Kỳ cuối: Lan tỏa cách sống đẹp
Không chỉ tràn đầy nhiệt huyết, thầy hiệu trưởng Huỳnh Tấn Châu còn có nhiều ý tưởng sáng tạo, kết nối và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa đối với cộng đồng, qua đó giáo dục học sinh lòng yêu thương, cách sống đẹp.
Ra mắt học bổng Phát triển tài năng Lương Văn Chánh. Ảnh: CTV |
Trong trái tim học sinh
Lúc mới ra trường, thầy Châu thường đưa học sinh đi thi đại học nhằm động viên tinh thần các em. Học sinh vào phòng thi, thầy chọn một quán cà phê gần đó, ngồi đợi. Năm 1998, trong số các học sinh mà thầy Châu đưa đi thi đại học có Trần Đình Khả, nhà ở thôn Phước Hậu (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), hiện là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh). Hôm đó thi môn Toán. Chỉ mới một nửa thời gian, Khả đã nộp bài và rời phòng thi. Nghe học trò gọi điện báo đã làm bài xong, thầy Châu rất ngạc nhiên, tức tốc chạy đến điểm thi. Lúc đó tại cổng trường, thấy có thí sinh rời phòng thi rất sớm, nhiều người vây quanh, hỏi thăm. Khả tự tin nói: “Chắc được 10 điểm”. Thầy Châu rất vui và tự hào. “Giữa nơi đông người, Khả gọi mình là thầy, và đoán môn Toán sẽ được 10 điểm thì bảo sao mình không vui, không hãnh diện?”, thầy Châu mỉm cười, nhớ lại. Kỳ thi đại học năm đó, Trần Đình Khả đỗ thủ khoa 2 trường: Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và đại học Khoa học tự nhiên. Khi nhận 2 giấy khen đạt thủ khoa, người đầu tiên Khả gửi là thầy Châu. Đó là niềm vui của người thầy.
Hồi ấy, đội tuyển Toán luyện thi học sinh giỏi cấp quốc gia không có nhiều thành viên. Nhà thầy Châu chính là nơi các em lưu lại trong suốt thời gian tập trung học bồi dưỡng. Vợ chồng thầy chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ, trong đó có em Võ Văn Huy, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, đạt huy chương đồng Olympic Toán quốc tế năm 2011.
Thầy Huỳnh Tấn Châu tặng hoa chúc mừng các cô giáo của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Ảnh: CTV |
Em Nguyễn Tấn Thành, cựu học sinh lớp chuyên Anh niên khóa 2017- 2020, hiện là sinh viên năm 3 song ngành Phân tích kinh doanh và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường đại học Kansas (Mỹ) kể về người thầy kính yêu: “Thầy Huỳnh Tấn Châu thường lắng nghe rồi mới đặt câu hỏi, giúp học sinh trình bày suy nghĩ rõ ràng hơn. Trong cách chia sẻ của thầy, người nghe cảm nhận được sự chân thành, quan tâm. Trong các sự kiện do học sinh tổ chức, không cần bục và cũng không cần nhìn vào giấy, thầy chia sẻ những suy nghĩ chân thành, dùng trái tim của mình để kết nối với trái tim người nghe. Mỗi bài phát biểu của thầy đều chứa đựng lời nhắn nhủ và truyền cảm hứng”.
Đặc biệt, học sinh trường Lương Văn Chánh đều nhận thức được điều mà thầy hiệu trưởng muốn gửi gắm: Phát huy truyền thống “Yêu nước - Học giỏi - Kính thầy - Mến bạn”, làm rạng danh ngôi trường mang tên người có công đưa lưu dân mở mang bờ cõi nước Đại Việt xưa.
Kết nối - lan tỏa
Trang Facebook của thầy Huỳnh Tấn Châu là cầu nối giữa nhà trường với học sinh, cha mẹ học sinh và nhiều người đã từng đèn sách dưới mái trường Lương Văn Chánh.
Thầy Huỳnh Tấn Châu trao quà cho các em học sinh ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV |
Nhờ kết nối tốt, thầy Châu đã tổ chức cho giáo viên và học sinh giao lưu với GS Ngô Bảo Châu, GS Hà Huy Khoái, TS Lê Bá Khánh Trình… Và trong số những người được mời về truyền lửa cho học sinh có các nhà khoa học ra đi từ ngôi trường này, như GS Phan Thành Nam, GS Đàm Khánh Hòa..., hay doanh nhân Phạm Ngọc Duy Liêm - quán quân cuộc thi Tìm kiếm Tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020...
