Chủ Nhật, 24/11/2024 17:59 CH
Ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi cá chình
Thứ Hai, 13/06/2022 09:23 SA

Anh Nguyễn Văn Phú cho cá chình ăn tại các lồng nuôi ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa). Ảnh: LỆ VĂN

Nhằm phát triển và bổ sung đối tượng nuôi mới theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế, kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Phú (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) đã triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình ương nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh Phú Yên.

 

Bước đầu dự án đạt được những kết quả khích lệ, đóng góp tích cực vào việc phát triển nghề nuôi cá chình bền vững tại địa phương, cũng như tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ nuôi thủy sản…

 

Tâm huyết với cá chình

 

Sau nhiều năm bôn ba đi bán thức ăn, thuốc vi sinh cho người nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây, anh Nguyễn Văn Phú biết được các hộ dân ở vùng đất này đều lấy giống cá chình từ Phú Yên vào để nuôi. Qua một thời gian tìm hiểu, anh quyết định bỏ ngang công việc với mức lương hàng chục triệu đồng để về quê nuôi cá chình.

 

Ban đầu, anh Phú tìm tài liệu nuôi cá chình về đọc và lên mạng tìm hiểu thêm. Sau đó, anh Phú bắt đầu nuôi thử nghiệm cá chình hoa trong ao, tiến đến trong bể xi măng rồi đến nuôi cá chình hoa trong lồng bè…, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Nhờ chịu khó, những năm đầu khởi nghiệp, anh có thu nhập khá ổn định.

 

Năm 2017, vợ chồng anh Phú vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cá chình. Được người thầy đang thực hiện dự án nuôi cá chình công nghệ cao tại Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) hỗ trợ về công nghệ nuôi mới, anh Phú và vợ về Phú Yên thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên, chọn vùng đồi cát ven biển ở phường Phú Thạnh làm trang trại nuôi cá chình công nghệ cao. Thay vì đào hồ, công nghệ nuôi mới được áp dụng với loại hình bể xi măng nổi trên mặt đất. Khu nuôi được che kín bằng nhà lợp mái chống nóng và hạn chế ánh sáng tối đa.

 

Theo anh Phú, điều khác biệt ở đây là các hồ nuôi được che chắn để yên trong khoảng tối, hạn chế tiếng động và ánh sáng đến mức tối đa. Có như vậy cá sẽ không bị đánh động nhiều và không bỏ ăn. “Qua 5 năm triển khai nuôi cá chình theo mô hình công nghệ cao, thức ăn chủ yếu được sử dụng từ nguồn chế biến công nghiệp sạch. Bởi nếu sử dụng nguồn thức ăn tạp, nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng lớn và khó kiểm soát được những vi khuẩn có hại cho cá. Như vậy, người nuôi rất khó kiểm soát được dịch bệnh. Cá đã bị dịch bệnh phải sử dụng các loại kháng sinh hoặc thuốc khác để điều trị, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cá thương phẩm”, anh Phú giải thích.

 

Hiện trang trại của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên có 6 hồ (mỗi hồ 30m2) dùng để ương, nuôi cá giống. Mỗi năm, công ty sản xuất được gần 4 vạn cá giống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc xuất bán cá chình giống, công ty này còn mạnh dạn nuôi cá chình thương phẩm và mở thêm hướng kinh doanh sản phẩm cá chình chế biến đóng hộp. Khách hàng chỉ mua cá hộp về và nấu lên là ăn được với các sản phẩm đa dạng như cá chình kho, cá chình nướng, cá chình nấu lẩu.

 

Hai năm vừa qua, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá chình. Anh Phú nhanh chóng chuyển hướng mở nuôi thêm cá lóc, cá thác lác, cá lăng... với chu kỳ nuôi nhanh hơn để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời liên kết với các hộ dân trong tỉnh để tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi cá chình hoa thương phẩm.

