét duyệt, đề nghị các đề tài cấp cao hơn, nghiệm thu các đề tài cấp cơ sở. Hội đồng hoạt động khách quan, nghiêm túc với tinh thần làm khoa học, hướng đến chất lượng của đề tài.
5 năm qua, cán bộ, giảng viên của Trường đại học Phú Yên đã dày công nghiên cứu để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen của các cây rừng có giá trị dược liệu quý đang ngày càng suy giảm, thậm chí một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Điển hình như công trình Điều tra khu phân bố, đặc điểm hình thái chè Mã Dọ trên địa bàn TX Sông Cầu. TS Văn Thị Phương Như, Trưởng khoa Khoa học tự nhiên (Trường đại học Phú Yên), chia sẻ: Chè Mã Dọ là một loại dược liệu quý còn sót lại rất ít ở Phú Yên. Chúng tôi dành nhiều công sức để lấy mẫu cũng như nuôi cấy và không ít lần thất bại. Tuy vậy, với nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, đến nay, hoạt động này bước đầu thành công và có thể nhân giống chè Mã Dọ rộng rãi.
Dự án Bảo tồn, phát triển các loài cây bản địa của Phú Yên cũng mang lại hiệu quả khả quan. Lâu nay, mọi người thường nghĩ ở dưới tán cây keo thì ít có loài cây nào phát triển được. Tuy nhiên, với dự án này, đội ngũ nghiên cứu của Trường đại học Phú Yên đã trồng cây cam thảo Đá Bia dưới tán keo. Kết quả, 370 cây trồng đều sống và sinh trưởng tốt. Tính theo chu kỳ sinh trưởng thì cứ khoảng mỗi 2-2,5 năm, người trồng có thể thu hoạch cam thảo 1 lần và sau 5 năm, khi thu keo, họ thu hoạch cam thảo lần thứ hai.
Chú trọng đầu tư
Trường đại học Xây dựng Miền Trung là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trong hệ thống các trường đại học Việt Nam, có nhiệm vụ tổ chức NCKH, chuyển giao công nghệ và hợp tác đào tạo, bồi dưỡng... Mục tiêu đến năm 2030, trường sẽ trở thành trường đại học đa ngành, ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, công tác NCKH được tập trung chú trọng vào các nội dung lớn như: NCKH công nghệ phục vụ nhiệm vụ đào tạo (nghiên cứu thiết kế chương trình đào tạo cho các mã ngành mới, biên soạn giáo trình môn học, phương pháp dạy học hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam...); nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao sản phẩm công nghệ; các giải pháp cho công tác NCKH công nghệ.
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương, nhà trường chú trọng đầu tư tài chính phù hợp để nghiên cứu những đề tài có giá trị phục vụ giảng dạy và ứng dụng vào cuộc sống. Về cơ sở vật chất, ngoài các phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng, thí nghiệm cầu đường, thí nghiệm nước đã có, nhà trường tiếp tục đầu tư, nâng cấp thêm phòng thí nghiệm mới đáp ứng yêu cầu NCKH và giảng dạy. Hàng năm, nhà trường đều thông báo để các giảng viên, cán bộ, sinh viên của trường đăng ký tham gia NCKH. Các đề tài được tuyển chọn và đánh giá một cách công khai, minh bạch từ khâu đăng ký, cấp phát kinh phí đến khi nghiệm thu. Lực lượng tham gia nghiên cứu được hỗ trợ tối đa để tạo ra các sản phẩm trí tuệ có giá trị và phù hợp với thời đại. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xem xét các danh hiệu thi đua.
Đối với Trường đại học Phú Yên, nhà trường cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ NCKH, thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học để tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. “NCKH đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động dạy và học; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của một trường đại học. Đối với sinh viên, NCKH không chỉ giúp phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học công nghệ, tăng cường khả năng tự nghiên cứu ngay từ khi còn trên ghế giảng đường mà còn là thước đo năng lực mà thị trường lao động dùng để đánh giá sinh viên sau khi ra trường. Vì vậy, để đẩy mạnh NCKH, không chỉ tổ chức các hội thảo khoa học cấp trường, nhà trường còn thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành, thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, xây dựng mối liên kết, chia sẻ tiềm lực, phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống”, TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết.
Một trường đại học hiện đại, chất lượng cao phải là nơi giao thoa của ba chức năng: đào tạo, NCKH và phục vụ xã hội. Trong đó, NCKH có tác động quyết định tới chất lượng của hai chức năng kia và chất lượng chung của nhà trường. Chính vì thế, các trường cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực để triển khai tốt công tác này, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
NHƯ THANH