Thầy Châu cũng đã kết nối với nhiều nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Chương trình Những người bạn Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức từ năm 2014-2022. Những người đồng hành, hỗ trợ trường có thể kể đến như ông Bùi Duy Chính, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thực phẩm Sài Gòn; bác sĩ Tô Thành Ninh, Chủ nhiệm Ban Liên lạc cựu học sinh Lương Văn Chánh tại TP Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Phụ sản quốc tế Âu Cơ (TP Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Thành Sang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Vải sợi và Du lịch Phước Thịnh…
Nhờ sự kết nối của thầy Châu, cựu học sinh Lương Văn Chánh từ khắp nơi nhiệt tình ủng hộ và thành lập “Học bổng Tài năng Lương Văn Chánh” vào tháng 10/2016 với số tiền gần 1,1 tỉ đồng, dùng để trao học bổng cho học sinh xuất sắc và học sinh nghèo, giúp các em có điều kiện phát huy tài năng, học tập tốt. Năm 2019, thầy Châu tổ chức chương trình “Khám bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí” cho khoảng 1.200 người dân trong tỉnh, trong đó có nhiều người nghèo, với lực lượng bác sĩ là cựu học sinh trường Lương Văn Chánh, đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và Phú Yên. “Để thực hiện được chương trình này, tôi phải mất 2 tháng chuẩn bị, kết nối với bác sĩ vì các em rất bận rộn, lịch làm việc mỗi người đều khác nhau”, thầy Châu nói.
Năm 2021, thầy Châu tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe online, kết nối người bệnh với các bác sĩ ở Phú Yên, TP Hồ Chí Minh... trong bối cảnh nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19.
Điều thầy tâm đắc nhất là nhiều cựu học sinh đã thành công vẫn không quên ngôi trường trung học từng chắp cánh ước mơ cho họ. Dù sống và làm việc trong nước hay ngoài nước, họ đã kết nối, trở về và có những đóng góp cho trường, cho quê hương Phú Yên…
Niềm vui của thầy và trò tại Ngày hội Tài năng Lương Văn Chánh. Ảnh: CTV |
Thầy và trò sống đẹp
Những ngày qua, sân Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh rực rỡ sắc màu của nhiều cánh thiệp chúc mừng đặt trang trọng trên những giá đỡ. Đó là sản phẩm của các em học sinh tham gia hội thi Thiết kế “Cánh thiệp tri ân” với chủ đề 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Những tấm thiệp chứa đựng lòng biết ơn thầy cô và thể hiện sự sáng tạo của các em. Hoạt động này được triển khai từ ý tưởng của thầy Huỳnh Tấn Châu. Không chỉ trong năm học, cả thời gian nghỉ hè hoặc thời gian nghỉ để chống dịch COVID-19, trường cũng liên tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mà ý tưởng xuất phát từ thầy Châu.
Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 hoành hành tại Phú Yên, thầy Châu nảy ra ý tưởng thực hiện chương trình ATM gạo, Lương Văn Chánh chung tay vì cộng đồng. Ý tưởng này được các thầy cô, học sinh và cựu học sinh Lương Văn Chánh cùng một số nhà hảo tâm ủng hộ. Chương trình đã tặng gạo cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở TP Tuy Hòa và các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Phú Hòa, Tây Hòa. Hình ảnh của hoạt động này đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Trong đỉnh dịch, thầy Châu cùng các đồng nghiệp, học trò biến phòng thí nghiệm của trường thành nơi sản xuất hàng ngàn chai nước sát khuẩn tặng các cơ sở y tế và nhiều cơ quan, đơn vị.
Trường cũng quan tâm, hỗ trợ một học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh bị ung thư, cần thay chân giả nhưng gia đình không có điều kiện. Cựu học sinh Lương Văn Chánh quyên góp, hỗ trợ em 150 triệu đồng. Dùng tài khoản của trường, kế toán quản lý tài chính chuyên nghiệp và minh bạch, thầy Châu kết nối khắp nơi để tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
*
Sau 2 năm phải tạm dừng nhiều hoạt động ngoại khóa do dịch bệnh, tháng 7 vừa qua, Trại hè Lương Văn Chánh 2022 được tổ chức với chủ đề Truyền lửa. Đêm văn nghệ của trại bị hoãn ít nhất 3 lần vì mưa. Thầy Huỳnh Tấn Châu quyết định chờ đến khi mưa tạnh để tiếp tục chương trình vì không muốn học sinh thất vọng. Gần 22 giờ, trên sân khấu, thầy phát biểu: “Các nhà khoa học tầm cỡ thế giới luôn muốn tìm ra nguồn gốc của lửa. Nhưng thầy đã tìm được và khẳng định, lửa là từ bên trong mỗi học sinh trường Lương Văn Chánh!”. Cả sân trường vỡ òa vì phấn khích.
Suốt nhiều năm qua, tại ngôi trường mang tên người mở đất, thầy hiệu trưởng Huỳnh Tấn Châu làm người truyền lửa - cần mẫn và nhiệt thành.
Thầy Huỳnh Tấn Châu có uy tín cao đối với học sinh, nhiều năm dạy đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia và có nhiều học sinh đoạt giải. Thầy tâm huyết với nghề, dành trọn niềm tin vào học sinh. Trong quản lý, thầy có nhiều sáng tạo và luôn tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo. Những năm qua, thầy Châu có rất nhiều mô hình thiết thực, qua đó giáo dục lòng yêu thương con người cho các em khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy Ma Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh |
MINH NGUYỆT