 

Anh Nguyễn Văn Phú vớt cá chình thương phẩm để giao cho khách hàng. Ảnh: LỆ VĂN

 

Xây dựng mô hình ương nuôi cá giống, cá thương phẩm

 

Sau thành công bước đầu, đầu năm 2019, anh Phú mạnh dạn đề xuất và được Bộ KH-CN phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN, xây dựng mô hình ương nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh Phú Yên” (thuộc Chương trình nông thôn, miền núi). Thời gian thực hiện dự án trong vòng 36 tháng, với tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương hỗ trợ hơn 2,9 tỉ đồng, ngân sách địa phương 700 triệu đồng và nguồn vốn khác gần 3,4 tỉ đồng. Dự án này không chỉ góp phần đa dạng loài nuôi cá nước ngọt của tỉnh, giúp người nuôi chủ động nguồn giống, mà còn góp phần chuyển đổi diện tích nuôi kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân.

 

Theo anh Phú, cá chình hoa có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Hiện giá thu mua trên thị trường trong nước là 400.000-450.000 đồng/kg nên khá ổn định. Bên cạnh đó, Phú Yên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi cá chình vì nhờ có điều kiện khí hậu và nguồn nước rất thuận lợi. Phú Yên cũng là địa phương có nguồn giống cá chình tự nhiên nhiều nhất cả nước.

 

Cũng theo anh Phú, hiện nay, các công nghệ mà dự án đang áp dụng gồm ương nuôi giống cá chình hoa từ giai đoạn giống cấp I (5gram/con) lên giống cấp II (50 gram/con); công nghệ nuôi thương phẩm cá chình hoa trong các ao; công nghệ nuôi thương phẩm cá chình hoa trong các bể nuôi và công nghệ nuôi thương phẩm cá chình hoa trong lồng bè… Để nhân rộng và phát triển nghề nuôi cá chình trong tỉnh, dự án phối hợp với Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên hướng dẫn kỹ thuật, kết hợp với cung cấp nguồn con giống có chất lượng cho người dân.

 

Là hộ dân được dự án chuyển giao KH-CN, đầu năm 2020, ông Trần Văn Thảo ở thôn Sơn Tây (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) đã mạnh dạn thuê đất xây ao nuôi cá chình hoa thương phẩm trên diện tích 1.500m2 với 10 lồng nuôi. Sau 15 tháng thả nuôi, đến nay, trên toàn bộ diện tích này, số lượng cá đều sinh sôi và phát triển tốt…

 

Ông Thảo cho biết, trước đây ông làm nhiều công việc nhưng kinh tế vẫn không đủ để trang trải. Trong lúc đang suy nghĩ tìm mô hình để phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2020, được công ty hỗ trợ con giống, thức ăn và chuyển giao kỹ thuật nên ông mạnh dạn đăng ký tham gia. Qua thời gian nuôi đến nay, ông nhận thấy nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giá bán khá, ít bị dịch bệnh trong khi nguồn thức ăn của cá chình cũng rất dễ kiếm.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Nghị, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN) cho biết thêm: “Qua kiểm tra bước đầu thực hiện dự án cho thấy, cá giống ương từ cấp I lên cấp II có tỉ lệ sống hơn 80%. Khi cá đạt cỡ 50gram/con sẽ được cung cấp cho các hộ dân có điều kiện triển khai nuôi thương phẩm, phần cá giống còn lại sẽ tái sử dụng để nuôi tại dự án. Đối với cá chình hoa nuôi thương phẩm, tính toán sơ bộ cho thấy trên diện tích ao nuôi và trong các lồng, sau chu kỳ nuôi từ 16-18 tháng, năng suất đạt khoảng 20-22 tấn/ha, tỉ suất lợi nhuận đạt 30-40%. Trong điều kiện giá sản phẩm cá chình tiêu thụ ngoài thị trường như hiện nay vào khoảng 400.000-450.000 đồng/kg thì lợi nhuận người nuôi thu về là khá cao, rất nên ứng dụng vào thực tiễn để góp phần nâng thu nhập cho người nông dân”.

 

Thực tế cho thấy, phát triển mô hình ương cá giống và nuôi thâm canh cá chình hoa thương phẩm ở Phú Yên là một hướng đi đúng. Dự án thực hiện thành công sẽ là động lực góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên mặt nước, đa dạng mô hình và loài thủy sản nuôi, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho người nuôi thủy sản ở Phú Yên trong thời gian tới.

 

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek