Để cây sầu riêng đạt năng suất và chất lượng cao, phát triển thành sản phẩm chủ lực, Sở KH-CN đang phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng KH-CN để nâng cao giá trị cho cây trồng này.
Mạnh dạn ứng dụng KH-CN
Nông dân tham quan mô hình trồng cây sầu riêng áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình hữu cơ của ông Cao Nguyên Lâm. Ảnh: LỆ VĂN |
Ông Cao Nguyên Lâm, chủ vườn sầu riêng ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) là người tiên phong ứng dụng KH-CN trồng cây sầu riêng. Khoảng 3 năm đây, ông Lâm mua phun cỏ, cho 6ha sầu riêng chất lượng cao, đang trong độ tuổi thu hoạch. Theo ông Lâm, trước đây, không có phương tiện, máy móc hiện đại, chưa ứng dụng KH-CN vào sản xuất, ông và gia đình không thể quán xuyến việc chăm sóc vườn. Việc ứng dụng KH-CN đã giải phóng đáng kể sức lao động, kiểm soát được nước tưới, phân thuốc cho cây. Đặc biệt, năng suất vườn sầu riêng của gia đình ông tăng lên khoảng 30%. Những trái sầu riêng đẹp, đều nhau, chất lượng thơm ngon, nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu và tiêu thụ trong nước.
“Từ khi ứng dụng KH-CN vào sản xuất, nhân công giảm khoảng 50%. Trước đây, chỉ riêng việc tưới nước cho 6ha sầu riêng, tôi phải mất rất nhiều thời gian, chi phí để thuê mướn nhân công. Việc ứng dụng máy móc giúp tiết kiệm thời gian và nhân công cho công việc này”, ông Lâm chia sẻ.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc KH-CN, mô hình trồng sầu riêng áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình sạch của ông Lâm và nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở xã Ea Bar là mô hình tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình tốt, bà con có thể học tập để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch.
Triển vọng cây sầu riêng trên đất Sông Hinh
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, hiện nay, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện trên 286ha, diện tích cho thu hoạch là 77,4ha, năng suất bình quân đạt khoảng 1,5 tấn/ha; bước đầu hình thành một số khu vực sản xuất sầu riêng có hiệu quả kinh tế cao tại các xã: Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol và xã Sông Hinh.
Cũng theo ông Thành, trái sầu riêng trồng tại huyện Sông Hinh có vị ngọt thanh, cơm dày, múi khô, đây là những ưu điểm để nâng giá trị và xây dựng thương hiệu sầu riêng Sông Hinh. Hiện tại, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình trồng cây hữu cơ nên giá trị cây sầu riêng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Để tiếp tục phát triển diện tích cây sầu riêng theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, trong thời gian đến, Sông Hinh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Xây dựng vùng cây ăn trái, gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030 của UBND tỉnh. Song song đó, huyện đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng KH-CN, xây dựng vùng chuyên canh cây sầu riêng theo chuẩn nông nghiệp sạch, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, phấn đấu xây dựng nhãn hiệu tập thể Sầu riêng Sông Hinh và tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng chuyên canh trồng sầu riêng, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa làm cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Thành cho hay.
Theo TS Lâm Văn Hà, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), để phát triển cây sầu riêng bền vững, mang lại thu nhập cao và ổn định không chỉ có giống tốt mà địa phương và các ngành cần phải có các nghiên cứu quy hoạch những vùng thổ nhưỡng thích hợp. Ngoài ra, địa phương cũng cần xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Sông Hinh, như: Quy trình canh tác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản, mã vùng trồng… nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường tiêu thụ lớn ở Trung Quốc và một số nước khác.
Còn theo bà Đặng Thị Thủy, để ứng dụng KH-CN vào canh tác cây sầu riêng, thời gian đến, Sở KH-CN sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn, tham mưu trình UBND tỉnh cho xây dựng các nhiệm vụ KH-CN, tập trung vào các nội dung như: Nghiên cứu áp dụng quy trình công nghệ theo chuỗi khép kín từ khâu giống, canh tác đến chế biến, truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây sầu riêng theo hướng phù hợp với xuất khẩu và nội địa, gắn với chuỗi giá trị đồng bộ, nâng cao giá trị; phối hợp với Sở NN-PTNT nghiên cứu và đề xuất các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển cây sầu riêng có lợi thế đặc thù của huyện, của tỉnh theo hướng bền vững; chú trọng chính sách hỗ trợ hộ dân về cây giống, mô hình và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây sầu riêng…
Theo đề án Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh là 450ha, sản lượng 690 tấn; diện tích đến năm 2030 là 600ha, sản lượng 1.200 tấn. Đồng thời, một yêu cầu khác của đề án đề ra là tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý…
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở KH-CN |
VĂN TÀI