Thứ Ba, 26/11/2024 02:52 SA
Chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực số là yêu cầu bức thiết
Thứ Năm, 14/04/2022 07:00 SA

Sinh viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung học trực tuyến. Ảnh: THÚY HẰNG

Tháng 3 vừa qua, Sở TT-TT phối hợp Công ty TNHH Phần mềm SS4U Express (TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số - câu chuyện thực tế” dành cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã được các doanh nghiệp tiếp nhận hào hứng những giải pháp CĐS và thay đổi nhận thức về đầu tư phát triển nguồn nhân lực số. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Thẩm Văn Hương, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm SS4U Express, xung quanh nội dung này.

 

* Hội nghị “Chuyển đổi số - câu chuyện thực tế” vừa qua khá thành công. Những kết quả đạt được từ hội nghị này là gì, thưa ông?

 

- Cuối năm 2021, trong chuyến công tác về quê, tôi đề xuất với Giám đốc Sở TT-TT Trần Thanh Hưng tập hợp những anh em Phú Yên đang sống tại TP Hồ Chí Minh, làm việc lâu năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) chung tay phát triển hoạt động CĐS cùng với tỉnh nhà. Lãnh đạo Sở TT-TT hết sức ủng hộ, kết nối ngay và tạo điều kiện tốt nhất để triển khai ý tưởng này. Kết quả là hội nghị trực tuyến “Chuyển đổi số - câu chuyện thực tế” được tổ chức, thu hút gần 40 doanh nghiệp tham gia. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty CP An Hưng, Công ty CP Xăng dầu - Dầu khí Phú Yên, Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, Công ty CP PYMEPHARCO…

 

Tại hội nghị này, các chuyên gia phát triển phần mềm người Phú Yên đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ lộ trình CĐS trong doanh nghiệp, ứng dụng ERP vận hành doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng CRM thúc đẩy hoạt động kinh doanh - marketing, ứng dụng BI để điều hành doanh nghiệp thông minh, thông qua những câu chuyện thực tế. Những thông tin này được các doanh nghiệp tiếp thu và đánh giá cao.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn đề cập bốn nội dung lớn sắp tới sẽ hợp tác với tỉnh trong công cuộc CĐS. Đó là tham gia xây dựng chiến lược tổng thể CĐS của tỉnh, lộ trình CĐS trong doanh nghiệp. Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu người dân/gia đình, doanh nghiệp, việc làm, giao thương cho người Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh. Tham gia xây dựng công cụ thống kê thông minh trên Business Intelligence (BI) ở các cấp giáo dục và xây dựng môn học hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho các trường đại học, cao đẳng tại Phú Yên. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp điều hành tiên tiến nhất thế giới: ERP, BI, HR… để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

Ông Thẩm Văn Hương

* CĐS với các doanh nghiệp là xu thế, nhu cầu tất yếu. Vậy làm thế nào để chuẩn bị đội ngũ nhân lực số phù hợp, thưa ông?

 

- Chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng xu hướng CĐS là câu chuyện rất lớn, mang tầm quốc gia. Và sẽ cần nhiều thời gian để dịch chuyển, đặc biệt các tỉnh xa trung tâm như Phú Yên.

 

Tôi xin chia sẻ một số giải pháp theo nhìn nhận cá nhân. Trước hết là đào tạo, đào tạo lại nhân lực ở khối tư nhân và hành chính công; chú ý đến thế hệ học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng. Trong quá trình này cần chia nhiều cấp độ. Ví dụ cấp độ 1, có kiến thức cơ bản để sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, cài đặt phần mềm, sử dụng internet và khai thác dữ liệu có lợi. Cấp độ 2, đào tạo sử dụng thành thạo máy tính, phần mềm văn phòng, ứng dụng quản trị, công cụ số vào công việc. Cấp độ 3, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm... Theo tôi, muốn tạo ra sản phẩm tốt thì hãy sử dụng thành thạo các sản phẩm hữu ích tương tự.

 

Tiếp theo là cần có lộ trình phù hợp để hoàn thành từng mục tiêu, không thể nóng vội. Ở tầm vĩ mô, tỉnh dành ngân sách nhiều hơn để đầu tư hạ tầng CNTT, nâng cấp đội ngũ nhân sự nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các đơn vị có nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ. Tận dụng tất cả cơ hội để mời gọi, kết nối hợp tác phát triển hoạt động CĐS từ các thành phố lớn, các chuyên gia người Phú Yên đang làm việc khắp nơi trong và ngoài nước. Ưu tiên quỹ đất và ngân sách đầu tư trung tâm công nghệ phần mềm, thu hút nhà đầu tư và xây dựng các vườn ươm công nghệ. Nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung đã và đang đầu tư theo hướng này, rất hiệu quả.

 

* Theo ông, các trường đại học, cao đẳng - nơi đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội cần có những thay đổi thế nào trong câu chuyện CĐS hiện nay?

 

- Trước năm 2000, lúc còn làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi tham gia đội tư vấn triển khai các phần mềm kế toán. Thời điểm đó, doanh nghiệp có máy tính, máy chiếu xem như là đầu tư lớn. Nhân sự nhiều doanh nghiệp chưa biết sử dụng máy tính, việc hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán là rất vất vả, phải đào tạo lại nhiều lần. Sau này, VCCI tài trợ phần mềm kế toán cho các trường đại học, cao đẳng với mong muốn đào tạo sinh viên thành đội ngũ nhân lực mới và chỉ trong thời gian ngắn, kết quả thấy rõ. Sinh viên đã có thể sử dụng thành thạo phần mềm kế toán, đặc biệt là đã có tư duy tin học hóa kế toán. Kể câu chuyện này để thấy rằng vai trò của các trường đại học, cao đẳng là rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Những năm 2002, 2003, tôi may mắn là thế hệ đầu tiên của Công ty CP FPT tiếp nhận các phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) từ các hãng của Mỹ, Đức (khác với phần mềm kế toán chỉ sử dụng cho phòng kế toán, phần mềm ERP sử dụng cho cả doanh nghiệp). Việc triển khai ERP khó khăn gấp nhiều lần so với kế toán và chúng tôi tiếp tục vất vả vì câu chuyện chất lượng nguồn nhân lực.

 

Tôi nghĩ phải đưa ngay ERP vào giảng dạy cho sinh viên. Và đến hôm nay, ERP là môn học bắt buộc ở phần lớn các trường đại học. Năm 2018, tôi thành lập TVHpro Edu để tập trung cho hoạt động hợp tác đào tạo với hơn 10 trường đại học uy tín tại TP Hồ Chí Minh. Hiện nhiều trường đại học sử dụng môn ERP thay thế cho học phần thực tập tốt nghiệp và tương lai gần, ERP sẽ là chuẩn đầu ra của nhiều ngành quản trị. Sinh viên ra trường nếu đã học ERP thì cơ hội việc làm tăng cao, vì hơn 30% công ty vừa và lớn của Việt Nam đã và đang sử dụng phần mềm ERP.

 

Sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh sẽ rất thiệt thòi khi chưa được đào tạo ERP. Nếu các trường ngay lúc này trang bị cho các em những kiến thức trên nền tảng ứng dụng CNTT như môn học ERP, thì đó là một trong những cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất để rút ngắn khoảng cách. Sinh viên học ở Phú Yên nhưng nắm vững các quy trình chính trong ERP, có chứng nhận môn học, chịu khó học giỏi ngoại ngữ, kỹ năng mềm thì hoàn toàn có thể làm việc được ở các doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Đây cũng là cách góp phần nâng cao nguồn nhân lực số, đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh hiện nay.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Hiện nay, nhiều trường đại học sử dụng môn ERP thay thế cho học phần thực tập tốt nghiệp và tương lai gần, ERP sẽ là chuẩn đầu ra của nhiều ngành quản trị. Sinh viên ra trường nếu đã học ERP thì cơ hội việc làm tăng cao, vì hơn 30% công ty vừa và lớn của Việt Nam đã và đang sử dụng phần mềm ERP.

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek